Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 01/02/2012 08:32
Ngày xuân nhớ anh Hai Bạch
Tiến sĩ Luật học Phạm Văn Bạch, vị Chánh án TANDTC đầu tiên của nước ta đã đi xa nhiều năm nay. Nhưng cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, cán bộ, công chức ngành TAND thường ôn cố tri tân, nhớ về anh Hai Bạch, một trí thức cách mạng, vị Thủ trưởng đầu tiên của ngành Tòa án với tấm lòng kính trọng, quý mến vô hạn.

Cố Chánh án Phạm Văn Bạch

Một trái tim sớm giác ngộ cách mạng

Phạm Văn Bạch quê ở Châu Đốc, An Giang, ông sinh ngày 18-6-1910 tại làng Khánh Lộc, nay là xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh trong một gia đình công chức. Cha ông làm công chức ở Sài Gòn, sau về làm hương chức của xã Vinh Tế, Châu Đốc, An Giang. Thời thơ ấu của ông không mấy êm ả. Mẹ mất sớm, cha đi làm xa nhà, ông lớn lên trong sự cưu mang, đùm bọc của ông bà ngoại và người cậu ruột.

Từ bé đến 15 tuổi, Phạm Văn Bạch học tiểu học ở Trà Vinh, học trung học ở Cần Thơ, Mỹ Tho. Phạm Văn Bạch học giỏi, thông minh, lại khôi ngô, tuấn tú nên ai cũng nghĩ sau này ông sẽ có tương lai trong xã hội “Tây” lúc bấy giờ. Nhưng từ sâu thẳm trái tim của Phạm Văn Bạch lại ấp ủ một ước mơ, hướng đi khác. Phạm Văn Bạch đã cùng nhóm 16 học sinh tích cực tham gia biểu tình, bãi khóa đòi thả bốn học sinh khác bị bắt giam vì tình nghi “làm chính trị”, rồi bãi khóa để tang Nhà chí sĩ cách mạng Phan Châu Trinh rồi bị nhà trường đuổi học.

Sau đó, Phạm Văn Bạch theo vợ chồng người cậu sang Pháp học. Ông trọ học ở những nơi bình dân, rẻ tiền nhưng quyết tâm học thật giỏi để “người Tây” không thể coi thường người Việt Nam mình. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật và Triết học, Phạm Văn Bạch học tiếp chương trình nghiên cứu sinh. Năm 1936, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Luật khoa hạng ưu về đề tài “Cách mạng ruộng đất và thực tiễn Xô Viết”. Để hoàn thành bản luận án này, Phạm Văn Bạch đã nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin và ông đã “tìm thấy được trong Hiến pháp Xô Viết và thực tiễn Xô Viết giải pháp đúng đắn cho cả hai vấn đề căn bản: Dân tộc và Giai cấp”. (Hồi ký Phạm Văn Bạch)

Chánh án Phạm Văn Bạch chụp ảnh lưu niệm với Đoàn cán bộ cao cấp Tòa án Liên Xô tại Ba Đình

Bản luận án Tiến sĩ của Phạm Văn Bạch khiến chính quyền thực dân đau đầu. Ông bị mật thám ráo riết theo dõi ở Pháp. Về nước, mặc dù với tấm bằng hạng ưu nhưng Phạm Văn Bạch vẫn bị theo dõi và không xin được việc làm. Ông dạy học, làm luật sư để kiếm sống và hoạt động bí mật. Ông thường liên hệ với các đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Văn Cái, những Đảng viên Lao động lúc đó đang hoạt động ở Cần Thơ.

Năm 1946, Bác sĩ Phạm ngọc Thạch cùng một đồng chí Xứ ủy Nam Kỳ đã bồi dưỡng, giới thiệu Phạm Văn Bạch và ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.

Với quá trình hoạt động và uy tín của mình, từ tháng 8-1945 cho đến ngày tập kết ra Bắc, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch đã được cử làm Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam, Bí thư Đảng Đoàn…

Tháng 9-1954, sau khi tập kết ra Bắc, Phạm Văn Bạch được Trung ương giao nhiều trọng trách: Phó Trưởng ban Miền Nam của Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Phủ Thủ tướng. Tháng 9-1959, thành lập TANDTC, Phạm Văn Bạch được Quốc hội bầu làm Chánh án. Ông còn giữ các cương vị: Chủ tịch Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của Đế quốc Mỹ tại Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Luật học. Phạm Văn Bạch được bầu là Đại biểu Quốc hội nhiều khóa liên tiếp, ông tham gia Ban soạn thảo Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980. Và đặc biệt, nhiều lần ông đã vinh dự được gặp và làm việc bên Bác Hồ, được Bác trực tiếp chỉ giáo về công việc Tòa án, về xây dựng Hiến pháp và pháp luật.

