Trước hết đó là loại hoa có nguồn
gốc hoặc được trồng lâu đời ở Việt Nam. Là loài hoa tiêu biểu, dễ trồng,
phát triển được ở nhiều vùng, miền đất nước.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Quốc hoa thể hiện được bản sắc văn hóa, cốt
cách và tinh thần con người Việt Nam; được sử dụng làm hình tượng trong
văn học, nghệ thuật (trong văn thơ, truyền thuyết, lễ hội, trong các
công trình điêu khắc, hội họa, kiến trúc).
Quốc hoa còn phải đẹp
về hình thức và màu sắc, có hương thơm; có giá trị sử dụng cao, mang lại
lợi ích trong đời sống, kinh tế-xã hội. Quan trọng hơn cả là loài hoa
đó được đông đảo người dân yêu thích, sử dụng và tôn vinh.
Trong năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức bình chọn trực tiếp "Quốc hoa Việt Nam" ở cả 3 miền.
Qua
kết quả nghiên cứu, bình chọn trực tiếp và qua mạng, hoa sen luôn có tỷ
lệ số phiếu được bình chọn cao nhất trong tất cả các loài hoa (đào,
mai, gạo, cây tre…). Ở Việt Nam hoa sen không chỉ là loài hoa gần gũi,
thân thiết mà còn là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp tươi sáng, cao
sang, thuần khiết.
Sen có sức sống mãnh liệt, tượng trưng cho
bản tính tự thích nghi, thân thiện, phong thái tao nhã, tinh thần vươn
dậy trong mọi hoàn cảnh của con người Việt Nam.
Từ bao đời nay
hoa sen đã trở thành một hình tượng đặc biệt trong văn hóa người Việt
Nam. Từ thời xa xưa biểu tượng hoa sen đã có trong văn học nghệ thuật,
kiến trúc, văn hóa ẩm thực, y học của người Việt Nam.
Trong các
đề cử, hoa sen với những đặc tính sinh học, nét đẹp về hình thức, màu
sắc, hương thơm, tính hữu dụng trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày, biểu
tượng cho đất nước và con người Việt Nam, từ lâu đời được đại đa số
nhân dân Việt Nam yêu thích và tôn vinh, xứng đáng được tôn vinh là Quốc
hoa Việt Nam. Cũng như Quốc ca và Quốc phục, Quốc hoa mang ý nghĩa rất
quan trọng, thể hiện sự tự hào của toàn dân tộc, khẳng định chủ quyền
quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Theo đề án, Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan tổ chức Lễ công bố Quốc hoa và Lễ hội Quốc hoa lần thứ I tại
Hà Nội sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng
thời xây dựng Quy chế sử dụng Quốc hoa Việt Nam sau khi Quốc hoa được
công bố; tổ chức thi sáng tác logo biểu tượng Quốc hoa Việt Nam; hướng
dẫn các địa phương thực hiện Quy chế sử dụng Quốc hoa Việt Nam; thường
xuyên kiểm tra, đánh giá các hoạt động tôn vinh, quảng bá, giới thiệu
Quốc hoa ở trong nước và quốc tế.
(Theo phapluatxahoi.vn)