Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 03/02/2012 08:22
82 mùa Xuân, Đảng khẳng định vai trò lãnh đạo
Ngày nay, sự nghiệp Đổi mới do Đảng lãnh đạo đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử, đưa nước ta hội nhập vào dòng chảy văn minh của nhân loại: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, dân chủ hóa xã hội và hội nhập quốc tế... Sau 25 năm đổi mới, nước ta đã thoát khỏi tình trạng một nước nghèo, kém phát triển, có những thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực so với các nước có cùng trình độ kinh tế.


82 năm qua, Đảng đã lãnh đạo cách mạng nước ta
giành nhiều thắng lợi,
lập nên những kỳ tích vang dội
trong thế kỷ XX
và thập kỷ đầu của thế kỷ XXI

Ảnh: Hoàng Long - Thái An

Khi đến được với lý tưởng của Đảng, chàng thanh niên Tố Hữu viết:

"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim/Hồn tôi là một vườn hoa lá/Rất đậm hương và rộn tiếng chim”

Từ đó Tố Hữu và thế hệ thanh niên thời Tố Hữu thực sự dấn thân trên con đường cách mạng, đấu tranh để giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ thực dân, phong kiến. Sự khao khát dấn thân đó dù phải trả giá đắt, mà đắt nhất là sự hi sinh chính bản thân mình, không tính toán, không chần chừ: "Đời cách mạng từ lâu tôi đã hiểu/Dấn thân vô là phải chịu tù đày/Là gươm kề tận cổ súng kề tai/Là thân sống chỉ coi còn một nửa” Đi làm cách mạng, đi theo tiếng gọi của chân lý là cầm chắc bị tù đầy, tra tấn, bị bắn giết... Nhưng cả một thế hệ đã không nề chi dấn thân và xả thân. Biết bao chiến sĩ cộng sản đã bị giam cầm, tra tấn, tù đày, bắn giết không cần xét xử mà những chứng tích vẫn còn đây. Những nhà tù, xà lim, án chém khét tiếng man rợ mà cho đến muôn đời sau vẫn không thể bị xóa nhòa trong ký ức nhân dân ta và ký ức nhân loại. Đó là Hỏa Lò, Sơn La, Lao Bảo, Chí Hòa, Côn Đảo... Đó là những vụ thảm sát man rợ như Phú lợi, Vĩnh Trinh... Biết bao nhiêu chàng trai cô gái - chiến sĩ cộng sản đã ngã xuống ở tuổi thanh xuân dưới mũi súng quân thù. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, đã từng chịu tù đầy trong nhà tù đế quốc, luôn luôn bị bọn mật thám theo dõi, săn đuổi với ba án tử hình vắng mặt. Trong các Tổng Bí thư của Đảng thời kỳ trước khi giành được độc lập, không một người nào không bị tù (Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh). Trong 5 Tổng Bí thư thời kỳ đó, thì có 4 đồng chí bị địch xử tử hình khi còn rất trẻ. Nhiều nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, cũng từng bị tù đày như thế. Rồi một thời bom đạn của hai cuộc kháng chiến, biết bao nhiêu đảng viên của Đảng theo tiếng gọi núi sông, xung phong ra trận, xông pha các chiến trường, làm nên các chiến công hiển hách chấn động địa cầu. Hàng chục ngàn đảng viên đã ngã xuống cho đất nước hòa bình thống nhất. Số phận của họ gắn với vận mệnh dân tộc, hi sinh cho tương lai hòa bình, độc lập, thống nhất của đất nước, tự do của nhân dân.



Hình ảnh của Đảng lúc này là hình ảnh của những chiến sĩ cộng sản dấn thân, xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân. Vì thế, dù trong bất kỳ trường hợp nào nhân dân cũng đi theo Đảng, bảo vệ Đảng, tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng.

Sau khi giành được độc lập năm 1945, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền. Đảng viên của Đảng là những người cán bộ, lăn lộn trong các phong trào "kháng chiến, kiến quốc” lo lãnh đạo nhân dân khôi phục kinh tế, diệt giặc đói, diệt giăc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, đảng viên của Đảng là những chiến sĩ tiên phong trên khắp các mặt trận. Là đảng viên của một đảng duy nhất cầm quyền, Bác Hồ dạy, đảng viên phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Lo cái lo của dân, vui cái vui của dân. Dân còn đói, còn rét, còn khổ là Đảng vẫn chịu trách nhiệm.

Thời chống Mỹ, cuộc sống của nhân dân nói chung, của cán bộ đảng viên nói riêng cực kỳ thiếu thốn về vật chất, nhưng nhờ sự công bằng, nên lòng dân rất yên. Đảng đã phát động một cuộc chiến tranh chống xâm lược toàn dân tộc, để đánh thắng một đế quốc mạnh hơn ta hàng ngàn lần. Đảng viên của Đảng đã nêu gương trong chiến đấu, sản xuất, cổ vũ nhân dân nô nức đi đánh Mỹ như đi trẩy hội, và nhân dân không hề tiếc của cải, máu xương cho ngày toàn thắng. Nhờ đó dân tộc ta đã trở thành một dân tộc anh hùng, cao thượng, tượng trưng cho lý tưởng độc lập tự do của loài người trong thế kỷ XX. Những thế hệ đảng viên thời kỳ đó, dù ở bất kỳ nơi nào, cương vị nào đều đã sống và chết rất đẹp. Vì thế mà dân được ấm no và cảm ơn Đảng, Chính phủ. Dân làm được một việc gì dù nhỏ đến lớn, đều nhờ Đảng và Chính phủ. Đảng viên là những tấm gương sáng để dân noi theo, làm theo, phấn đấu trở thành đảng viên.