Vị Chánh án tối cao giản dị và gần dân

Tháng 9-1954, trong đoàn 9 cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, Phạm Văn Bạch đã được đích thân gặp Bác Hồ khi Người ra đón đoàn tại Thái Nguyên. Sau đó, ông đã được nghe những lời chỉ đạo sít sao của Bác trong việc chuẩn bị xây dựng Hiến pháp năm 1960, các văn bản luật, Pháp lệnh của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội do Người công bố.

Chánh án Phạm Văn Bạch đã kể trong hồi ký của mình rằng: “Mỗi lần được làm việc với Bác là mỗi lần tôi học thêm được đường lối và quan điểm của Đảng, lề lối làm việc khoa học và khẩn trương, tinh thần phục vụ nhân dân không điều kiện, tác phong giản dị và gần gũi quần chúng, hoàn toàn chủ động trong mọi quan hệ với người trong nước hoặc nước ngoài tiếp xúc với Bác, đức tính cần kiệm liêm chính, chí công vô tư của Bác”.

21 năm trên cương vị Chánh án TANDTC (1959-1980), anh Hai Bạch (cách xưng hô thân mật của người Nam bộ) đã để lại trong lòng cán bộ, công chức ngành Tòa án cũng như những người dân những ấn tượng đẹp đẽ về phong cách người cán bộ Tòa án Cách mạng, những kỷ niệm thật sâu sắc, không thể phai mờ trong sinh hoạt và công tác về bài học gần dân.

Sinh thời, Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch luôn ưu tư, trăn trở với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chí công vô tư”! Anh Hai Bạch thường khuyên răn, chỉ bảo các cán bộ Tòa án rằng: “Tại hồ sơ tài liệu thu thập được hoặc do những bằng chứng tội phạm thì chưa đủ để xử kết tội bị cáo hoặc tuyên bố là không có tội. Người xét xử phải vô tư, khách quan, nếu thấy sai phải sửa…”. Anh Hai Bạch suy nghĩ nhiều về nhiệm vụ xét xử của Tòa án. Anh tâm sự: “Công việc Tòa án rất nhiêu khê, rối rắm, nhưng khi tháo gỡ được một cái gút nào đó để nhân dân hưởng lẽ công bằng của chân lý, thì thật không gì hạnh phúc bằng. Nhiệm vụ của một Chánh án TANDTC khiến tôi phải tìm hiểu, soi thấu cho thật công minh…”.

Chánh án Phạm Văn Bạch tiếp ông Smiarnop - Tòa án tối cao Liên Xô

Trong hồi ký của mình (đăng trên Báo Nhân dân tháng 8-1982), Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch kể lại: “Có những vụ án khi Giám đốc xét và xử cuối cùng, TANDTC phát hiện ra những tình tiết mới chứng minh không thể chối cãi rằng: người đã bị lên án là không có tội, hoặc đáng được khoan hồng, hoặc khẳng định được kẻ bị kết án đúng là đã phạm tội. Theo đó mà bản án được sửa chữa hoặc bổ sung. Còn nhớ trong một vụ án, tôi đã tìm ra kẻ nguyên cáo chính ra phải là bị cáo và như thế vì công lý, vụ án đã đảo ngược…” Sau vụ án này, một cụ già đã làm thơ ca ngợi công lý gửi tặng Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch.

Thẩm phán, nguyên Trưởng ban Thanh tra TANDTC Đỗ Văn Chỉnh, cán bộ thuộc quyền dưới thời Chánh án Phạm Văn Bạch vẫn nhớ như in kỷ niệm chuyến đi khảo sát thực tế một vụ giải quyết thi hành án cùng anh Hai Bạch. Đó là vào năm 1979 của thế kỷ trước. Một vụ kiện đòi nhà cho ở nhờ giữa hai chị em. Căn nhà 16m2 người chị cho gia đình em ở nhờ, nhưng nay cả hai gia đình đều tăng nhân khẩu nên người chị kiện ra Tòa xin lại toàn bộ diện tích. Bà em nhất định không chịu dọn đi, đưa ra vô số lý do trì hoãn. UBND quận Hai Bà Trưng đã giúp đỡ cho bà em thuê một căn nhà khác với diện tich 24m2, rộng hơn nơi ở cũ, đầy đủ điện, nước sinh hoạt nhưng bà em vẫn không chịu. Ông Chỉnh hồi đó là Chấp hành viên trưởng, theo ý kiến chỉ đạo của Chánh án Tòa án Tp. Hà Nội, vụ việc phải được báo cáo lên Chánh án TANDTC.

Sau khi nghe ông Đỗ Văn Chỉnh trình bày khó khăn của vụ việc, đề xuất phương án cưỡng chế thi hành án, Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch nói: “Chiều nay, đồng chí cùng tôi đến căn hộ chuẩn bị thi hành án để tôi cũng được biết”.

