Mức giá đăng ký tăng đến 1.200 đồng/lít.
 |
Người dân đổ xăng tại trạm xăng trên đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM chiều 23-8 - Ảnh: T.T.D. |
Hai doanh nghiệp đã đăng ký tăng giá là Công ty TNHH
một thành viên Dầu khí Đồng Tháp và Tổng công ty thương mại kỹ thuật và
đầu tư Petec, với lý do giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng mạnh.
Tuy nhiên, ông Thỏa khẳng định Bộ Tài chính sẽ phải kiểm tra tính đúng
đắn mức giá mà doanh nghiệp đăng ký chứ không phải muốn tăng bao nhiêu
cũng được.
Gây khó cho người tiêu dùng và doanh nghiệp
Với mức đề xuất của các doanh nghiệp, nếu được Bộ Tài
chính chấp thuận thì chỉ trong vòng hơn 20 ngày (từ ngày 1-8), giá xăng
tăng tới ba lần với mức khoảng 3.000 đồng/lít. Còn tính từ đầu năm tới
nay, sau năm lần điều chỉnh giảm và năm lần điều chỉnh tăng thì mức giảm
tổng cộng chỉ là 3.200 đồng/lít trong khi mức tăng tổng cộng lên tới
5.400 đồng/lít xăng.
Ông Thỏa nhấn mạnh quan điểm điều hành giá xăng dầu
phải theo nghị định 84 năm 2009. Nghĩa là nếu giá cơ sở tăng 7% so với
giá hiện hành thì doanh nghiệp được quyền điều chỉnh giá. Còn nếu tăng
vượt tỉ lệ trên thì tùy từng mức độ, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp
bình ổn thích hợp.
Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định giá
xăng dầu thế giới tăng cao tác động đến giá trong nước thì việc doanh
nghiệp đề xuất tăng giá là phù hợp. Nhưng trước hết, Bộ Tài chính cần
tính toán xem mức tăng của doanh nghiệp đăng ký có hợp lý không. Tiếp
đến, điều quan trọng là trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp
đang rất khó khăn do hàng tồn kho lớn, người tiêu dùng bị giảm thu nhập
nên thắt chặt chi tiêu.
“Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao hơn mức 23.000
đồng/ lít, tới 24.000 đồng vào lúc này là bất lợi cho cả người sản xuất
và người tiêu dùng. Quan điểm là Nhà nước phải khoan thư sức dân, phải
hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - người tiêu dùng và doanh nghiệp. Như lần
tăng giá ngày 13-8, có ý kiến doanh nghiệp đầu mối cho biết nếu giảm 2%
thuế nhập khẩu thôi thì sẽ giảm mức tăng giá khoảng 400 đồng/lít xăng.
Tại sao trong lúc này Nhà nước không sử dụng biện pháp này?” - ông Long
bức xúc.
Còn ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cũng cho
rằng nếu mức giá doanh nghiệp đề xuất tăng là phù hợp thì Bộ Tài chính
cần phản hồi sớm để họ áp dụng. Tránh để tình trạng các cây xăng găm
hàng như đợt tăng giá trước ngày 13-8, gây thiệt hại cho xã hội và làm
xáo trộn thị trường.
Ông Long thì chỉ trích hiện tượng các cây xăng găm hàng
chờ tăng giá thời gian qua cho thấy sự điều hành không nhịp nhàng của
cơ quan chức năng. Thực tế, không doanh nghiệp nào dại gì mà lại bán
hàng thấp hơn giá nhập vào để chịu lỗ.
Nên giảm thuế, phí
Theo các chuyên gia, hiện nay xăng dầu đang phải gánh
quá nhiều thuế phí. Trong cơ cấu giá xăng, người dân đang phải trả
khoảng 6.000-8.000 đồng/lít cho các loại thuế phí, gồm: thuế nhập khẩu,
thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường,
quỹ bình ổn giá, chi phí kinh doanh định mức...
