Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 09/08/2012 03:25
Tác quyền sách: cái khó ló cái… tố!
Hai năm trở lại đây, thị trường sách rơi vào khó khăn do bị ảnh hưởng từ tình hình kinh tế chung. Có thể đo lường điều này qua việc điều tiết lại kế hoạch sản xuất của các công ty sách tư nhân. Nhưng trong khi nguồn sách được xuất bản trở nên dè dặt, thận trọng thì những vụ kiện tụng tác quyền giữa những đơn vị tư nhân lại diễn ra nhiều và có phần “đình đám” hơn.

Đèn không hắt bóng bên… nhà hàng xóm

 

 
Nền kinh tế khó khăn, người đọc cắt giảm chi tiêu vào sách chỉ là khó khăn trước mắt. Khó khăn lâu dài hơn là tình trạng nhá nhem về tác quyền trong đời sống xuất bản. Trong ảnh: một bạn đọc thiếu nhi theo đọc sách tại thư viện Tổng hợp TP.HCM trong ngày Sách và tác quyền thế giới 23.4.2011).

 

Nhà sách thuộc công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn (trước đây là Quỳnh Mai) chỉ cách Book Outlet của công ty Phương Nam Book vài căn, trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Nhân viên của hai “nhà” này cũng thường chạy qua chạy về trao đổi nguồn sách với nhau. Thế rồi một hôm đẹp trời, người của “nhà” Phương Nam Book đột nhiên phát hiện ông “đối tác kiêm láng giềng” thân mến đã in lậu và ngang nhiên bán sách độc quyền của công ty mình từ lâu.

Cuốn sách trong câu chuyện trên là Đèn không hắt bóng (tác giả Wantanabe Dzunichi) do cố giáo sư Cao Xuân Hạo dịch. Đây là một dịch phẩm nằm trong toàn bộ các sách nghiên cứu, dịch thuật mà vào năm 2003, giáo sư Cao Xuân Hạo đã ký trao quyền sử dụng tác phẩm cho Phương Nam trong vòng 30 năm.

Điều đáng nói là nằm ở bên cạnh, mở cửa sổ ra thấy mặt nhau, vậy mà cuốn Đèn không hắt bóng do công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn bấm máy in đã bán cả năm trời, thậm chí, cuốn sách đã được qua một lần tái bản. Công ty Phương Nam Book có công văn gửi đến các cơ quan chức năng trình bày vụ việc và đề nghị cục Xuất bản, NXB Văn Học (nơi cấp phép cho công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn in Đèn không hắt bóng) và cục An ninh thông tin truyền thông đưa ra phương án xử phạt, thu hồi và đền bù thoả đáng đối với việc vi phạm tác quyền của công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn. Ngay sau đó, Phương Nam nhận được phản hồi từ “láng giềng”. Trong văn bản từ công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn có lập luận “chày cối”, đại ý rằng, một số dịch giả trong thời bao cấp thường ăn lương, thù lao dịch thuật ở viện Văn học và NXB Văn Học nên đã lãnh thù lao trọn gói đối với bản dịch. Quả bóng được đá về phía dịch giả đáng kính đã khuất.

Vụ tranh cãi về tác quyền chưa ngã ngũ này ít nhiều đã gây ra cảnh xóm giềng khó nhìn mặt nhau. Nhưng nếu người bị hại thiếu bản lĩnh, đánh trống bỏ dùi, không đứng trên tinh thần duy lý đến cùng, thì sẽ tạo tiền lệ rất xấu cho tình trạng “chày cối” tiếp tục gia tăng trong đời sống xuất bản.

