67 năm Cách Mạng tháng 8 - Kỳ 2: Người mang lệnh Tổng khởi nghĩa vào Nam
Chị là con gái Hà Nội, sinh ra và lớn lên ở làng Đồng Nhân (nay thuộc
Q.Hai Bà Trưng), tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi, làm công tác binh
vận dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Văn Thụ rồi làm giao thông viên
giữa Xứ ủy Bắc kỳ và T.Ư Đảng.

Bà Nguyễn Thị Kỳ bây giờ - Ảnh: Ngô Vương Anh
|
Từ cuối năm 1943, chị thoát ly gia đình, tạm xa đàn em còn chưa kịp
trưởng thành. Với gánh chè trên vai như người bán chè rong qua các làng
dọc tuyến ATK của T.Ư và Xứ ủy từ Hưng Yên, Bắc Ninh qua Phúc Yên, Đông
Anh về Từ Liêm, Thượng Cát, chị giữ mối liên lạc thường xuyên giữa đồng
chí Trường Chinh - Tổng bí thư của Đảng và đồng chí Văn Tiến Dũng - Bí
thư Xứ ủy Bắc kỳ. Trong gánh chè trên vai cô gái trẻ xinh đẹp đó là báo Cờ giải phóng, báo Cứu quốc,
truyền đơn - những “hàng nặng”, có lần đến cả chục cân. Chỉ thị, thư từ
liên lạc giữa các đồng chí lãnh đạo thì được cuộn chặt lại như con sâu
kèn rồi cuốn kỹ trong khăn vấn đầu. Bước chân cô gái len lỏi khắp vùng
ATK: bến đò Tiếu, chợ Keo, chợ Bỏi, Cổ Loa, Dâu, Xù, Gạ, Đặng, vực Dê,
ao Cả... Có những ngày gánh bộ dọc đường đê gần 50 km từ Bần (Hưng Yên)
về đến làng Gạ (Phú Thượng, Hà Nội)... Không ít phen thoát hiểm trong
gang tấc ở chợ Cổ Loa, ở vườn hoa Cửa Nam... nhưng khó khăn, gian khổ,
nguy hiểm không làm cho chị nhụt chí.

Vợ chồng đại tướng Văn Tiến Dũng - Nguyễn Thị Kỳ thời trẻ - Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp
|
Con gái Hà Nội vừa xinh vừa trắng dù ở chùa cố làm ra vẻ thôn dã nâu
sồng vẫn chẳng tránh khỏi mấy gã trai lẵng vnhẵng vơ ẩn: “Lại cắc cớ sao
mới phải đi tu đây”. Thậm chí, gã lý trưởng nhất định đòi lấy về làm
lẽ. Lúc ở làng Bỏi (Đông Anh) lại gặp một tên háo sắc là em trai của lý
trưởng. Gã này luôn mò đến tán tỉnh, săm soi, mò cả vào buồng lục lọi
đôi quang gánh của chị. Lần đó chị vừa chuyển đôi ru lô (con lăn dùng để
in truyền đơn trên bàn in đá) về. Tên em trai lý trưởng thần hồn nát
thần tính dù chẳng biết quả bom hình thù ra sao, thấy đôi ru lô đen sì
vội chạy bán sống bán chết và hét tướng lên: “Bom... bom...”. Chị phải
lập tức cất giấu tài liệu đồ dùng và chuyển đi.
Cuối tháng 3.1945, đồng chí Trường Chinh giao nhiệm vụ cho chị mang
tài liệu và chỉ thị của T.Ư vào Nam. Ngày 5.4, một ngày trước khi lên
đường, chị Kỳ được đồng chí Tổng bí thư bố trí gặp “anh Hoài” - Văn Tiến
Dũng tại một điếm canh đê ở làng Dâu. Từ giữa năm 1944, anh Hoài đã trở
thành người chồng thân yêu của chị Kỳ nhưng hai vợ chồng chỉ có ba
tháng cùng công tác với nhau thì anh Hoài bị bắt. Hai vợ chồng gặp nhau
được ít phút, mừng mừng tủi tủi, chẳng kịp nói hết chuyện, rồi hôm sau
lại chồng Bắc vợ Nam...
