Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 21/08/2012 07:58
Hố tử thần khổng lồ xứng đáng tầm vóc Thủ đô to
Hà Nội có thể đề cử danh hiệu chiếc hố tử thần to nhất thế giới, cũng có thể kiên nhẫn đợi 1.000 năm sau để làm hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản thế giới, tiêu biểu cho phong cách xây dựng Việt Nam thời nay.
Trong ngày đầu tuần, bàn dân thiên hạ được một phen vui như Tết khi nghe các bên liên quan đến vụ gãy đường Lê Văn Lương kéo dài cãi cọ nhau, điều qua tiếng lại chẳng kém gì giới sâu bít với Thanh Lam và Mr Đàm, nào có học nào vô học, nào hèn nào không hèn.

Hố tử thần bẻ gãy tuyến đường huyết mạch trị giá 700 tỷ đồng.
Hố tử thần bẻ gãy tuyến đường huyết mạch trị giá 700 tỷ đồng.

Cái hố vô duyên hoặc cái hố tử thần (cách gọi tùy theo vị trí của bạn) xuất hiện sáng Chủ Nhật 19/8, giữa dịp trời mưa to gió lớn suốt mấy ngày liền.

Ngay lập tức, người ta xì xào bàn tán về chất lượng của công trình dài hơn 2,5km mà trị giá 700 tỷ đồng này. Nhưng cũng nhanh nhạy không kém và như thường lệ, các bên liên quan trưng ra đủ thứ lý do để tự tuyên mình vô tội.

Cụ thể, nếu Tập đoàn Nam Cường – chủ đầu tư dự án – khăng khăng đổ lỗi cho phía Sông Đà là thủ phạm vì tội thi công hố móng một chung cư sát đường, thì phía Sông Đà lại chỉ lên… trời khi bảo nguyên nhân là do mưa lớn, đồng thời đề nghị hai bên thống nhất với nhau đây là tai nạn do… bão số 5. VnExpress đưa tin rằng có tranh cãi về nguyên nhân, còn Tuổi Trẻ gọn lỏn: Đổ lỗi trách nhiệm.

Cho đến giờ thì người ta chưa biết đúng sai cụ thể ra sao, cũng chưa rõ ông giời có cảm nghĩ gì không khi được hạ giới tôn vinh quyền uy quá thể như thế.

Chỉ riêng có người dân Thủ đô là vẫn vui vẻ trẻ trung, vì nghĩ đi nghĩ lại thì chuyện này kể cũng thường. Chà, mưa sạt lở đường thì ăn nhằm gì, mấy năm trước Hà Nội còn lụt sâu cả mét, chết cả khối người nữa kia.

Vả chăng, giả sử như việc đổ lỗi cho cơn bão Kai Tak cộng thêm với những trận mưa ngâu quái ác là không thuyết phục, thì vẫn còn đầy cách diệu kỳ để lý giải. Hẳn nhiều người vẫn chưa quên gần 2 năm trước, Hà Nội đã linh đình tổ chức lễ khánh thành và gắn biển tên đường Lê Văn Lương kéo dài.

Hôm ấy, trong không khí tưng bừng chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã trao tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích trong việc xây dựng tuyến đường vừa nhanh như chảo chớp vừa đảm bảo chất lượng.

Nhanh thì rõ như ban ngày rồi, nếu mà không nhanh thì làm sao khánh thành cho đúng dịp nghìn năm mới có một như vậy.

Nay, có độc giả đã hiến kế cho Tập đoàn Nam Cường hãy vin vào cớ ấy mà giải thích cho cái sự đứt gánh giữa đường hôm nay.

Ai bảo quý vị cứ ép tiến độ để khánh thành rình rang cho bằng mọi giá cho đúng “nhân dịp”, các cụ nhà ta đã dạy là dục tốc bất đạt, tốc độ cao thì chất lượng có kém chút  xíu âu cũng là chuyện bình thường, có gì mà phải xoắn?