Kẻ bị tố tố kẻ tố

Ngày 2.8 vừa qua, công ty Đông A Books gửi đến các cơ quan chức năng, truyền thông một đơn tố cáo nhằm vào công ty Đinh Tị Books về việc bộ sách thiếu nhi 1.000 trò chơi tư duy phát triển trí tuệ do Đinh Tị & NXB Văn Hoá Thông Tin in đã vi phạm tác quyền đã ký giữa Đông A Books & NXB Workman. Ngay sau đó, Đinh Tị Books đứng ra xin lỗi và trình bày lý do rằng, họ đã tin tưởng, mua bản thảo tiếng Việt của cuốn sách này từ một cựu biên tập viên NXB Văn Hoá Thông Tin mà không qua quá trình rà soát kiểm tra nguồn gốc. “Với sự việc đáng tiếc liên quan đến việc vi phạm bản quyền, Đinh Tị xin nhận sai sót về mình và xin chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng” – trong thư phản hồi gửi cho các cơ quan chức năng, phía Đinh Tị viết.

Nhưng vụ việc chưa dừng lại ở đó, khi cũng trong đơn phản hồi, Đinh Tị Books tố ngược Đông A Books vi phạm tác quyền với hai đầu sách thiếu nhi: Thảo nguyên diệu kỳ và Sức sống của rừng xanh (tác giả: Pascale Védère d’Auria, do Philippe Salembier minh hoạ). Theo đại diện phía Đinh Tị Books thì đây là bộ sách do Đinh Tị ký tác quyền với NXB Hemma Édition xuất bản tại Việt Nam trước khi Đông A Books tung ra thị trường (2007).

Điều đáng nói là, căn cứ vào lá đơn tố ngược này, khó hiểu vì sao hai đầu sách trên bị Đông A Books vi phạm tác quyền trắng trợn như vậy từ 2007, đến nay Đinh Tị Books mới lên tiếng? Hình như chỉ có những ai nắm bắt được những “luật im lặng” trong thế giới kinh doanh xuất bản nhá nhem may ra mới hiểu được phần nào?

Kinh nghiệm đáo tụng đình

Tháng 3.2012, ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc công ty sách First News Trí Việt mời văn phòng luật sư Người nghèo TP.HCM làm cố vấn, gửi đơn lên toà án nhân dân TP.HCM khởi kiện hai trường Anh ngữ quốc tế Úc Châu và Anh văn hội Việt Úc về việc đơn vị này đã tự ý sao chép các giáo trình TOEFL, TOEIC do First News đầu tư xuất bản để bán cho học viên.

Kiên trì theo đuổi sự việc trong ba tháng, sau nhiều lần hoà giải, trường quốc tế Úc Châu đã thừa nhận có vi phạm tác quyền và chấp nhận bồi thường cho First News 380 triệu đồng. Trong khi đó, trường Anh văn hội Việt Úc thì thừa nhận sai trái song không chấp nhận bồi thường. Trong cuộc họp báo về sự kiện này vào hồi giữa tháng 6.2012, giám đốc sách First News cho rằng, công ty ông sẽ theo đuổi vụ việc đến cùng.

Do đầu tư khá đậm mảng sách giáo trình dạy ngoại ngữ, nhân vật và best seller nghệ thuật sống, nên vài năm trở lại đây, First News là nơi “thấm đòn” nạn in lậu. Ba năm trước khi xảy ra những vụ việc trên, First News từng tố cáo hai trường ngoại ngữ Đông Âu, Âu Mỹ – Iwep, vụ việc “lình xình” kéo dài và chung cuộc, First News chỉ nhận được những lời xin lỗi cho qua chuyện. “Thành công” trong việc đáo tụng đình lần này trước trường Anh ngữ quốc tế Úc Châu đã cho thấy, nếu người bị hại chịu khó mất sức đeo đuổi tới cùng, thì rốt cuộc pháp luật cũng có chút đỉnh hiệu nghiệm.

Những vụ “lùm xùm” về tác quyền xảy ra gần đây chưa phát đi tín hiệu lạc quan về đời sống dân sự trong xuất bản, mà ngày càng làm rõ nét hơn những chuyển hoá nặng nề từ một thị trường đầy lúng túng giữa thời khó khăn trong một bối cảnh thực thi luật pháp xuất bản còn quá nhiều bất cập.


(Theo sgtt.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)