 |
Nhà nghiên cứu văn hoá Giang Quân. |
Chúng tôi đến thăm ông tại nhà riêng ở
số 274B Khâm Thiên. Cơn bạo bệnh của tuổi già làm sức khỏe ông thuyên
giảm nhiều, nhưng qua giọng nói từ tốn, trầm trầm, ông kể chúng tôi nghe
về cuộc đời với bao thăng trầm.
Ông tên thật là Nguyễn Hữu Thái - sinh
năm 1927 tại xã Hưng Thịnh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Lớn lên
trong thời khói lửa, ông sớm theo tiếng gọi của Đảng, cách mạng tham gia
vào phong trào đấu tranh tại quê nhà. Năm 1950, ông lên Hà Nội và bắt
đầu viết báo, viết kịch. Năm 1953, ông nhận công tác tại Sở Văn hóa Hà
Nội, làm cán bộ sáng tác phụ trách huấn luyện cho anh em văn nghệ. Năm
1956, tờ báo văn nghệ đầu tiên của Hà Nội ra đời và ông được giao phụ
trách bài vở.
“Tôi đi được nhiều nơi là vì vậy, đến
hết tất cả các thôn. Đến đâu, tôi ghi chép đến đó. Cái nghiệp cầm bút
vất là vậy, nhưng mà cao quý lắm” – ông tâm sự.
Nhưng với nhà nghiên cứu văn hoá Giang
Quân, những kỷ niệm về Hà Nội bao giờ cũng là đẹp nhất. Từ những câu
chuyện bình dị của người lao động đến những trận chiến oai hùng của quân
dân thủ đô đã dệt lên trong ông tình yêu Hà Nội đến mãnh liệt.
“Với Hà Nội, tình yêu trong tôi cứ dần
dần lớn. Qua việc giao tiếp với những nhân sĩ trí thức của Hà Nội như
gia đình ông Hoàng Đạo Thúy, gia đình bác Nguyễn Lân..., tôi học được
nét hào hoa thanh lịch của người Hà Nội. Cái thanh lịch của Hà Nội là
thanh lịch của sự hội tụ kết tinh của thanh lịch các vùng miền và có nét
giao lưu văn hóa quốc tế” - ông hào hứng.
Chả vậy mà 40 năm gắn bó với Hà Nội, đến
khi về hưu, ông Giang Quân đã gửi gắm kỷ niệm ấy qua từng trang viết.
Ông đã in tròn 30 cuốn sách viết về đất và người Hà Nội (chưa kể hàng
trăm cuốn in chung). Trong đó có những cuốn rất nổi tiếng như cuốn “Ký
sự địa chí Hà Nội” và “Từ điển đường phố Hà Nội” thực sự là những cuốn
cẩm nang về đường, phố thủ đô.
Đặc biệt, bộ sách “Những bông hoa đẹp”
(1993) tập hợp hàng trăm tấm gương người tốt, việc tốt của thủ đô được
ông dày công viết và biên tập ròng rã gần 20 năm liền.
“Trước đây, lúc mới đầu tôi mời các nhà
văn tham gia, nhưng dần dần vì bận nên họ không tham gia được, chỉ còn
tôi là kẽo kẹt viết. Tôi viết từ khi Bác Hồ có chỉ thị về việc cho ra
những sách nhỏ về người tốt, việc tốt. Về sau tôi nghĩ việc tuyên truyền
văn hóa người Hà Nội thì phải có con người, có mẫu người, nói suông thì
không được, cần mẫu người từ những việc làm nhỏ nhất” - nhà báo Giang
Quân chia sẻ.
Nhà văn hoá Giang Quân tâm niệm, giải
thưởng “Công dân Thủ đô ưu tú” vô cùng ý nghĩa, nhưng ý nghĩa hơn, nếu
như thủ đô sẽ có nhiều công dân tốt được vinh danh, ghi nhận. Cũng vì
những trăn trở ấy mà ông, dù sắp bước qua tuổi 85, sức khỏe đã yếu
nhiều, song vẫn miệt mài viết gương người tốt việc tốt. Chỉ bởi vì tấm
lòng muốn nhân mãi những điều tốt đẹp cho thủ đô.
(Theo laodong.com.vn)