Gặp người kéo cờ trong lễ Độc lập đầu tiên
Cụ Lê Thi tên thật là Dương Thị
Thoa, con gái Giáo sư Dương Quảng Hàm. Sống dưới sự áp bức của thực dân
Pháp, cô nữ sinh trường Đồng Khánh vô cùng căm phẫn. Do vậy, khi được
phân công kéo cờ ở trường vào đầu tuần, bà Thi cùng các bạn thường cố
tình làm cờ bị quấn lại không kéo lên được hoặc kéo lên đến đỉnh rồi rơi
xuống để trêu tức ông Hiệu trưởng người Pháp.

Giây phút kéo cờ vẫn in đậm trong tâm trí bà Lê Thi
Sau đó, được Việt Minh tuyên truyền và đọc những bài viết về cụ
Nguyễn Ái Quốc, những bài báo sục sôi tinh thần yêu nước, thấm đẫm nghĩa
đồng bào đã khiến bà ý thức Tổ quốc là điều gì đó thật thiêng liêng,
lớn lao. Bà tự nhủ phải làm một điều gì đó “có nghĩa lý” cho đất nước.
Bà Thi bắt đầu tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc, tích cực tuyên truyền,
vận động nhân dân tham gia cách mạng. Thu thập thông tin về các trận
đánh để báo chí đưa tin. Có khi bà đi cả tháng trời. Khi bị cha nhắc
nhở, bà đã hứa với ông sẽ đi học cao đẳng sư phạm như cha mong muốn.
“Ngày 2/9 cách đây 67 năm, tôi mặc áo dài trắng, đi giầy bata
trắng. Đúng 14 giờ, tôi dẫn đầu đoàn Phụ nữ cứu quốc tiến về quảng
trường Ba Đình. Vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Việt Minh! Việt Minh!” Đến
14h30, một cán bộ trong Ban tổ chức đến thông báo cử người lên kéo cờ.
Lúc đó không ai xung phong. Cuối cùng, các chị em đồng thanh hô: “Thi
lên đi, Thi lên đi”. Tôi run lắm nên đứng yên không nhúc nhích. Đến khi
anh cán bộ xuống thúc thì tôi mới bước đi”, bà Thi bồi hồi nhớ lại ký ức
67 năm về trước.

Bà Lê Thi và người bạn cùng kéo cờ gặp lại nhau sau 40 năm
Vừa kéo, bà Thi vừa lo cờ bị tắc, không đúng với nhạc hiệu. Nhưng may
là đã tham gia tuyên truyền, rồi có mặt trong nhiều cuộc biểu tình nên
bà đã thuộc làu bài hát Tiến quân ca. Khi bài hát vừa dứt thì cờ đỏ sao
vàng cũng lên tới đỉnh cột, tung bay phấp phới.
Khi trở về vị trí, bà thấy xung quanh mình, một rừng người đang hừng
hực khí thế của ngày Quốc khánh. Trên bục lễ đài, những người lãnh đạo
cách mạng đang đứng trước quốc dân đồng bào.
Sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đọc tuyên ngôn Độc lập. Lúc ấy, bà
mới ngỡ Người có vầng trán cao, râu dài phúc hậu đang đứng trước mặt
mình chính là nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc mà bà đã được đọc trên báo:
Người rất giản dị và gần gũi.
Bà Thi kể, khi Bác ngừng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập và hỏi: “Tôi
nói đồng bào nghe rõ không?” bà đã bật khóc. Sự ân cần của Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã đi vào trong trái tim bà không thể phai mờ.

Hình ảnh bà Lê Thi (đứng giữa) và các nữ sinh ngày đầu tham gia cách mạng
Sau ngày đó, bà Thi buộc lòng “thất hứa” với cha theo học ngành sư
phạm, dành tất cả thời gian và sức lực cho cách mạng. Bà gia nhập Trung
đoàn Thủ đô, 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 17/2/1947), chiến đấu bảo vệ
từng tấc đất Hà Nội.
Rời Thủ đô, bà Thi lên Vĩnh Yên làm phó chủ tịch hội phụ nữ, rồi chủ
tịch Hội Phụ nữ Tuyên Quang... Từ năm 1950 - 1953, bà được điều về hoạt
động giữa lòng địch trong nội thành Hà Nội. Thời bình bà Thi tiếp tục
trải qua nhiều công việc khác nhau như làm ở Viện triết học; kết thúc sự
nghiệp bằng việc thành lập và đứng đầu Viện Nghiên cứu gia đình và
giới.
Người cầm lá cờ cho bà Thi cách đây 67 năm, là bà Đàm Thị Loan (vợ cố
Đại tướng Hoàng Văn Thái). Ngày kéo cờ hai bà không biết tên tuổi và
địa chỉ của nhau và sau này cũng vậy. Mãi đến năm 1989, thông qua Tạp
chí Lịch sử quân đội hai người mới tìm được nhau. Từ đó, hai bà thường
xuyên gặp nhau. Bà Loan đã mất vào năm 2010, sau một thời gian lâm bệnh.
(Theo Dantri.com.vn)