Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 01/02/2012 09:00
Cựu binh Mỹ tìm kiếm sự hoà giải
“Trong 3 tuần ở đây, tôi thấy được hàn gắn nhiều hơn là những trăn trở suốt 40 năm qua. Thay vì giữ chặt nỗi đau chiến tranh, cả những nỗi đau hữu hình và vô hình, chúng tôi đến đây để kết thúc cuộc chiến tranh trong tâm tưởng đó” - bác sĩ, cựu chiến binh Mỹ Edward Bryan Tick chia sẻ.
d
Các cựu binh Mỹ thuộc SHI và thân nhân của họ tại Hà Nội.

Bác sĩ Tick dẫn đầu đoàn của Tổ chức “Sáng kiến Trái tim người lính” (SHI) xông đất Việt Nam năm mới. Từ 2004 đến nay, SHI hằng năm thường đưa các cựu chiến binh và người thân của họ thăm Việt Nam. Chuyến thăm Việt Nam lần này diễn ra đúng vào dịp Tết Nguyên đán, kéo dài từ 15.1 đến 1.2.

Với cựu chiến binh Peter Winnen và vợ ông - bà Barbara - đây là lần đầu tiên Peter trở lại Việt Nam sau chiến tranh. Ông chia sẻ, mấy chục năm qua, với ông, việc tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn tưởng chừng như không thể. “Chiến tranh và hậu quả của cuộc chiến giống như cái “nghiệp” ám ảnh tôi, và tôi đã cố tránh “nghiệp” đó suốt nhiều năm. Nhưng cuối cùng, cũng chính là “nghiệp” đã nói với tôi rằng phải nhìn thẳng vào quá khứ, phải rút ra bài học cho mình từ những điều khủng khiếp của chiến tranh và quay trở lại”.

Peter đã tham chiến ở Gio Linh, Khe Sanh hồi Tết Mậu Thân 1968, còn lần này vợ chồng Peter cùng các gia đình cựu binh Mỹ khác đã đón năm mới ở Hội An, trong sự bình yên của tâm hồn. “Mọi người nói với tôi rằng tết này mới thực sự là tết” - Peter nói.

Suốt cuộc trò chuyện, Peter luôn ôm vai vợ. Có lẽ chỉ bà mới hiểu Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt với ông thế nào. Bà kể: “Trước khi đến Việt Nam tôi rất bồn chồn. Peter đã bị ám ảnh suốt nhiều năm qua và điều đó làm tôi sợ hãi. Nhưng ở đây, tôi thấy lòng tốt, sự ấm áp thân thiện, sự yên bình. Mọi người Việt Nam tôi gặp đều làm tôi cảm động, họ thật tốt với tôi, làm tôi cảm thấy được chào đón. Chuyến đi này đã làm thay đổi cả hai chúng tôi”. Barbara cho biết, khi trở về Mỹ bà sẽ kể cho mọi người nghe câu chuyện Việt Nam của hôm nay.

Rất nhiều cựu binh Mỹ đã thoát khỏi ác mộng của chiến tranh khi họ trở lại đây. Verla Nathan Giri - một cựu binh từ bang Arkansas - kể rằng từ giữa những năm 1990, ông một mình trở lại và đi từ Bắc vào Nam, đến với vùng Đồng bằng sông Cửu Long ông chưa từng biết đến. “Chính ở đây tôi đã cảm nhận được sự gần gũi với đất nước, con người Việt Nam. Tôi cảm thấy mình chính là đất đai, cảm thấy mình chính là người Việt Nam”.

Marlene Liesa Warneke - vợ goá của một cựu chiến binh Mỹ - đã lo lắng sẽ gặp sự giận dữ dành cho người Mỹ, nhưng hoàn toàn không thấy. Bà chỉ thấy sợ giao thông ở Việt Nam, nhưng điều đó cũng qua đi: “Một lần khi tôi chưa biết làm sao để sang đường, thì có người đã nắm tay tôi và giúp tôi qua. Tôi cảm thấy được an toàn ở đây. Còn quá nhiều điều để chúng tôi học hỏi về Việt Nam”.

SHI đã thực hiện nhiều hoạt động từ thiện ở Việt Nam như xây nhà, thăm hỏi nạn nhân da cam, tặng bò cho người nghèo, làm vật lý trị liệu cho trẻ em tàn tật. Lần này, đoàn mang theo các thiết bị y tế, đồ dùng học tập, đồ chơi, quần áo tặng trẻ em mồ côi tàn tật, trẻ nhiễm chất độc da cam/dioxin.

“Chúng tôi không chỉ muốn giúp cuộc sống của người dân ở đây mà còn vì chính sự hoà giải trong tâm hồn mình. Việt Nam đem lại bài học rằng, khi chúng ta gần gũi nhau hơn, khi ôm nhau, thì tình yêu thương, tình hữu nghị sẽ nở hoa. Tôi tin rằng bài học từ Việt Nam sẽ đúng cho toàn thế giới, cho người Mỹ. Chúng tôi sẽ cùng tham gia với các bạn để đưa bài học đó ra thế giới” - bác sĩ Tick nghẹn ngào chia sẻ.


(Theo laodong.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)