Nhà văn nhí ra thêm 2 tập sách viễn tưởng
Như vậy, ba tập sách với tổng độ dày gần 700 trang của Nguyễn Bình đã được in ấn và ra mắt đầy đủ. Tại buổi giới thiệu sách do Ban chuyên đề - Hội Nhà văn Việt Nam, tổ chức sáng 15/8, Nguyễn Bình còn công bố, cậu đã viết xong tập 4, 5 và đang viết tập 6, 7. “Còn tập 8 có viết hay không và bao giờ viết thì cháu cũng chưa biết”, tác giả 11 tuổi hồn nhiên chia sẻ.
Lý do để tổ chức buổi giới thiệu sách, theo nhà văn Lê Phương Liên, cán bộ Ban Văn học đề tài, là vì Cuộc chiến với hành tinh Fantom ra đời khi tác giả Nguyễn Bình còn ở tuổi học sinh tiểu học, một hiện tượng được sự quan tâm của các nhà văn và công chúng.
 |
3 tập sách của tác giả Nguyễn Bình. |
Đại diện lãnh đạo Hội Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội nói rằng, lâu lắm rồi chúng ta mới có một buổi giới thiệu sách của một tác giả trẻ tuổi như thế này. “Qua hiện tượng Nguyễn Bình, không chỉ chúng ta nhìn nhận vấn đề văn chương mà còn nhìn nhận về vấn đề giáo dục, xã hội, để biết lứa tuổi ấy đang sống trong hiện thực nào, đang quan tâm đến cái gì...", ông Thiều nói.
Danh xưng nhà văn đã được không chỉ một tên tuổi lớn trong làng văn dành cho tác giả nhí một cách trân trọng. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, một người bạn của nhà phê bình Nguyễn Hòa, bố của Nguyễn Bình, cũng là người theo dõi quá trình bộc lộ những khả năng đặc biệt của cậu bé được mệnh danh “thần đồng” văn học. “Tôi gọi là nhà văn Nguyễn Bình chứ không gọi là nhà văn nhí Nguyễn Bình, bởi trong sách của Nguyễn Bình tôi chẳng thấy có gì là nhí cả”, Trần Đăng Khoa dí dỏm.
Anh cho biết, từ trước đến nay tại Việt Nam mới xuất hiện nhiều “thần đồng” thơ, đến Nguyễn Bình đã xuất hiện “thần đồng” văn xuôi. Anh đánh giá cao những tác phẩm của Nguyễn Bình và cho rằng, chúng ta tổ chức giới thiệu cậu bé khi đã ra tới 3 đầu sách là một sự bảo đảm và tương đối thận trọng. Giống như quan điểm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng cho rằng, không nên ngần ngại nếu nghĩ rằng tổ chức giới thiệu, tọa đàm thế này sẽ làm… hư cậu bé. Còn việc sau này Nguyễn Bình có theo nghiệp văn chương hay không, có quyết định làm nhà văn hay không lại là chuyện khác.
 |
Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ suy nghĩ về tác giả nhỏ tuổi. |
Ông Phạm Sỹ Sáu, đại diện lãnh đạo NXB Trẻ, cho biết trong vòng 8 tháng, NXB Trẻ đã phát hành 3 tập trong bộ sách của Nguyễn Bình. “Nguyên về cường độ lao động của Nguyễn Bình cũng rất cao”, ông Sáu bình luận. Ông Phạm Sỹ Sáu nói về cơ duyên để NXB Trẻ in bộ sách của Nguyễn Bình như sau: Khi có bài phỏng vấn nhà thơ Trần Đăng Khoa trên báo Thể thao & Văn hóa về hiện tượng Nguyễn Bình, ông Sáu đã bay từ Sài Gòn ra Hà Nội với mục đích gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa để tìm hiểu về bản thảo nhưng không gặp được do anh Khoa đi vắng. Khi ông trở về Sài Gòn thì nhà phê bình Nguyễn Hòa có liên lạc nói "mình đang giữ bản thảo của cậu bé do gia đình nhờ quản lý hộ". Khi nhận được bản thảo, Phạm Sỹ Sáu hẹn 3 ngày sau sẽ trả lời nhưng chỉ 30 phút, sau khi đọc vài chục trang của tác phẩm, ông đã gọi điện hỏi Nguyễn Hòa về người đại diện tác quyền để ký hợp đồng xuất bản, lúc đó Nguyễn Hòa mới "khai" thật rằng đó chính là cậu con trai mình. Là người biên tập cuốn sách, ông Phạm Sỹ Sáu đánh giá cao tác giả Cuộc chiến với hành tinh Fantom ở cách xây dựng nhân vật đều có màu sắc, cá tính và có sự chuẩn bị rất kỹ.
