
Những đầu sách sai phạm trong thời gian gần đây
Có tới 18 đầu sách bị tạm đình chỉ phát hành để thẩm định nội
dung, 11 cuốn bị ách lại để sửa chữa, đính chính, năm đầu sách bị nhắc
nhở, tái bản phải sửa chữa, ba đầu sách vi phạm bản quyền… Trong số
này, nổi lên có những cuốn sai sót về số liệu, sự kiện và nhân
vật lịch sử như: Hà Nội nơi Frey đến với cách mạng (Nhà xuất bản -
NXB Hà Nội), 500 câu hỏi đáp lịch sử văn hóa thế giới (NXB Thông
tấn), Lịch sử Thăng Long - Hà Nội (NXB Văn hóa Thông tin).
Những lỗi nghiêm trọng trong một số ấn phẩm được cơ quan chức
năng chỉ ra như thể hiện không đúng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Ngoài ra, còn có những cuốn sách nêu nhận xét sai lệch về các sự
kiện chính trị, các vấn đề văn hóa và dân tộc như Văn hóa Tày ở
Việt Nam và tiến trình hội nhập thế giới (NXB Tri Thức), 50 tuần
lễ đầu tiên lãnh đạo văn phòng (NXB Lao Động). Sách có những đánh giá
về các học thuyết, tôn giáo mới ở Việt Nam nhưng không được biên
tập kỹ, dẫn đến sai sót gây hoang mang cho bạn đọc như Sự sống bắt
nguồn từ sự sống (NXB Dân Trí), Luận về tình yêu (NXB Thời Đại)…
Ngoài danh sách trên, gần đây nhất có một cuốn sách kém chất
lượng bị phát hiện là Đại quang Việt sử của một doanh nghiệp sách tư
nhân liên kết với NXB Đồng Nai. Không kể hàng loạt lỗi chính tả,
cuốn sách là một tập hợp từ những lỗi sơ đẳng đến những sai sót
nghiêm trọng. Chẳng hạn, sách “phán” Thục Phán lên ngôi đóng đô ở… Bạch
Hạc (thực tế là ở Cổ Loa), Lạc Long Quân được Ngọc Hoàng… phái xuống
nước Việt (!), sách Đại Việt sử ký là của Lê Quý Đôn (dẫn đúng phải
là của Lê Văn Hưu)…
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là thói làm ăn tắc trách,
chụp giật của một số NXB; buông lỏng kiểm soát sách liên kết với các
doanh nghiệp tư nhân. Một nguyên nhân khác theo nhận định của người
trong nghề là vì cơ quan quản lý đã tăng cường kiểm tra gắt gao hơn, từ
đó lôi ra nhiều vụ sai phạm.
Cơ quan quản lý đã sâu sát hơn, nghĩa là họ cũng từng không bao quát
hết những đầu sách sai phạm. Với tình trạng nhiều đơn vị làm sách
“quên” nộp lưu chiểu hoặc chỉ nộp sau khi đã phát hành, chuyện vài
con cá lọt lưới là không tránh khỏi. Thực tế, nhiều ấn phẩm có vấn
đề về nội dung thời gian qua do báo chí, người đọc phát hiện khi mua
sách trên thị trường, cung cấp thông tin cho nhà quản lý kiểm tra xử
phạt. Điều đáng mừng là số lượng sách nộp lưu chiểu của nửa đầu năm
nay theo Cục Xuất bản, đã tăng hơn 17%. Người làm sách tuân thủ luật
hơn, nghĩa là họ tự tin sản phẩm của mình sạch, chất lượng. Nếu có sơ
suất, cơ quan chức năng cũng đã cầm trong tay bản lưu chiểu để
kiểm soát.
Tuy nhiên, số đầu sách sai phạm mới nửa năm nay mà đã bằng cả năm
2011 là điều đáng suy nghĩ. Công tác kiểm tra xử lý ngày càng tốt lên
hay sách không đủ tiêu chuẩn xuất bản ngày càng tăng? Dù câu trả lời
thế nào, cũng nói lên thực tế vi phạm trong lĩnh vực xuất bản là rất
nhiều, xuất phát từ những tồn tại quen thuộc như thẩm định kém,
biên tập cẩu thả, vi phạm tác quyền, sách đội lốt tạp chí, trốn
nộp lưu chiểu… Những khuyết điểm này luôn được “điểm mặt” trong các
cuộc họp, hội nghị, hội thảo của ngành, vẫn được cơ quan chức năng
xử lý thường xuyên, song dường như “lờn thuốc”.
Tại hội nghị giao ban công tác xuất bản sáu tháng đầu năm 2012,
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh,
số đầu sách vi phạm nếu đặt trên tổng số lượng sách xuất bản
(11.143 tựa) là không nhiều, nhưng sự tác động của nó không hề nhỏ.
Trong bối cảnh sách bị nhiều loại hình giải trí khác cạnh tranh mạnh
mẽ, các đầu sách càng cần phải được chọn lọc biên soạn, biên tập
kỹ lưỡng hơn.
(Theo phunuonline.com.vn)