Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Chủ nhật, 19/08/2012 08:40
Tân Trào, mùa thu mới lại về
Nắng thu vàng dìu dịu, mầu xanh mướt của những ruộng lúa thì con gái xen lẫn cánh rừng mới trồng làm sâu lắng thêm hơi thở của cuộc sống nơi Khu di tích lịch sử Tân Trào. Tháng Tám mùa thu năm 1945, tại nơi đây đã diễn ra Quốc dân Ðại hội, biểu thị quyết tâm Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Tròn 67 năm trôi qua, giờ đây mùa thu mới lại về, trong niềm vui đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, Tân Trào như rạo rực hơn.
Hướng về cội nguồn cách mạng

Thật may mắn, chúng tôi có mặt ở Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đúng ngày 16-8, ngày mà cách đây tròn 67 năm đã diễn ra Quốc dân Ðại hội tại đình Tân Trào. Từ Ban quản lý Khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào đến các di tích đình Tân Trào, đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, lán Nà Lừa,... đâu cũng tràn ngập không khí ngày hội. Cây đa Tân Trào tưởng đã suy thoái đang dần hồi sinh. Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Tân Trào là Di tích quốc gia đặc biệt được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Tân Trào. Tham dự một số hoạt động kỷ niệm, đến thăm các di tích chiến khu xưa, chúng tôi như được chứng kiến giờ phút lịch sử của dân tộc cách đây 67 năm về trước.

Mang dáng vóc kiểu nhà sàn, mái lợp lá cọ, sàn gỗ, đình Tân Trào đã trở thành minh chứng lịch sử giá trị của dân tộc. Vẫn thế, ngôi đình được chở che bởi ngọn núi Au Rừm và Khâu Tâm xanh biếc bao bọc; lại có dòng suối mát Khuôn Pén mềm mại dưới chân núi uốn lượn hình cánh cung. Ngày 16 và 17-8-1945, tại ngôi đình này, hơn 60 đại biểu đại diện các đảng phái chính trị, đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo cả ba miền bắc, trung, nam và một số kiều bào ta ở nước ngoài tham dự Quốc dân Ðại hội và biểu thị quyết tâm Tổng khởi nghĩa trong cả nước; thông qua mười chính sách lớn của Việt Minh và lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng do Bác Hồ làm Chủ tịch.

Là thủ đô khu giải phóng, thủ đô kháng chiến, nơi đặt trụ sở làm việc của Trung ương, nhiều bộ, ngành trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giờ đây Tân Trào trở thành điểm nhấn trong hệ thống di tích, cụm di tích lịch sử, văn hóa của Tuyên Quang. Mỗi năm có từ 450 nghìn đến 500 nghìn lượt khách về đây tham quan. Ðã 15 năm là hướng dẫn viên, Trưởng phòng Hướng dẫn thuộc Ban quản lý Khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào Nguyễn Thị Hải cảm động kể lại: Không ít khách tham quan, nhất là các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, già làng, trưởng bản từ miền nam đến lán Nà Lừa, khi biết Bác Hồ làm việc tại đây, biết Bác ốm nặng trước khi diễn ra Quốc dân đại hội, đã không cầm được nước mắt. Ai cũng nói thương nhớ Bác vì chưa một lần Bác được vào thăm đồng bào miền nam ruột thịt.

Những ngày này, ở Tân Trào hay huyện Sơn Dương cũng như bất kỳ cơ quan, ban, ngành nào trong tỉnh Tuyên Quang đều tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và chào mừng sự kiện Tân Trào được đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Từ ngày 16 đến 19-8, các huyện, cụm xã đều tổ chức liên hoan văn hóa; từ ngày 10-8, Ðội tuyên truyền lưu động của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đến các khu di tích của các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa cùng đội văn nghệ địa phương tổ chức các đêm ca, múa nhạc ca ngợi Ðảng, Bác Hồ và quê hương đổi mới. Ðến Tỉnh đoàn Tuyên Quang, chúng tôi thấy phần lớn cán bộ ở đây đang tất bật với việc chấm 108 nghìn bài dự thi tìm hiểu "Bác Hồ với Tuyên Quang - Tuyên Quang với Bác Hồ" để kịp tổng kết và trao giải vào ngày 2-9 tới. Gặp chúng tôi, Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Hồng Vượng tâm sự: Chưa bao giờ Tuyên Quang có cuộc thi thu hút đông đảo người tham gia đến thế, từ các em học sinh đến cán bộ, đảng viên cao tuổi. Nhiều bài dự thi viết hàng trăm trang, với nội dung, tư liệu tìm tòi công phu. Lớp phó phụ trách học tập Phạm Thị Lan, lớp 11B1 Trường THPT Sơn Dương có bài dự thi viết tay 440 trang với nhiều tư liệu sinh động, phần phụ lục còn giới thiệu nhiều gương đoàn viên trẻ sản xuất giỏi, như Lương Văn Toàn, Bí thư Chi đoàn thôn Nga Phụ, xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương. Toàn là một trong số 100 nông dân trẻ phía Bắc được Trung ương Ðoàn vinh danh tặng giải thưởng Lương Ðình Của lần thứ VI năm 2011. Từng đoạt giải nhì cuộc thi tìm hiểu huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, Dương Thị Bích Thuận, Chi đoàn Cơ quan Ðảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tham dự bài thi hơn 100 trang đánh máy, đóng thành sổ rất đẹp.

