 |
Trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước ASEAN ngày càng được tăng cường và phát triển. Ảnh: Bảo Lâm |
Điều gì đã làm nên sức mạnh của một ASEAN với 10 thành viên còn không ít
khác biệt trên một số lĩnh vực trong một thế giới phức tạp và không
ngừng biến động? Đó chính là sự đoàn kết, hợp tác để cùng phát triển dựa
trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, đồng thuận và không can thiệp.
Kinh nghiệm "đoàn kết, thống nhất trong đa dạng" như một đúc kết sâu sắc
của mỗi quốc gia thành viên ASEAN trong suốt chiều dài lịch sử của mỗi
nước đã trở thành bài học hiện đại được các nước thành viên nhìn nhận
như một điều kiện cần và đủ để ASEAN biến những cam kết thành hiện thực.
Đây cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt 45 năm hình thành và phát triển - như
một xu thế tất yếu - để ASEAN không ngừng thực hiện đầy đủ những nguyên
tắc cơ bản mà Hiến chương ASEAN năm 2008 đề ra cũng như hướng đến mục
tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Bao trùm hầu hết lãnh địa khu vực Đông Nam Á trên diện tích 4,5 triệu
kilômét vuông, sự lớn mạnh của ASEAN không chỉ dừng lại ở việc nâng con
số 5 sáng lập viên lên 10 quốc gia thành viên với gần 600 triệu dân, mà
còn là những đóng góp đáng ghi nhận của ASEAN vào sự phát triển của khu
vực cũng như toàn thế giới. Cơn bão tài chính toàn cầu vừa qua đã khiến
nhiều đầu tàu kinh tế thế giới phải chao đảo trong tình trạng tăng
trưởng âm và nợ công tăng, nhưng ASEAN vẫn trụ vững để trở thành một
trong những khu vực phát triển năng động nhất, với tăng trưởng GDP bình
quân trên 5%/năm. Dưới góc nhìn của nhiều nhà nghiên cứu chính trị -
kinh tế quốc tế, ASEAN đang và sẽ trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu
tư thế giới, với đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 3,2 nghìn tỷ
USD và dự kiến sẽ tăng lên 4,7 nghìn tỷ USD vào năm 2020.
Nếu cuộc khủng hoảng kinh tế cho thấy ASEAN đã trở thành một trụ cột
không thể thiếu trong cấu trúc toàn cầu thì trước những thách thức an
ninh và an ninh phi truyền thống hiện nay, ASEAN lại đóng một vai trò
quan trọng góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác vì
phát triển khu vực. Vai trò kết nối và hài hòa hóa các lợi ích khu vực
đan xen đã được thể hiện sinh động qua nỗ lực to lớn của ASEAN với việc
khởi xướng và giữ vai trò chủ đạo trong một số khuôn khổ hợp tác khu
vực, nhất là Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) - cơ chế khu vực duy nhất về
đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực chính trị - an ninh ở Châu Á - Thái
Bình Dương.
Trong bối cảnh hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông đang trở
thành mối quan tâm của dư luận khu vực và thế giới, Tuyên bố "Nguyên tắc
6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông'' vừa được các ngoại trưởng thông
qua đã chứng tỏ với thế giới về một ASEAN đoàn kết, đặc biệt là trong
việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và
nỗ lực tiến tới ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung
Quốc nhằm đóng góp xứng đáng vào duy trì hòa bình, ổn định trong khu
vực.
Kỷ niệm 45 năm ASEAN thành lập và phát triển cũng là dịp Việt Nam nhìn
lại chặng đường 17 năm gia nhập tổ chức đại diện cho khu vực Đông Nam Á.
Dù trở thành thành viên trong mái nhà chung ASEAN khá muộn so với các
thành viên sáng lập, nhưng đóng góp của Việt Nam vào từng chặng đường,
từng dấu mốc phát triển của ASEAN đã được ví như "hòn đá tảng" góp phần
quan trọng trong việc xây dựng ngôi nhà chung ASEAN thêm bền vững, hùng
mạnh và thịnh vượng. Sự tham gia chủ động và những đóng góp tích cực của
Việt Nam trong củng cố và phát triển nội khối cũng như hợp tác với các
nước đối thoại trong ngót hai thập kỷ qua, đặc biệt trong năm Chủ tịch
ASEAN 2010 với chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành
động" cũng như vấn đề đối thoại hòa bình về Biển Đông gần đây đã được
các nước thành viên đánh giá cao.
Dù còn những khoảng cách trên một số lĩnh vực cần thu hẹp, nhưng thành
tựu mà ASEAN đạt được trong chặng đường 45 năm qua đã và đang trở thành
động lực mạnh mẽ để Hiệp hội vươn tới những tầm mốc cao hơn, trước mắt
là mục tiêu hình thành một cộng đồng vào năm 2015. Với sự đồng tâm, hợp
lực từ các quốc gia thành viên, ASEAN đang khẳng định là một trụ cột
không thể thiếu trong cấu trúc địa - chính trị, kinh tế và an ninh không
chỉ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn cầu.