Cuộc chiến với hành tin Fantom là bộ tiểu thuyết giả tưởng về thế giới sẽ diễn ra vào năm 2015. Các nhân vật của Nguyễn Bình đều sinh năm 2005, nghĩa là đến năm 2015 những nhân vật này sẽ 10 tuổi như cậu hiện nay. “Tức là hết năm 2014 Nguyễn Bình phải hoàn thành bộ tiểu thuyết”, ông Phạm Sỹ Sáu tính toán.
Khi được mời phát biểu, điều đầu tiên tác giả nhí Nguyễn Bình đề nghị các nhà báo chụp ảnh cậu và những người khác hãy tắt đèn flash “để buổi họp báo diễn ra được tốt đẹp”. Cậu không nói nhiều, thi thoảng lại ngừng khá lâu khiến ông bố ngồi bên cạnh phải nhắc nhở. “Nếu nói về việc tại sao cháu viết truyện thì cũng chẳng có gì đặc biệt, đó chỉ là một sở thích thông thường”, Nguyễn Bình chia sẻ. Ở phần giao lưu sau đó, được hỏi có thừa hưởng gì ở bố, tác giả Cuộc chiến với hành tinh Fantom nói, “em chỉ thừa hưởng ở bố sở thích ham đọc sách và giữ gìn sách cẩn thận thôi ạ”.
 |
Nguyễn Bình tâm sự về sở thích viết sách. |
Tại buổi giới thiệu sách, được mời phát biểu, nhà phê bình Nguyễn Hòa - bố của Nguyễn Bình, phân bua: “Tôi không có ý định nói thay con, nhưng có lẽ tôi cũng phải nói thêm vài điều về cháu vì cháu còn bé, chưa có khả năng giao tiếp cũng như giới thiệu về mình…”. Nhà phê bình Nguyễn Hòa cho biết, gia đình anh thường tạo cho các con thói quen tự tiếp cận tri thức, tự tìm hiểu và giải quyết, không bao giờ làm thay và đối với Nguyễn Bình cũng vậy. Năm 3 tuổi cậu bé đã lướt web thành thạo, việc học và tìm hiểu tri thức của Bình chủ yếu nhờ đọc sách và Internet. Về khả năng viết văn của Nguyễn Bình, anh Nguyễn Hòa cho biết, ban đầu cậu bé viết văn và giấu trong một chiếc USB. “Đầu tiên tôi nghĩ cháu chỉ viết chơi chơi. Sau khi cháu viết được mấy chương đầu, tôi tìm cách “lấy trộm” và đưa cho một số bạn nghề nhờ xem hộ, nhưng hết tập 1 thì quả thực câu chuyện không còn đơn giản nữa, tôi nhìn thấy một sự lao động nghiêm túc của cháu…”, Nguyễn Hòa tâm sự.
Nhà văn Phạm Đức, người phụ trách chuyên mục “Những trang viết đầu tay” của Đài Tiếng nói Việt Nam, bày tỏ sự ngợi khen dành cho một cậu bé có tài xuất chúng. Ông nói: “Ngẫm đi, nghĩ lại tôi vẫn đành dùng một từ đã cũ, nó đôi khi đã bị dùng thiếu cẩn trọng, và tác giả Nguyễn Bình không thích thú gì, nhưng vẫn rất đỗi chính xác để chỉ đứa trẻ thông minh khác thường, có năng khiếu hết sức đặc biệt. Đó là thần đồng”. Phạm Đức gọi tác giả nhí là một “đồng nghiệp đáng nể trọng”, ông cũng cho rằng, Nguyễn Bình là thần đồng có ý chí cao và trí tưởng tượng vô bờ bến, bởi cậu không chỉ có ý tưởng cho vài trang viết mà là cả kế hoạch cho bộ sách đầu tiên gồm 8 tập. “Nguyễn Bình chính là một thí dụ để gợi ý sâu sắc về khả năng kỳ diệu của con người”, nhà văn lớn tuổi viết cho thiếu nhi nói. Băn khoăn về những tập sách đã xuất bản của Nguyễn Bình, Phạm Đức bày tỏ ông đã “test” thử thông qua việc gửi tác phẩm cho một vài em học sinh đọc, các em có nêu một số ý kiến như các nhân vật quá giỏi, đánh nhau chẳng bao giờ bị thương, hoặc bày tỏ tiếc nuối nếu sách viết về bối cảnh Việt Nam và các nhân vật “nội địa” thì sẽ gần gũi hơn. Tuy nhiên, ông Phạm Đức cũng nói, “đó là vấn đề đối tượng của một tác phẩm, một vấn đề không mới nhưng cũng chẳng cũ, và cũng không chỉ dành riêng cho Cuộc chiến với hành tinh Fantom”.