Theo mức giá nhập khẩu trung bình 30 ngày gần đây, số
tiền người dân phải đóng vào giá mỗi lít xăng cho các loại thuế phí trên
khoảng 7.750 đồng. Còn trong trường hợp tính theo giá nhập khẩu trung
bình 20 ngày trở lại đây thì số thuế phí là 7.900 đồng/lít.
Do đó, các chuyên gia cho rằng Bộ Tài chính nên cân
nhắc giảm thuế nhập khẩu bởi giá xăng dầu đã tăng ba lần liên tiếp. Nếu
tiếp tục tăng giá trong lần này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của
người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo tính toán, nếu đưa thuế nhập khẩu về mức 0% như
thời điểm hồi đầu năm (khi mức giá nhập khẩu xăng tại Singapore cũng
tương đương hiện nay), giá cơ sở trung bình 30 ngày sẽ giảm được khoảng
1.950 đồng/lít. Do đó chỉ cần giảm mức thuế nhập khẩu xăng A92 từ 12%
hiện nay xuống còn 5%, mức giá xăng nhập khẩu có thể giảm được khoảng
1.150 đồng/lít, hoàn toàn không phải tăng giá xăng.
Liệu Bộ Tài chính có tính đến phương án giảm thuế nhập
khẩu xăng dầu để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng và cộng đồng doanh
nghiệp? Ông Thỏa cho rằng Bộ Tài chính sẽ xem xét đến giải pháp này.
Tuy nhiên, mức thuế đang áp dụng thấp hơn so với barem quy định, chẳng
hạn thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng theo quy định là 20% nhưng hiện nay
chỉ áp ở mức 12%. Tương tự, dầu diesel 10% (quy định 15%), dầu hỏa 12%
(20%) và dầu mazut 12% (15%).
Tuy nhiên, theo ông Ngô Trí Long, không thể lấy barem
thuế ra để cho rằng mức thuế áp dụng hiện hành còn đang rất thấp, vì
phải điều hành mặt hàng xăng dầu đặt trong bối cảnh thực tế của điều
kiện kinh tế - xã hội. “Đây là thời điểm mà cơ quan quản lý phải cân
nhắc thật kỹ mức thuế nhập khẩu cùng với mức sử dụng quỹ bình ổn, thuế
và giá hiện hành. Bởi việc tăng giá xăng trong bối cảnh nền kinh tế còn
nhiều khó khăn trong khi vẫn còn rộng cửa để kềm giá xăng dầu sẽ không
phải là một giải pháp hợp lý...” - ông Long nói.
Tại Singapore - thị trường cung cấp nguồn xăng dầu nhập
khẩu lớn nhất cho các doanh nghiệp xăng dầu VN, giá các loại xăng dầu
đã tăng khá mạnh. Cụ thể, ngày 22-8, giá xăng A92 tại thị trường này
đóng cửa ở mức 125,35 USD/thùng.
Trước đó, từ ngày 10 đến 17-8, giá mặt hàng này ở mức
127-128,4 USD/thùng. Theo tính toán, giá cơ sở trung bình 30 ngày - mức
giá dùng làm căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ trong nước - đã lên gần
24.000 đồng/lít, cao hơn giá bán lẻ gần 1.000 đồng/lít.
Tuy nhiên, do doanh nghiệp đang được sử dụng 300
đồng/lít từ quỹ bình ổn giá nên thực tế doanh nghiệp lỗ khoảng 700
đồng/lít. Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho rằng trên thực tế lỗ lãi
của doanh nghiệp thường theo chu kỳ kinh doanh 10 ngày, 20 ngày chứ
không phải 30 ngày. Do đó, mức lỗ của doanh nghiệp hiện nay rất lớn, nếu
không có các biện pháp hỗ trợ thì doanh nghiệp buộc phải tăng giá. |
(Theo tuoitre.vn)