Ngày nay, sự nghiệp Đổi mới do Đảng lãnh đạo đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử, đưa nước ta hội nhập vào dòng chảy văn minh của nhân loại: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, dân chủ hóa xã hội và hội nhập quốc tế... Sau 25 năm đổi mới, nước ta đã thoát khỏi tình trạng một nước nghèo, kém phát triển, có những thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được còn khiêm tốn. Nhiều chỉ số về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục... vẫn còn ở mức dưới trung bình của thế giới. Trách nhiệm lãnh đạo và cầm quyền của Đảng ta đối với đất nước rất nặng nề bởi rất nhiều thách thức. Đó là: Phát triển kinh tế thiếu bền vững; khoảng cách giàu nghèo ngày càng doãng rộng; biến đổi khi hậu và môi trường sinh thái bị phá hoại; dân chủ bị vi phạm ở nhiều nơi; chất lượng các dịch vụ công bị xuống cấp; hệ thống an sinh chưa vững chắc; một số chuẩn mực đạo đức xã hội nền tảng bị xói mòn; giữ vững toàn vẹn chủ quyền quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp biên giới, lãnh thổ... Đảng từ dân mà ra, vì dân mà hi sinh tranh đấu, dựa vào dân mà trưởng thành, nếu mà để mất lòng tin của dân thì mất dân, mà mất dân là mất tất cả. Sự mất lòng tin này có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan. Một là, do một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chưa sát thực tế nên khó thực hiện. Đúng như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 nhận định: "Việc tổ chức thực hiện nghị quyết không đến nơi đến chốn, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm.” Hai là, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hàng ngày làm việc trực tiếp với dân đã không gương mẫu, sa sút phẩm chất đạo đức.



Trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương khóa XI họp từ 26 đến 31 tháng 12 – 2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề: "Có một câu hỏi lớn, rất day dứt, trăn trở lâu nay cần được trả lời cặn kẽ là: Vì sao công tác xây dựng Đảng được Trung ương rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu? Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng? Vướng mắc chính là ở chỗ nào?”.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI gọi là "một bộ phận không nhỏ” đảng viên, hay nói như Chủ tịch Trương Tấn Sang không phải là một "con sâu” làm rầu nồi canh mà là "nhiều sâu”, đã làm cho hình ảnh của Đảng không còn nguyên vẹn đẹp đẽ như xưa trong lòng nhân dân. Từ đó làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng.



Nhờ đường lối đổi mới , dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN
đất nước đã có nhiều thành tựu, nhiều công trình lớn


Để lấy lại lòng tin nơi dân, phải đổi mới hình ảnh của Đảng và phải chỉnh đốn Đảng. Ngày nay, đảng viên của một đảng cầm quyền như Đảng ta, tất nhiên không còn phải chịu cảnh tra tấn, tù đầy, đánh đập, bắn giết như thời mất nước nữa. Vì vậy hình ảnh hi sinh, gan dạ, kiên cường xả thân vì sự nghiệp độc lập dân tộc, phải được chuyển thành hình ảnh của những con người tiêu biểu cho lương tâm, tầm nhìn và trí tuệ của dân tộc; là những người đại diện cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc trong cuộc đua tranh phát triển với các dân tộc khác trên thế giới. Phải là một đội ngũ tiêu biểu cho "đạo đức” và văn minh”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói "Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

Chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên trong xây dựng Đảng. Đặc biệt trước những yêu cầu mới, những nhiệm vụ mới của một giai đoạn phát triển mới của đất nước, Đảng ta thường tiến hành những cuộc vận động chỉnh đốn đảng. Hiện nay, có thể nói sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đất nước bước sang một thời kỳ phát triển mới. Những vấn đề lớn đang đặt ra trước Đảng và nhân dân ta: - Từ Nghị quyết Đại hội XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đến Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020... Những quyết sách lớn của Đảng thắp lên những hi vọng về một thời kỳ phát triển mới có chất lượng, có chiều sâu. Những quyết sách đó có thực hiện được hay không, phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng và phụ thuộc vào sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân. Chính vì vậy mà Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã dành một Nghị quyết - Nghị quyết số 12-NQ/TW về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Bởi vì "Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.



Một trong những phương thức lãnh đạo là nêu gương. Đảng lãnh đạo cũng phải nêu gương. Cấp trên nêu gương cho cấp dưới, đảng viên nêu gương cho quần chúng. Một trong những biện pháp phòng chống tham nhũng nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 khóa X là phải chống từ trên xuống, từ trong ra. Ý nói phải nêu gương. Những thành công có được trong quá trình lãnh đạo của Đảng, một phần nhờ gương sáng đảng viên.

Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 khóa XI lần này rất chú ý đến biện pháp làm gương trong chỉnh đốn Đảng. Vì vậy, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại”.

Để thực hiện chỉnh đốn Đảng có hiệu quả, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 khóa XI về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay, chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách trong đó chỉnh đốn đạo đức là trọng tâm, cấp bách và xuyên suốt. Vì đạo đức là gốc của người cách mạng, không có đức là người vô dụng, không có đức thì không thể nêu gương và vì Đảng ta là đạo đức, là văn minh.



(Theo daidoanket.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)