Mùa Vu Lan - chung tay làm việc thiện
Nghẹn ngào nhớ mẹ
Theo
thống kê của Ban quản lý chùa Quán Sứ (Hà Nội), 3 ngày làm lễ cầu siêu
chúng sinh, báo hiếu (từ 26-28.8), nhà chùa đã tiếp nhận hàng vạn người
tới hành lễ. Ngoài sự kiện chính là cầu siêu, nhà chùa cũng tổ chức thả
chim cầu an, cầu hoà bình, nấu ăn chay cho các phật tử.
Phật
tử Lê Đăng Khôi (45 tuổi, ở Xuân La, Tây Hồ) vừa tới lễ chùa và dự cơm
chay cho biết: “Mỗi lần lên chùa, ăn chay niệm phật là tâm hồn tôi thấy
thanh thản, như trút được mọi lo âu, gánh nặng trong cuộc sống. Tôi luôn
mong muốn vợ con và mọi người hướng thiện, tích đức”. Theo anh Khôi, sở
dĩ có sự giác ngộ này là bởi ngày mẹ anh còn sống, bà hay đi chùa niệm
phật, ăn chay...
 |
Các ni cô cắm hoa chuẩn bị cho lễ chính Vu Lan tại tổ đình Từ Đàm (Huế). |
Tổ
đình Từ Đàm (TP.Huế) dịp này cũng đón hàng ngàn phật tử tới tụng kinh
báo hiếu mỗi ngày. Trong đó, câu chuyện của anh em anh Lê Xuân Tín (40
tuổi, ngụ phường Trường An, TP.Huế) khiến nhiều người xúc động. Chồng
mất sớm, bà Nguyễn Thị Quý - mẹ anh Tín - một mình làm thuê làm mướn nuôi 3 người con ăn học.
Khi
3 anh em anh Tín tốt nghiệp đại học và có việc làm thì mẹ qua đời vì
bạo bệnh. Từ ngày mẹ qua đời đến nay, vào các dịp lễ Vu Lan, anh em anh
Tín không chỉ lên chùa tụng kinh báo hiếu mà còn bỏ ra 7-10 triệu đồng
mua quà phát cho những người nghèo khổ, thiếu may mắn. “Hướng đến người
nghèo khổ cũng là cách báo hiếu cha mẹ, giúp cha mẹ ở dưới suối vàng sớm
thoát khỏi khổ nạn”- anh Tín chia sẻ.
Tại chùa Phổ Quang (quận
Tân Bình, TP.HCM), chúng tôi gặp một người đàn ông có gương mặt gầy hóp
đang nắn nót viết tên mẹ Lê Thị Chắt, teªn cha là Nguyễn Văn Chu rồi
ghim vào cọc giấy cầu an. Anh là thợ hồ, tranh thủ được nghỉ tới chùa
cầu an cho cha mẹ. “Ước chi cha còn để tui được ghi tên cha vô tờ giấy
cầu an ni cùng với mẹ” - anh tâm sự, đôi mắt thoáng buồn. Tại chùa Hòa
Khánh, quận Bình Thạnh, gần Bệnh viện Ung bướu, những ngày này, nhiều
bệnh nhân ghé chùa gửi gắm nguyện vọng cầu an cho mình và người thân…
Xoa dịu nỗi đau
Vì
là địa phương có rất đông phật tử, nên không khí Vu Lan ở Huế sâu đậm
hơn nhiều so với những địa phương khác. Từ ngày 10.7 âm lịch (tức ngày
26.8 dương lịch), gần 400 chùa, tổ đình, tự viện, tịnh xá, tịnh thất,
niệm phật đường ở Thừa Thiên - Huế đã khai kinh Vu Lan. Giáo hội Phật
giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức nhiều buổi thuyết pháp,
giao lưu mạn đàm để trao đổi về hiếu đạo của con cái đối với cha mẹ. Vào
14.7 âm lịch, tại tổ đình Từ Đàm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ
chức lễ Chư tăng tự tứ với sự tham gia của 850 tăng ni trên địa bàn.
Tiếp
đó, tại tổ đình này sẽ diễn ra lễ chính Vu Lan và lễ Trai tăng cúng
dường, với sự tham dự của hàng nghìn người. Ngày 15.7 âm lịch, Giáo hội
Phật giáo tỉnh tổ chức đêm thi ca về tinh thần báo hiếu và cài hoa cho
những người mất mẹ…
Từ nhiều năm qua, Giáo
hội Phật giáo tỉnh có chủ trương hướng lễ Vu Lan đến người nghèo để để
xoa dịu khổ đau cho những người thiếu may mắn, qua đó thể hiện lòng từ
bi đối với những người còn sống. Sáng hôm 14.7 âm lịch, Giáo hội tổ chức
tặng quà cho những hộ nghèo trên địa bàn TP.Huế và các huyện, mỗi hộ
nghèo được nhận một phần quà là 20kg gạo.
Nhiều
ngày trước lễ Vu Lan, Ban Từ thiện của Giáo hội đi đến nhiều vùng sâu,
vùng xa ở tỉnh như các huyện A Lưới, Nam Đông... thăm các bệnh viện,
bệnh nhân, giúp đỡ, động viên khuyến khích tinh thần các đạo hữu nghèo.
Tại Hà Nội, các phật tử chùa Quán Sứ, tổ đình Phúc Khánh thực hiện quyên góp cho nạn nhân chất độc da cam ngay tại chùa.
Đại Đức Thích Thanh Tuấn - (Ủy viên Hội đồng điều hành Học viện Phật giáo VN)
“Rằm
tháng 7 hay còn gọi là ngày Xá tội vong nhân, ngày Vu Lan báo hiếu - là
ngày lễ quan trọng để thức tỉnh lương tâm của mỗi con người tưởng nhớ
tổ tiên, đền đáp công ơn dưỡng dục với cha mẹ. Đồng thời đây là ngày để
người sống làm nhiều việc thiện với cộng đồng, tích đức tu nhân, từ đó
tiêu tan nghiệp chướng để con người được siêu thoát khi trở về cõi âm”.
Hòa thượng Thích Hải Ấn - (Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên - Huế)
“Vu
Lan là dịp để đồng bào phật tử noi theo đạo hiếu của Đức Phật là “Khéo
thờ cha mẹ cũng là thờ Phật", tưởng nhớ đấng sinh thành dưỡng dục tạo
nên hình hài của chúng ta để chúng ta được vươn lên trong đường đời cũng
như đường đạo. Đây cũng là dịp để cầu nguyện nhằm hướng mọi người nhớ
đến công ơn của tổ tông, của những người đã hy sinh vì đại nghĩa, vì sự
sống còn của dân tộc”.
(Theo danviet.vn)