“Rủ nhau đi khắp Long Thành - Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai...”. Hà Nội từ xưa tới nay vẫn nổi tiếng với những phố “Hàng”, chủ yếu mang các tên nghề nghiệp và đặc sản có ở mỗi phố. Tuy nhiên, ngày nay, đặc trưng này không còn nhiều. Khách thập phương và không ít người dân Hà Nội vẫn thắc mắc: Tên phố là “Hàng”, mà sản phẩm của phố đó lại không phải vậy! Cuốn sách “Phố và đường Hà Nội” dày gần 800 trang sẽ giải đáp cho các bạn những thắc mắc đó.
Được xuất bản vào năm 2003, so với “Đường phố Hà Nội” mà nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc chủ biên, in năm 1979 thì số lượng đường phố, quảng trường, công viên tăng từ 371 đơn vị lên 601. Tức là có tới 230 mục từ phải làm mới hoàn toàn, từ nghiên cứu, sàng lọc thông tin đến khảo sát thực địa... Từng mục từ cũng có chỉnh lý, bổ sung, loại bỏ những nhầm lẫn, thêm những thông tin mới và bố cục lại kết cấu từng mục từ cho hợp lý, để đúng với mục tiêu là viết lịch sử đường phố.
Cuốn sách hơn cả một cuốn từ điển về đường phố Hà Nội bởi nó được sắp xếp theo thứ tự chữ cái. Đây thực sự là một cuốn sách được biên soạn kỹ càng, khoa học và nghiêm túc. Kỹ càng vì không một phố, một ngõ lớn nhỏ nào có mặt cho đến ngày biên soạn sách, mà lại không được đề cập, giới thiệu tương đối toàn diện, khoa học và nghiêm túc vì mỗi đơn vị được sắp xếp, giới thiệu theo một trật tự nghiêm ngặt với vị trí, độ dài, gốc tích, lai lịch, di tích lịch sử, cách mạng và những công trình mới. Nội dung đó lại được thể hiện với bút pháp khảo cứu, có đối chiếu và bổ sung, uốn nắn những điểm nhầm lẫn, hoặc sai sót của những người đi trước và của chính tác giả với tinh thần kế thừa và phát triển công việc biên soạn, khảo cứu về Thăng Long - Hà Nội đã có từ trước.
Qua “Phố và đường Hà Nội”, bạn đọc có đủ những thông tin cần thiết để tham quan, du lịch bất kỳ một phố, một ngõ nào theo ý muốn, còn người nghiên cứu văn hoá, nghệ thuật có thể săn lùng dấu vết hoặc tìm hiểu về công trình văn hoá, nghệ thuật đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội, người nghiên cứu lịch sử thì có thể nhặt ra những tư liệu tin cậy về các mặt lịch sử, kinh tế, văn hoá, xã hội... của Hà Nội.
Đáng trân trọng là cuối sách có 3 bản phụ lục. Phụ lục I cho thấy ở Hà Nội, sự việc đổi tên Nôm trên 30 phường thôn ra tên Hán Việt (mà nay còn bảo lưu) là xảy ra đầu thời Minh Mạng (khoảng 1821). Phụ lục II, một thiên nghiên cứu công phu, đối chiếu các phường thôn Hà Nội trải bốn thời: thời Nguyễn Gia Long, đầu thời Minh Mạng, cuối thời Nguyễn Minh Mạng đến thời Đồng Khánh và cuối cùng là thời các phố xá hiện nay. Phụ lục III, là bảng đối chiếu tên phố Hà Nội qua bốn thời kỳ: Thời Pháp thuộc, thời sau Cách mạng tháng 8/1945, thời tạm chiếm (1947-1954) và thời hiện tại (từ 1955 đến nay).
Cuối cùng là qua các mục từ, bạn đọc có thể cảm nhận được rằng: Không phải chỉ có sự hiểu biết, mà phải có cả một tình yêu nồng nàn dành cho mảnh đất ngàn năm tuổi này thì tác giả mới có thể làm nên công trình văn hóa này.
Được hoàn thành vào năm 2003, nhưng cuốn sách lại vừa được tái bản vì từ năm 2004 cho tới năm 2009 Hà Nội thêm tới hàng trăm phố mới và những phố mới đó cũng đã kịp xuất hiện trong cuốn sách. Tuy nhiên, với việc mở rộng nhanh chóng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội thì cuốn sách hiện chưa kịp đề cập đến các đường phố ở quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây. Hy vọng, tác giả của công trình sẽ hẹn gặp độc giả ở một tập sách khác, dày dặn hơn.
(Theo vtv.vn)