 |
Việc thu phí ô tô vào nội đô giờ cao điểm có làm giảm ùn tắc? |
* Ông Thái Bá Thước (khu
tập thể Công ty Dệt Mùa Đông, phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân): Thông
thường mọi năm, Hà Nội chỉ xuất hiện tình trạng ùn tắc vào khoảng mùng
5, mùng 6 Tết, thời điểm nhiều người trở lại thành phố để chuẩn bị đi
học, đi làm. Thế nhưng năm nay, Hà Nội chỉ "yên" được từ chiều 30 và hết
ngày mùng 1 Tết. Bắt đầu từ trưa mùng 2, tình trạng ùn tắc đã xuất hiện
tại ngã tư Thái Hà, Chùa Bộc và phố Láng Hạ - những khu vực đang thi
công cầu vượt. Các khu vực khác như tuyến đường Trường Chinh, Láng,
Giảng Võ, Đê La Thành cũng đã xuất hiện tình trạng ùn ứ. Đây là thời
điểm có ít người ở lại Thủ đô ăn Tết, nhiều phương tiện vận tải bị cấm
lưu thông mà đường sá đã ùn tắc như vậy, không hiểu vào các giờ cao điểm
của ngày thường, thì tình trạng ùn tắc còn trầm trọng đến đâu. Vì vậy,
tôi rất đồng tình chủ trương thu phí ô tô lưu thông vào nội đô giờ cao
điểm. Hạn chế phương tiện cá nhân là việc làm cần thiết để giảm tải cho
các tuyến đường nội đô.
* Bà Phạm Thị Tâm
(xã Thạch Đà, huyện Mê Linh): Những
người dân ngoại thành và người có cuộc sống còn nhiều khó khăn thường sử
dụng các phương tiện giao thông công cộng để đi lại. Trong khi đó những
người có điều kiện thường sử dụng xe máy, ô tô riêng. Tôi thấy trên
đường phố có rất nhiều người chỉ đi một mình mà lái cả chiếc xe ô tô bốn
năm chỗ, bảy chỗ, vô cùng lãng phí và tốn diện tích đường sá cho việc
chạy xe, đỗ xe. Thu phí lưu hành ô tô, xe máy vào trung tâm thành phố
không chỉ là một biện pháp hiệu quả, nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao
thông, mà còn là một giải pháp bảo đảm công bằng xã hội. Với mức thu
chưa đến 50.000 đồng/tháng dành cho một xe máy, thì người dân có thu
nhập trung bình cũng không ảnh hưởng gì, người có ô tô đương nhiên chịu
mức thu lớn hơn. Ô tô lưu thông tốn diện tích đường sá, gây ùn tắc đặc
biệt trong giờ cao điểm, nhanh làm hỏng đường thì người sử dụng ô tô
phải nộp phí để cùng Nhà nước cải tạo, xây dựng hạ tầng, đó vừa là nghĩa
vụ đồng thời cũng chính là quyền lợi của họ.
* Ông Tạ Quang Sơn
(Doanh nghiệp vận tải Ngọc Minh, thị
trấn Thường Tín, huyện Thường Tín): Với các doanh nghiệp vận tải như
chúng tôi, việc thu phí ô tô lưu hành vào nội đô là một khó khăn, dù
không lớn nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động và doanh thu của
doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu đó là quy định của thành phố, chúng tôi sẽ
nghiêm chỉnh chấp hành. Để bảo đảm công việc vận tải, chúng tôi sẽ điều
chỉnh giờ giấc hoạt động sao cho hiệu quả nhất. Công bằng mà nói, việc
lưu thông vào nội đô giờ cao điểm là thách thức đối với lái xe, nhiều
người rất ngại. Đường tắc nhích từng tí, không cẩn thận còn dẫn đến va
chạm, khiến lái xe rất căng thẳng, chưa kể việc hao tổn xăng, hại xe,
không bảo đảm giờ giấc phục vụ khách hàng. Cách tốt nhất là điều chỉnh
lịch hoạt động để tránh giờ cao điểm, lợi cả đôi đằng…
* Bà Trần Thị Lan
(ngõ 84, đường Lĩnh Nam, quận Hoàng
Mai): Bắt đầu từ ngày 30-1-2012, việc cấm xe taxi lưu thông trên các
tuyến đường Láng Hạ, Huỳnh Thúc Kháng, Tây Sơn, Chùa Bộc… vào giờ cao
điểm để phục vụ việc thi công các công trình giao thông đã giúp các
tuyến phố "điểm đen" về ùn tắc này trở nên thông thoáng hơn. Tình trạng
ùn ứ vẫn xảy ra tại các điểm giao cắt, nhưng với những người hằng ngày
phải đi qua tuyến đường này như tôi, thì điều đó là hoàn toàn chấp nhận
được. Vì vậy, bên cạnh việc thu phí ô tô lưu hành vào nội đô giờ cao
điểm để hạn chế phương tiện cá nhân, tôi nghĩ các cơ quan chức năng của
thành phố cũng cần tính đến việc hạn chế xe taxi giờ cao điểm đối với
những tuyến đường thường xuyên bị ùn tắc. Hy vọng cùng với giải pháp
điều chỉnh giờ học, giờ làm được thực hiện từ ngày 1-2-2012, các biện
pháp sắp tới của thành phố sẽ giải quyết được căn bệnh ùn tắc đường kinh
niên trên địa bàn nội đô.