Đây là chuyến vào Nam công tác đầu tiên của người giao thông viên
T.Ư. Hành lý chỉ gồm hai vali, một chiếc có hai đáy để giấu tài liệu.
Đến Touran (Đà Nẵng), một tên Nhật sinh sự bắt chị Kỳ xuống tàu giao cho
bọn hiến binh. Anh Lý Chính Thắng giữ chiếc vali hai đáy nhưng cũng kịp
dặn chị Kỳ “Thuyền 103 sông Hương là cơ sở tốt”. Ở Touran, tên thông
ngôn người Việt nhận chị Kỳ là người nhà và bảo lãnh cho chị Kỳ với điều
kiện chị nhận lấy hắn. Chị Kỳ nhờ tên thông ngôn đưa ra khỏi Sở hiến
binh để đến chiều trốn khỏi nhà hắn, thuê xe trở ra Huế. Gặp lại anh Lý
Chính Thắng ở nhà thuyền 103, hai người tiếp tục cuộc hành trình quan
trọng. Đến Phan Rí, đường lại tắc. Một viên sĩ quan Nhật gặp tại khách
sạn nói với anh Thắng: “Chưa bao giờ tôi gặp một cô gái Việt Nam đẹp như
thế. Nếu ông bằng lòng gả cô em cho tôi, tôi sẽ đưa về Nhật để ăn
học...”. Tên Nhật cũng về Sài Gòn và nhận chở hai người về cùng bằng
chiếc xe mô tô thùng nhà binh của hắn. Đoạn đường còn lại của hai người
ít nguy hiểm hơn từ phía lính Nhật nhưng lại canh cánh nỗi lo bị các
đồng chí mình trong rừng cao su tưởng nhầm là Việt gian mà quẳng cho vài
trái lựu đạn. Đến Sài Gòn, vali tài liệu được chị Kỳ chuyển đến tận tay
các đồng chí Hà Huy Giáp và Ung Văn Khiêm.
Sau chuyến “giao liên xuyên Việt” đó, chị Kỳ còn được T.Ư cử đi hai
chuyến nữa đưa cán bộ và tài liệu từ T.Ư vào, khi trở ra lại đưa đại
biểu Nam kỳ ra họp Hội nghị Tân Trào rồi lại trở vào mang chỉ thị Tổng
khởi nghĩa của T.Ư đến miền Nam. Dọc đường đi chuyến này chị Kỳ đã chứng
kiến làn sóng giành chính quyền cuồn cuộn từ Bắc chí Nam. Rất nhiều
tỉnh dù chưa nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa từ T.Ư nhưng căn cứ vào bản
chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã nhạy bén sáng
tạo phát động nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền thành công. Vai
trò, ý nghĩa của bản chỉ thị lịch sử đó được đánh giá cao không chỉ ở
thời điểm nó ra đời mà cho tới cả những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng 8. Dù
mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa trên đường từ Bắc vào Nam chỉ đi cùng, thậm
chí đi sau các cuộc khởi nghĩa ở các tỉnh nhưng tinh thần nhanh chóng
nắm thời cơ để khởi nghĩa kịp thời đã được chuyển vào từ trước đó bởi
cùng một người.
Trong không khí sục sôi tiến tới tổng khởi nghĩa, chị Kỳ đi Nam mấy
chuyến liên tiếp, hai vợ chồng chẳng gặp được nhau. “Anh Hoài” về chỉ
huy giành chính quyền ở chiến khu Hà - Ninh - Thanh. Sau ngày Độc lập,
đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn đầu đoàn cán bộ của T.Ư tăng cường cho Nam
bộ kháng chiến gặp chị Kỳ ở Nam bộ, đồng chí giục: “Anh Văn Tiến Dũng
đang đợi cô ở trụ sở Ủy ban Ninh Bình đấy”. Chuyến ra Bắc lần này của
chị rợp cờ đỏ sao vàng và ngập tràn không khí hân hoan mừng nền độc
lập...
(Theo thanhnien.com.vn)