Sau giờ làm việc, anh Hai Bạch với trang phục giản dị, đầu đội mũ vải kiểu mũ công nhân cùng ông Đỗ Văn Chỉnh xuống khu lao động, tìm đến căn hộ do UBND quận tạo điều kiện giải quyết vụ việc. Anh Hai Bạch đã trực tiếp vào xem căn hộ, rồi vào thăm mấy nhà dân quanh đó, hỏi han cụ thể về tình hình an ninh trật tự, về điện nước sinh hoạt, điều kiện ăn ở của bà con khu lao động. Người dân trong khu lao động không hề biết anh Hai Bạch là Chánh án tối cao, họ chỉ đoán ông là cán bộ thành phố xuống tìm hiểu đời sống nhân dân.

Ngay sau chuyến khảo sát thực tế ấy, anh Hai Bạch cho phép bà em (người phải thi hành án) được trực tiếp gặp mình. Anh Hai Bạch đã ân cần giải thích, phân tích có lý có tình việc phải trả nhà cho bà em hiểu. Sau cuộc gặp với anh Hai Bạch, người phải thi hành án đã tự nguyện dọn đến nơi ở mới, không cần phải có sự cưỡng chế, kết thúc vụ kiện một cách êm đẹp. Là một cán bộ cấp cao của Nhà nước, đứng đầu ngành Tòa án, nhưng anh Hai Bạch không bỏ qua những vụ việc dù nhỏ ở cấp quận, huyện. Tác phong sâu sát thực tế của vị Chánh án TANDTC đã chuyển hóa ý thức của công dân, từ không chịu chấp hành pháp luật, trở thành người có ý thức tuân thủ pháp luật, tự nguyện chấp hành bản án, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của Nhà nước. Đó chỉ là một trong hàng ngàn vụ việc mà anh Hai Bạch đã xử lý, giải quyết trong thời gian “cầm cân nảy mực” tại ngành TAND.

Ông Hoàng Thanh Kính, nguyên Thư ký riêng sau cùng của Chánh án Phạm Văn Bạch, xúc động kể lại: “Tôi nhớ mãi hình ảnh anh Hai Bạch ngày nào. Hàng ngày, anh đi làm và hết giờ làm việc, từ trụ sở cơ quan TANDTC số 48 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, qua một đoạn đường Dã Tượng, quẹo trái về nơi ở tại ngôi nhà nhỏ thuộc sở hữu nhà nước trên đường Trần Hưng Đạo, tay xách chiếc cặp da đen bạc màu. Và, nhớ những chuyến đi công tác đường dài vào Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam, tôi và đồng chí lái xe thường giúp anh xách chiếc vali trong đựng mấy bộ đồ mặc và vài thứ đồ dùng sinh hoạt cá nhân, nghỉ ở nhà khách…”.

Trong Hồi ký, Chánh án Phạm Văn Bạch viết: “Tôi cũng muốn được nhắc đến với tất cả tâm tình kính thương hình ảnh giản dị và sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đời của mình. Vì Bác chính là tấm gương đẹp mà tôi noi theo để quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong con người mình và để gắng đạt được những kết quả nhất định trong mọi công tác”.

Mãi mãi làm theo lời Bác Hồ dạy

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đặc biệt là thời gian công tác trong ngành TAND, anh Hai Bạch luôn tâm niệm và làm theo những lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cách mạng, về công tác Tòa án và tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân.

Khi chuẩn bị nghỉ công tác, anh Hai Bạch trăn trở nhiều điều về công tác xét xử, về việc xây dựng ngành Tòa án. Đã có lần anh tâm sự với đồng nghiệp rằng: rất lo lắng bởi công việc Tòa án còn bộn bề, thời gian thì cứ trôi đi mà sức lực và trí tuệ thì có hạn.

Anh Hai Bạch ơi!

Xin anh cứ an tâm, thanh thản nghỉ ngơi, các thế hệ lãnh đạo TANDTC cùng toàn thể cán bộ, công chức ngành TAND hôm nay đang tiếp tục làm theo lời dạy của Bác Hồ đối với ngành Tòa án “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”; đang làm tiếp những việc bộn bề, dang dở mà anh chưa kịp làm để xây dựng ngành TAND trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là cơ quan bảo vệ công lý của nhân dân, vì nhân dân.

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2012 của ngành TAND vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã phát biểu tin tưởng rằng ngành TAND, với truyền thống vẻ vang của mình, chung sức chung lòng, vượt mọi khó khăn, nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Ngày Xuân, nhớ về anh Hai Bạch, tôi viết những dòng này xem như thắp ba nén nhang  thành kính tưởng nhớ Nhà trí thức Cách mạng, vị Chánh án TANDTC đầu tiên của đất nước. Cầu mong Anh thanh thản, vui vẻ và an lành nơi Thánh giới.

Đầu Xuân Nhâm Thìn 2012

 

(Theo congly.com.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)