Gánh nặng từ mô hình bán trú “ba trong một”
Những vấn đề này được đề cập tại hội thảo “Mô hình tổ chức bán trú -
Thực trạng và giải pháp” do Sở GD-ĐT TPHCM và báo Giáo dục TPHCM tổ chức
chiều 21/8.
Bán trú “ba trong một”
Hiện nay TPHCM có 82% trường ở các bậc học tổ chức bán trú, hơn
548.000 học sinh (HS) ăn trưa tại trường. Tuy nhiên, ngoài trường mầm
non được xây dựng là có cơ sở bán trú còn các bậc học còn lại đều phải
tận dụng, cải tạo cơ sở có sẵn có để phục bán trú cho HS.
Một “mô hình” dễ thấy tại các trường là không có nhà ăn, phòng ngủ,
HS phải ăn ở hành lang hoặc những khu vực được nhà trường cải tạo tạm
bợ, bữa ăn chia thành 2 ca, thậm chí có nơi HS ăn, ngủ ở ngay trong lớp
học.
Ăn - ngủ trong lớp học - "mô hình bán trú" thiếu vệ sinh nhưng rất dễ thấy ở TPHCM.
BS
Nguyễn Tài Dũng - Phó trưởng phòng Công tác HSSV, Sở GD-ĐT TPHCM cho
hay, chỉ một số ít trường học mới xây có cơ sở bán trú, còn lại hầu hết
các trường không có kết cấu để HS ăn ngủ tại trường. Có trường các em ăn
trong lớp rồi lại xếp bàn học lại để ngủ rất khó đảm bảo được vấn đề vệ
sinh.
“Sở Y tế từng có yêu cầu chỗ ngủ ở trường học phải tách chỗ ăn, chỗ
học để phòng chống dịch bệnh nhưng chúng tôi phải phản đối vì nếu vậy
thì ít trường nào đáp ứng nổi”, BS Dũng nói.
Ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM đánh
giá, tỉ lệ HS bán trú những năm gần đây đang giảm đi do số HS tăng,
trường học không đáp ứng được.
Hàng lang được nhiều trường tận dụng làm "nhà ăn".
Thiếu
cơ sở vật chất, chưa có mô hình cụ thể nên các trường đều phải “tự bơi”
đưa ra mô hình bán trú của mình, trong khi đây không phải là chuyên môn
của lãnh đạo nhà trường. Nhiều hiệu trưởng phải tự đi chợ tìm thực phẩm
an toàn, giá rẻ rồi lại phải lo sợ liệu có chuyện gì xảy ra với học trò
không.
Theo ông Điệp, cần nhìn nhận bán trú không chỉ mỗi việc “ăn” mà còn
là vấn đề sức khỏe của hơn nửa triệu HS. Khi chưa đủ điều kiện xây dựng
cơ sở thì các trường cần khắc phục mô hình hiện tại như bố trí phòng ốc
sao cho hợp lý nhất, quan tâm đến các yếu tố như ăn ngủ trong lớp thì vệ
sinh lớp học như thế nào, giặt giũ ra sao…
Thiếu đủ thứ
Nhiều ý kiến bày tỏ, mức phí thu bán trú 30.000 đồng/HS/tháng áp dụng
tại TPHCM cách đây 12 năm đã quá lạc hậu, không còn phù hợp với mức
sống hiện nay. Mức thu này các trường phải chi phí cho công tác bán trú
vừa chi trả tiền lương cho bảo mẫu, cấp dưỡng dẫn đến nhiều trường mất
khả năng chi. Lương của bão mẫu, cấp dưỡng hiện nay rất thấp, chỉ khoảng
1,5 trệu đồng nên không muốn gắn bó lâu dài với công việc, các trường
khó tuyển dụng dẫn đến việc thiếu nhân sự.
Rất ít trường học có phòng ăn uống độc lập thế này.
Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) trong giờ ăn.
TS Ninh Văn Bình - Trưởng phòng giáo dục quận Phú Nhuận cho hay đa số
bảo mẫu, cấp dưỡng - người phục vụ chính cho công tác bán trú - được
các trường hợp đồng theo thời vụ 9 tháng/năm, thu nhập thấp nhưng công
việc quá tải vì phải quản lý nhiều HS. Chưa kể, hầu hết đội ngũ này đều
chưa qua lớp đào tạo về chuyên môn, trong khi tình hình dịch bệnh ngày
càng phức tạp là một điều cần chú ý.
Bà Vũ Thị Thơ - hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q. Gò
Vấp) không ngại ngần nói rằng, bán trú đang là một gánh nặng với trường
học. Đây là nhu cầu của phụ huynh nhưng phí lại do nhà nước đặt ra, năm
này qua năm khác không thay đổi, đã quá lạc hậu trong khi mọi trách
nhiệm đều đổ hết về nhà trường.
“Kinh phí không đủ mà thu thêm của phụ huynh thì cả đội ngũ quản lý
cứ phải nơm nớp lo sợ. Như vậy thì hỏi làm sao nâng cao được chất
lượng?”, bà Thơ trăn trở.
BS Nguyễn Tài Dũng cho rằng cần phải tăng phí để các trường có điều
kiện nâng cao chất lượng bán trú. Hoặc cần xem bán trú là một dịch vụ do
nhu cầu của phụ huynh, cho phép chi phí bán trú do nhà trường và phụ
huynh thỏa thuận. Có như thế mới đảm bảo được điều kiện an toàn trường
học cũng như lương bổng cho đội ngũ làm việc.
(Theo Dantri.com.vn)