Khi nhận được tin Nhật đã đầu hàng quân Đồng
minh (15.8.1945), Tỉnh ủy Quảng Nam căn cứ vào những dự kiến tình hình
trong bản chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”
(12.3.1945) trước đó của trung ương, đã nhanh chóng quyết định: gấp rút
huy động toàn dân, kịp thời nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Bộ
phận hăng hái tích cực nhất trong các lực lượng cứu quốc được trang bị
thêm vũ khí, chuyển thành lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho quần chúng
khởi nghĩa. Các ủy ban Việt Minh, ủy ban Cứu quốc được chuyển thành các
ủy ban bạo động... Tỉnh ủy lập tức viết các chỉ thị bổ sung về chủ
trương và hướng dẫn cụ thể, gửi hỏa tốc cho các ủy ban bạo động các phủ,
huyện và thị xã Hội An.
|

Đồng chí Võ Chí Công (trái) người lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa ở Hội An trong ảnh chụp cùng thư ký riêng - Ảnh: tư liệu |
Theo
kế hoạch ban đầu, Quảng Nam sẽ khởi nghĩa ngày 21.8.1945. Cách thức
khởi nghĩa là giành chính quyền ở các phủ, huyện trước, sau đó tập trung
lực lượng về giành chính quyền ở tỉnh lỵ. Tuy nhiên, khi đi kiểm tra
tình hình tại Hội An (là tỉnh lỵ của Quảng Nam khi đó) trong đêm
17.8.1945, đồng chí Võ Chí Công nhận thấy tình hình ở đây đã có những
chuyển biến nhanh theo hướng thuận lợi cho cách mạng: trong đồn bảo an,
cách mạng đã có cơ sở nội ứng; Tỉnh trưởng Tôn Thất Giáng thể hiện rõ
thái độ lưng chừng, không quyết tâm chống lại cách mạng; phần lớn lực
lượng vũ trang của Nhật đã rút ra Đà Nẵng, số còn lại ở Hội An chưa đến
10 tên. Thêm nữa, một số lực lượng chính trị khác ở đây cũng đang gấp
rút chuẩn bị vũ khí, may sắm cờ quạt, chạy đua giành chính quyền với lực
lượng Việt Minh. Ngay lập tức, đồng chí đề nghị Thường trực Ủy ban Bạo
động tỉnh cho Hội An khởi nghĩa trước. Tại Hội An, đồng chí Võ Chí Công
triển khai ngay lực lượng quần chúng, sẵn sàng hành động. Đồng thời phối
hợp với cuộc khởi nghĩa ở Hội An, Ủy ban bạo động tỉnh huy động lực
lượng ở Tam Kỳ chặt cây cản đường để chặn xe chở quân Nhật từ Quảng Ngãi
ra. Lực lượng ở Hòa Vang cũng chặn đường quân Nhật có thể kéo vào từ Đà
Nẵng.
|
“Nhật
- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” Chỉ thị của Ban Thường vụ
Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 12.3.1945 được khởi thảo khi
tiếng súng Nhật đảo chính Pháp còn đang nổ. Sau khi nêu nhận xét tình
hình; điều kiện mới do tình thế mới gây ra; chiến thuật của Đảng đã thay
đổi; công việc cần kíp... Bản Chỉ thị nhấn mạnh:
- Phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa...
- Sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện...
-
Nếu cách mạng Nhật bùng nổ, và khi chính quyền cách mạng của nhân dân
Nhật thành lập hay nếu giặc Nhật mất nước như Pháp năm 1940 và đội quân
viễn chinh của Nhật mất tinh thần, thì khi ấy dù quân Đồng minh chưa đổ
bộ, cuộc tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi (1). |
|
Chỉ
trong bốn giờ, đến rạng sáng ngày 18.8, cuộc khởi nghĩa ở Hội An đã
giành thắng lợi hoàn toàn. Lực lượng quần chúng khởi nghĩa đông đảo đã
nhanh chóng chiếm được đồn bảo an, kho bạc, cơ quan mật thám, bưu
điện... và giành chính quyền trong toàn thị xã. Liền ngay sau đó, đồng
chí Võ Chí Công giao lại việc ổn định trật tự, tổ chức lực lượng bảo vệ
chính quyền trong thành phố cho Thị ủy và Ủy ban Bạo động Hội An. Sau
khi huy động một đoàn xe để chở tiền bạc và các tài liệu từ Hội An đưa
vào huyện Duy Xuyên, sẵn sàng đưa lên căn cứ, đồng chí Võ Chí Công trực
tiếp tổ chức một đoàn xe khác đưa lực lượng quần chúng vũ trang bằng vũ
khí lấy được từ kho súng của lính bảo an, tiếp tục hỗ trợ cho các huyện
khác giành chính quyền. Khi gặp quân Nhật chặn đường lực lượng khởi
nghĩa ở Vĩnh Điện, đồng chí Võ Chí Công nói rõ chủ trương của quân khởi
nghĩa không tấn công lực lượng Nhật đã đầu hàng và sẽ trở về quê hương
sau đó nên toán quân Nhật để đoàn xe đi qua mà không xảy ra xung đột.
Đây lại là một thắng lợi nữa của lực lượng cách mạng khởi nghĩa ở Quảng
Nam. Chỉ trong ngày 18.8, cả tỉnh Quảng Nam đã giành được chính quyền.
Quảng Nam là một trong những tỉnh (cùng với Bắc Giang, Hải Dương, Hà
Tĩnh, Mỹ Tho) giành được chính quyền sớm nhất cả nước trong cuộc Tổng
khởi nghĩa tháng 8.1945.
Diễn biến khởi nghĩa ở Hội An và ở cả
tỉnh Quảng Nam cho thấy sự tích cực chuẩn bị lực lượng khá đầy đủ từ
những năm trước, đến cao trào kháng Nhật cứu quốc, tiến tới tổng khởi
nghĩa. Sự chuẩn bị này “tích điện” cho sự bùng nổ ở thời điểm quyết
định. Sự nhạy bén nắm bắt tình hình, nhanh chóng quyết định phương án
táo bạo, linh hoạt khởi nghĩa theo cách có lợi nhất của bộ phận chỉ huy
khởi nghĩa là nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi hoàn toàn của cuộc
khởi nghĩa trong cả tỉnh chỉ trong một ngày.
Phương thức khởi
nghĩa giành chính quyền thành công ở Hội An và Quảng Nam cũng gần giống
như cách Hà Nội giành chính quyền thắng lợi chỉ một ngày sau đó. Việc
tránh được xung đột với lực lượng Nhật ở Quảng Nam cũng tương tự như
tình huống gặp phải của lực lượng khởi nghĩa ở Hà Nội. Cuộc khởi nghĩa
thắng lợi trọn vẹn ở Quảng Nam còn in rõ nét dấu ấn chỉ đạo nhạy bén và
sáng tạo, kiên quyết nhưng khôn khéo của một cán bộ lãnh đạo xuất sắc:
Đồng chí Võ Chí Công - người con ưu tú của quê hương Quảng Nam.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng Toàn tập - Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr 367; 373
(Theo Thanhnien.com.vn)