Hé lộ nhiều bí mật ở Hoàng thành Thăng Long
|
Nhiều hiện vật quý được phát lộ tại Di sản Hoàng thành Thăng Long.
|
Phát hiện thêm kiến trúc ngầm quy mô lớn
TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho biết, hai hố khai quật với tổng diện tích hơn 100m² đã phát lộ nhiều lớp văn hóa xếp chồng lên nhau từ trên xuống dưới từ những lớp hiện đại, lớp văn hóa Nguyễn, Lê, Lý - Trần cho tới lớp văn hóa Đại La. Song một trong những phát hiện được đánh giá là quan trọng đó là phát hiện thêm một hệ thống đường nước mới thời Trần.
Năm ngoái việc phát hiện đường nước thời Lý được nhận định là có kiến trúc “khổng lồ” chưa từng thấy trong bất cứ di tích khảo cổ học nào ở Việt Nam, kể cả khu vực 18 Hoàng Diệu thì việc phát hiện thêm một đường nước mới thời Trần trong lần khai quật lần này là một phát hiện quan trọng, góp phần cung cấp những nhận thức về không gian của các chính điện trong Hoàng thành Thăng Long.
Cũng trong lần khai quật này, giới khảo cổ cũng tìm được nhiều di vật quan trọng như đầu phượng thời Trần với hình dáng rất giống đầu rồng đã tìm thấy ở thành nhà Hồ; đầu đao gắn nhiều lá đề đặc trưng của kiến trúc cung đình thời nhà Trần… Một đầu phượng lớn cũng được phát hiện tại đây gợi mở sự tồn tại của kiến trúc rất đồ sộ thời Lý ở khu vực này.
Trước những phát hiện này, TS Vũ Quốc Hiền cho rằng cần phải nới rộng hơn nữa khu vực khảo cổ, kết nối giữa hai hố khai quật để có được cái nhìn tổng thể, chính xác và rõ ràng hơn về hệ thống kiến trúc ngầm đẹp và lớn chưa từng có này. Đồng tình với quan điểm này, GS Phan Huy Lê cũng cho rằng cần phải khai quật một cách bài bản, với quy hoạch dài hạn thay vì tiếp tục mở các hố thám sát như trước.
Theo GS Lê, những vết tích và phát hiện có được trong công tác khảo cổ học trong năm qua đã khẳng định nơi đây còn ẩn chứa kho dữ liệu vô cùng phong phú nên việc nghiên cứu phải bài bản, tiến tới khai quật toàn bộ khu vực này nhằm khám phá những bí ẩn còn đang ẩn sâu dưới lòng đất. Ông cũng cho biết, những dấu vết kiến trúc về hành lang, cột, móng mới tìm thấy cũng hé lộ không gian rộng lớn của sân Đan Trì thời Lê và là một trong những bước quan trọng để tiến tới việc phục dựng điện Kính Thiên.
Phải công bố các cổ vật
Sau những vui mừng vì những di vật quý giá tìm được, cũng tại hội nghị này, các giáo sư đầu ngành, những người tâm huyết với di sản này đều nhất trí cho rằng cần phải gấp rút công bố các kết quả khai quật khảo cổ đã thu được trong suốt 12 năm qua. GS Mai Hùng bày tỏ thái độ vô cùng bức xúc khi việc khai quật luôn nói là thu được rất nhiều, hàng vạn di vật, hiện vật quý hiếm nhưng hơn 10 năm rồi ngoài mấy cuộc triển lãm với quy mô rất nhỏ, có mấy người đã được nhìn thấy mặt mũi cổ vật ra sao.
Đồng tình với quan điểm này, GS Lê cũng cho rằng không thể khai quật rồi đóng cửa tự nghiên cứu với nhau. Những di vật, hiện vật phát hiện được ở khu di sản này đều rất quý giá và có ý nghĩa quan trọng, vì thế không thể giữ làm “của riêng”, với đặc quyền nghiên cứu của một số nhóm mà cần rộng cửa cho toàn dân, cho các nhà khoa học, những người yêu quý và tâm huyết với Hoàng thành Thăng Long. “Đào 10 năm mà vẫn chưa đưa ra công bố được thì trách nhiệm, danh dự của nhà khoa học ở chỗ nào?” - GS Ngọc nêu nghi vấn.
Chia sẻ những bức xúc của các nhà khoa học nhưng TS Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, cũng không thể trả lời thỏa đáng những chất vấn của các nhà khoa học, bởi lẽ mặc dù trung tâm là đơn vị chịu trách nhiệm tiếp nhận và bảo quản di vật nhưng người thực hiện việc khai quật lại là đơn vị khác. Ông Sơn cho biết, cho tới thời điểm này, sau nhiều lần đề nghị được tiếp nhận bàn giao hiện vật, giờ đây bản thân trung tâm cũng chưa được nhìn thấy những hiện vật quý mà đơn vị khảo cổ đã từng công bố như đồ gốm sứ mạ vàng chẳng hạn… Ông Sơn cho biết, nếu đúng thỏa thuận việc bàn giao hiện vật sẽ hoàn thành trong năm nay thì trung tâm sẽ tổ chức trưng bày giới thiệu tới người dân trong dịp tết này.
|
|
|
|
|
Phát hiện ra chiếc ấn cổ bằng chất liệu gỗ tại Hoàng thành Thăng Long được coi là một trong những điểm nhấn trong việc thông báo kết quả khai quật khảo cổ lần này. Mặc dù chưa xác định rõ niên đại nhưng theo GS Trần Đức Cường, từ trước đến nay, ấn thường được làm bằng chất liệu đồng, vì thế việc phát hiện một chiếc ấn cổ bằng gỗ cũng đặt ra cho các nhà khoa học nhiều dấu hỏi.
|
|
|
|
|
|
(Theo sggp.org.vn)