Hơn nữa, lấy cảm hứng từ lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, có người còn rụt rè hiến kế cho Hà Nội là hãy bảo tồn nguyên trạng cái hố tử thần này, biết đâu sau này còn có nhiều việc dùng đến.

Chẳng hạn, các nhà khoa học trên thế giới có thể tìm đến đây để tìm hiểu về tác động của các cơn bão đến việc sụt lún đất, hoặc tìm hiểu về các hiện tượng sạt lở đất kỳ bí mà không tìm ra được nguyên nhân…

Nhìn xa hơn, Hà Nội có thể kiến nghị tổ chức kỷ lục Guiness công nhận đây là chiếc hố tử thần to nhất thế giới, hoặc hố tử thần có tốc độ mở rộng lớn nhất thế giới, hoặc ít nhất là cái hố tử thần to nhất nằm nữa Thủ đô to nhất thế giới, đại loại thế. Chẳng phải một dịp để chúng ta vênh mặt với quốc tế hay sao?

Và nếu kiên nhẫn đợi 1.000 năm sau, con cháu chúng ta còn có thể làm hồ sơ để UNESCO công nhận đây là di sản thế giới, tiêu biểu cho phong cách xây dựng Việt Nam trong thế kỷ 21 và thiên niên kỷ thứ 3.

Dĩ nhiên, các nhà khoa học quốc tế sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xếp loại đây là di sản thiên nhiên hay di sản nhân tạo, nhưng có hề gì, điều đó càng tôn lên đặc tính độc nhất vô nhị của nó.

Còn nếu nhìn từ phía hai doanh nghiệp có liên quan là Nam Cường và Sông Đà, người ta thấy cũng không nên nặng lời với họ làm gì, khi họ tung ra những những đường chuyền hết sức điêu luyện với quả bóng trách nhiệm.

Hôm nay, Phunutoday cho biết, trong khi Bộ Giao thông vận tải muốn bàn giao cầu Thăng Long - cây cầu nổi tiếng về kỷ lục số lần vá víu bề mặt -  thì Sở Giao thông vận tải Hà Nội lại chưa muốn nhận. Các chuyên gia đánh giá vấn đề then chốt là ở chỗ "đầu tiên", nói chữ gọi là kinh phí, còn ông Giám đốc Sở của Hà Nội thì bảo, nhận về để làm, chứ nhận để sửa thì nhận làm gì.

Người ta lẩn thẩn tự hỏi, phải chăng các doanh nghiệp của chúng ta đã xuất sắc học ở các cơ quan quản lý Nhà nước phương pháp chuyền bóng khôn như chấy này nhỉ?

Đương nhiên, người vui lòng nhất trong ngày hẳn là cụ Lý Công Uẩn. Quý vị thử nghĩ mà xem, sao mà cụ không vui cho được khi đến hôm nay, con cháu cứ nhường nhau cái vinh dự được gánh vác trách nhiệm về một con đường gắn biển “1.000 năm Thăng Long”, một cây cầu mang tên Thăng Long hẳn hoi nữa.

Đương nhiên, sẽ thật là hoàn hảo nếu kể thêm một minh chứng sống động nữa về tình đoàn kết thương yêu của con cháu cụ Lý Thái Tổ, khi Hà Nội T&T cũng vừa nhất quyết nhường cho SHB Đà Nẵng chức vô địch V-League, khiến thiên hạ cảm động đến phát khóc.

Trong khi ấy thì, tờ Dân Trí cho hay đã xuất hiện một loại mặt nạ silicon được mô tả là y như thật, khiến nhiều người tỏ ra lo ngại rằng chúng có thể được người kém tử tế sử dụng để cải trang.

Xin mở ngoặc là cái mặt nạ chả liên quan gì đến chuyện chúng ta đang bàn, vì nó được sản xuất ở tận Trung Quốc. Mà người Việt Nam thì tuyệt đối không cần dùng đến loại siêu mặt nạ đấy!


(Theo phunutoday.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)