Đê liên tục “vặn mình”
Theo ghi nhận của phóng viên báo SK&ĐS, một trong những điểm nóng
về sạt lở đê trong thời gian qua là xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa với hai
điểm sạt lở đê tả Đáy dài 63m. Hai vị trí nói trên đều nằm sát ao hồ,
từng mảng đất lở xuống, tách dần mái đê, tạo thành các rãnh nứt trên
thân đê. Xã Đồng Tiến có khoảng 3km đê tả Đáy chạy qua, đây cũng là
đường dân sinh. Được biết, tháng 9/2011 trên địa bàn xã Đồng Tiến cũng
đã xảy ra một vụ sạt lở đê với cung sạt trượt dài khoảng 300m. Ông Quản
Ngọc Biết, Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến cho biết, hiện vị trí tiếp giáp
với đoạn sạt trượt năm ngoái đang có hiện tượng sạt tiếp. Nếu các đoạn
đê này không sớm được gia cố thì vết sạt sẽ phát triển ngày càng nghiêm
trọng.
Cũng theo khảo sát của phóng viên, ngoài xã Đồng Tiến, thời gian qua
trên địa bàn thành phố còn xảy ra một số vụ sạt lở đê tả Đuống, đê hữu
Hồng trên địa bàn các quận Long Biên, huyện Gia Lâm, huyện Ba Vì. Cụm
công trình cống qua đê Yên Sở thuộc quận Hoàng Mai chưa được thử thách
chống lũ. Kè Thanh Am - Tình Quang, đê hữu Đuống quận Long Biên do đê
sát sông, dòng chảy áp sát bờ, xuất hiện cung nứt trượt dài 57m đã xử lý
khẩn cấp nhưng vẫn xảy ra vết nứt sau xử lý. Khu vực đê, cầu cống Xuân
Canh - Long Tửu đê tả Đuống, huyện Đông Anh là khu vực đê sát sông, mái
kè cũng là mái đê nên thường xuyên xảy ra sự cố phức tạp, năm 2011 xuất
hiện sự cố lún sụt mái kè tại K1 + 250 chưa được xử lý...
Sạt lở đê Mỹ Hà, xã An Tiến, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Văn Thắng |
Tăng cường kiểm tra
Để đảm bảo an toàn cho các tuyến đê trong
mùa mưa bão, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương trực 24/24 giờ,
tăng cường kiểm tra đê kè, nhất là các vị trí xung yếu để phát hiện và
xử lý kịp thời các sự cố; xử lý triệt để các vi phạm ảnh hưởng đến an
toàn hành lang đê điều... |
Chi cục
trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống bão lụt Hà Nội, ông Đỗ Đức Thịnh
cho rằng, hệ thống đê điều Hà Nội lớn, nhiều tuyến đê khô những năm chưa
qua thử thách với lũ nên chứa đựng nhiều ẩn họa khó lường. Với 5 tuyến
đê phân lũ, là tả, hữu, Đáy, Ngọc Tảo, La Thạch, Tiên Tân tổng chiều dài
trên 126km là các tuyến đê khô, thân đê có nhiều ẩn họa như hang cày,
tổ mối, tổ chuột có hiện tượng thẩm lậu, thấm mái đê làm cho đê yếu khi
nước to trên báo động 3. Ngoài ra, mặc dù các tuyến đê cấp 3 đến cấp đặc
biệt đã cơ bản được cứng hóa nhưng do tốc độ đô thị hóa ngày càng
nhanh, vùng mặt đê trở thành huyết mạch giao thông, số lượng xe vận tải
lớn gây nứt thân đê rất dễ xảy ra sự cố nguy hiểm.
Ngoài ra, còn phải cảnh báo tình trạng vi phạm Luật Đê
điều và Pháp lệnh Phòng chống bão lụt ngày càng gia tăng với mức độ
nghiêm trọng. Mới đây, đoàn kiểm tra Bộ NN&PTNT đã yêu cầu phải xử
lý ngay 7 vụ vi phạm nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến đê điều là: vi phạm
đổ phế thải ngoài bãi sông hạ lưu cầu Nhật Tân, quận Tây Hồ; đổ phế thải
san lấp mặt bằng gầm cầu Thanh Trì, quận Hoàng Mai; tập kết vật liệu
xây dựng trên bãi sông Hồng tại huyện Thường Tín; hoạt động lò gạch tại
bãi sông của huyện Phú Xuyên và nhiều vi phạm tập kết vật liệu xây dựng
tại bãi sông khu vực thượng, hạ lưu cầu Thăng Long...
(Theo suckhoedoisong.vn)