 |
Cậu bé được báo chí vây quanh phỏng vấn. |
Nhà thơ Hữu Thỉnh đến dự và gửi tới tác giả nhỏ tuổi lẵng hoa chúc mừng. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ ngắn gọn, ông đánh giá cao Nguyễn Bình ở kiến thức và sự biểu đạt, đấy là những yếu tố quan trọng của nhà văn. Nhưng ông cho rằng “những kiến thức của Nguyễn Bình đang là những kiến thức gián tiếp tiếp thu được do cháu rất thông minh, nhà văn cần phải có kiến thức trực tiếp từ sự trải đời, đó mới là sự quyết định”. Ông Hữu Thỉnh nói vui, “tác phẩm quan trọng nhất của ông Nguyễn Hòa chính là Nguyễn Bình”.
Bên lề buổi giới thiệu sách, một số câu chuyện về khả năng đặc biệt và sự thông minh ngộ nghĩnh trong đời thường của Nguyễn Bình cũng được chia sẻ. Chẳng hạn như câu chuyện về việc Bình khi đó mới 3 tuổi nhắn tin cho bố nhờ mua sách: “Ông Hòa ơi, chiều về mua cho tôi cuốn từ điển Hán - Việt”. Khi đó nhà phê bình đang ngồi với nhà thơ Trần Đăng Khoa và đưa điện thoại cho “cựu thần đồng thơ” xem tin nhắn. Buổi chiều hôm đó, Nguyễn Hòa mua cho con cuốn sách như yêu cầu. Từ đó căn nhà của gia đình từ cổng trở vào đầy chữ Hán do Bình viết. Nhà thơ Trần Đăng Khoa góp ý với Nguyễn Hòa rằng, “con ông có khả năng đặc biệt, ông phải có cách nuôi dạy đặc biệt”. Khi học hết tiếng Hán, cậu bé mới chuyển qua học tiếng Anh, và tất cả đều là do cậu tự học qua Internet chứ gia đình không mời thầy đặc biệt nào kèm cặp. Gần đây nhất, khi nhà phê bình Nguyễn Hòa được một người bạn từ Mỹ về tặng một chiếc bật lửa trên có khắc chữ “NG. HOA” in hoa làm kỷ niệm. Cậu quý tử của Nguyễn Hòa ngắm nghía chiếc bật lửa rồi bảo với bạn của bố: “Ngờ hoa là… Hòa ngơ. Hóa ra bên Mỹ người ta cũng biết bố cháu là Hòa ngơ!”, khiến tác giả Bàn phím và… “cây búa”! cùng người bạn ngạc nhiên rồi phá ra cười. Nói về việc cậu con trai 11 tuổi đã nổi danh “thần đồng”, nhà phê bình Nguyễn Hòa tỏ ra chừng mực: “Tôi không muốn nhìn cháu như một hiện tượng đặc biệt để đề cao quá mức. Ngay từ đầu tôi đã xác định đây chỉ là một sở thích, và ngày mai cháu có thích nữa hay không là chuyện khác...”.
Tham dự buổi giới thiệu sách, ngoài các nhà văn nhà thơ, báo chí còn có các cô giáo của Nguyễn Bình, những người quan tâm, trong đó có cả ông… tổ trưởng dân phố. Nguyễn Bình sinh ngày 4/12/2001, đang học lớp 6, Trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội.
(Theo evan.vnexpress.net)