Ùn tắc được cải thiện sau biện pháp đổi giờ?
Chiều
2/2, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có văn bản báo cáo nhanh kết quả
bước đầu việc thực hiện đổi giờ học, giờ làm lên Bộ Giao thông vận tải.
Theo đó, đơn vị đầu ngành về giao thông của Hà Nội cho biết, sau khi
thành phố tiến hành đổi giờ, tình hình giao thông đi lại trên các tuyến
đường đã được cải thiện.
Tại một số tuyến đường thường xuyên xảy
ra ùn tắc tuy lượng phương tiện vẫn đông nhưng không gây tắc nghẽn, mật
độ giao thông trong giờ cao điểm đã giảm đáng kể như một số tuyến
đường: Trường Chinh, Chùa Bộc, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch, Đại La, Trương
Định, Nguyễn Trãi, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy – Cầu Giấy...
 |
Nhiều tuyến đường của Hà Nội đã thông thoáng hơn trong giờ cao điểm sau khi đổi giờ.
Ảnh: Xuân Tùng |
Tuy
nhiên, Sở Giao thông vận tải cũng cho rằng, trên một số tuyến đường
trọng điểm, hệ thống chiếu sáng chưa điều chỉnh cho phù hợp với thời
gian sinh hoạt của một số đối tượng thuộc diện điều chỉnh như học sinh,
sinh viên cũng như điều kiện thời tiết mùa đông tại miền Bắc, dẫn đến
việc gây ảnh hưởng tới khả năng điều khiển giao thông trong khoảng thời
gian buổi sáng từ 5h đến 6h và buổi chiều từ 18h đến 19h.
Theo đơn
vị đầu ngành giao thông của Hà Nội, để khắc phục các hạn chế trên, đơn
vị này đang đề nghị Sở Xây dựng điều chỉnh giờ đóng, mở hệ thống chiếu
trên toàn bộ hệ thống tuyến đường của thành phố cho phù hợp với nội dung
quyết định của UBND thành phố về thay đổi giờ làm, giờ học trên địa bàn
thành phố.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, để phục vụ
việc đi lại của người dân khi đổi giờ, đơn vị này đã chủ động phối hợp
với Tổng công ty Vận tải Hà Nội lên phương án điều chỉnh dịch vụ vận tải
hành khách công cộng theo phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm trên
địa bàn thành phố.
 |
Tuy nhiên, ùn tắc vẫn xảy ra trên một số tuyến đường. Ảnh: Xuân Tùng |
Theo
quyết định của Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, việc điều chỉnh
giờ làm, giờ học bắt đầu áp dụng tại 10 quận nội thành và 2 huyện ngoại
thành là Từ Liêm và Thanh Trì từ 1/2/2012. Một trong những nhóm đối
tượng bị điều chỉnh là sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng,
trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các trường trung học phổ thông.
Nhóm này, sẽ bắt đầu học buổi sáng từ trước 7h hàng ngày; kết thúc giờ
học buổi chiều sau 19h hàng ngày thay cho từ 7h30 phút và 18h30 phút so
với trước kia.
Thành phố cũng điều chỉnh giờ học của nhóm đối
tượng là các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở: Thời gian bắt
đầu lớp học buổi sáng từ 8h và kết thúc giờ lớp học chiều vào 17h. Các
trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bố trí giáo viên, cán bộ, công
nhân viên để tiếp nhận học sinh từ 7h30 sáng và quản lý học sinh đến
17h30 hàng ngày...
Ghi nhận của VnMedia trong 2 ngày đầu Hà
Nội tiến hành biện pháp thay đổi giờ làm, giờ học để giảm ùn tắc giao
thông cho thấy, sau khi điều chỉnh giờ, tại nhiều tuyến đường trước đây
thường xuyên ùn tắc: Trường Chinh, Chùa Bộc, Sơn Tây, Nguyễn Lương Bằng,
Nguyễn Thái Học… mặc dù lượng phương tiện khá đông nhưng xe cộ vẫn có
thể lưu thông với tốc độ chậm. Hình ảnh này, khác hẳn những ngày trước
đó, khi thường vào các khung giờ cao điểm, cảnh ùn tắc giao
thông thường xảy ra liên miên, thậm chí kéo dài từ 15-20 phút.
Mặc
dù vậy, ùn tắc vẫn xảy ra tại một số tuyến đường có diện tích lòng
đường nhỏ và hẹp, nhất là vào thời gian cao điểm cuối buổi chiều. Nhìn
chung 2 ngày đầu Hà Nội thực hiện đổi giờ làm, giờ học của học sinh,
sinh viên, việc đi lại trên nhiều tuyến phố của Thủ đô đã thông thoáng
hơn. Tuy nhiên, đây chưa phải là kết quả chuẩn xác vì thời điểm này học
sinh, sinh viên và nhiều công nhân vẫn còn chưa trở lại Thủ đô sau kỳ
nghỉ Tết.
Trước đó, trao đổi với VnMedia về
giải pháp đổi giờ học, giờ làm của Hà Nội, một số chuyên gia đầu ngành
trong lĩnh vực giao thông cho rằng, dù được cho là giải pháp mạnh thì Hà
Nội cũng không thể giảm được quá nhiều ùn tắc từ biện pháp đổi giờ này.
TS.
Khuất Việt Hùng, Trường đại học Giao thông vận tải cho rằng, hiện nay
trong giờ cao điểm năng lực thông hành của Hà Nội thiếu khoảng 15 – 20%
nên cứ cho rằng, nếu biện pháp đổi giờ có
rơi vào kịch bản tốt nhất thì cũng chỉ giảm được 5% số chuyến đi trên
những tuyến đường ùn tắc nhất hiện nay. Vì thế, nếu chỉ giảm 5%
thì cũng không ảnh hưởng lắm cho nên tình hình ùn tắc giao thông Hà Nội
sẽ khó chuyển biến nhiều nếu chỉ thực hiện giải pháp đổi giờ.
(Theo vnmedia.vn)