Với tháng thanh niên và chiến dịch thanh niên tình nguyện hè phục vụ hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2012, các cấp bộ đoàn trong huyện làm 67 công trình, phần việc thanh niên, vệ sinh 23 km đường liên thôn, liên bản, đổ 12 km đường bê-tông nông thôn, tặng 85 suất quà, 240 bộ quần áo giúp các hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Các hoạt động hướng về nguồn không chỉ giúp lớp trẻ hiểu sâu sắc thêm giá trị truyền thống của đất nước, quê hương mà còn gắn liền với nhiều việc làm cụ thể trong các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới nơi vùng quê cách mạng này.

Tiếp nối truyền thống, nêu cao trách nhiệm trước công việc

Vẫn cái mạch suy nghĩ hướng về cội nguồn, với lớp trẻ là bồi đắp lòng tự hào về truyền thống cách mạng mà bao thế hệ cha ông đã dày công xây dựng. Còn với cán bộ, đảng viên là nêu cao tinh thần, trách nhiệm trước công việc, xứng danh là những người con của quê hương cách mạng. Ôn lại lịch sử là để ý thức rõ hơn trách nhiệm với lịch sử, cũng là trách nhiệm trước Ðảng, trước dân. Có lẽ vì thế, trong nhiều hoạt động kỷ niệm, các tổ chức đảng thuộc Huyện ủy Sơn Dương gắn liền với triển khai thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Ðảng, nhất là việc chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Vinh dự là quê hương của cái nôi cách mạng, Sơn Dương không thể để cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, không thể dao động trước khó khăn, hay nhận thức lệch lạc về chủ trương, đường lối của Ðảng. Chúng tôi cảm nhận rõ điều ấy qua trò chuyện với Bí thư Huyện ủy Sơn Dương Nguyễn Thị Huề. Trong bảy văn bản của Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, có nhiều nội dung khá cụ thể: Kế hoạch giáo dục - đạo đức lối sống theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ đối với thế hệ trẻ giao cho Huyện đoàn theo dõi và đôn đốc thực hiện; Chỉ đạo điểm về nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao,... Trên cơ sở đó, các chi bộ rà soát, hoàn chỉnh tiêu chí chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ và lấy đó làm nội dung kiểm điểm trong sinh hoạt định kỳ hằng tháng.

Bận rộn với việc chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Tân Trào Trương Văn Vần vẫn mang ra cả tập tài liệu dày cộp về nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để chúng tôi xem. Trong tám chuẩn mực đạo đức mà Ðảng ủy đã hoàn chỉnh thì chuẩn mực đầu tiên là sống có lý tưởng, phấn đấu xây dựng quê hương cách mạng - Thủ đô khu giải phóng, thủ đô kháng chiến giàu đẹp, văn minh. Tiếp đó là tận tụy trách nhiệm trong công tác; là cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư,v.v. Các chi bộ, đảng viên đều có bản đăng ký việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Với Chi bộ thôn Tân Lập là nâng cao chất lượng sinh hoạt, tự phê bình và phê bình; lãnh đạo hoàn thành một số công việc xây dựng nông thôn mới. Nội dung đăng ký của Chi bộ thôn Cả là không để đảng viên nào vi phạm 19 điều đảng viên không được làm. Chi bộ Trường Mầm non phấn đấu mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo. Chi ủy viên Chi bộ thôn Thia Hoàng Văn Bền cho biết, tháng nào chi bộ cũng đưa các nội dung đăng ký ra kiểm điểm, xem đảng viên thực hiện tốt không. Việc sinh hoạt chi bộ có chất lượng, hiệu quả hơn trước.

Rời Tân Trào, khi thấy một ngôi trường tiểu học mới xây khá khang trang, một đồng nghiệp của chúng tôi bảo: Trường học cho các em thì đàng hoàng rồi, nhưng trụ sở làm việc của xã còn chật chội quá. Tôi nhớ lại bộc bạch của một cán bộ xã, khi có khách vào mà không đủ chỗ ngồi: Vì kinh phí chưa đủ, vừa qua mới xây được trường học cho các cháu, còn nơi làm việc của cán bộ xã sẽ làm sau, địa phương cũng có dự án rồi. Thầm nghĩ, đó cũng là biểu hiện sinh động của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, lo cho dân, cho con em mình trước đã.

 (Theo Nhandan.com.vn)

 


Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)