Hơn 20 triệu HS, SV bước vào năm học mới
Theo dự báo của của Bộ
GD-ĐT, năm học mới 2012-2013 có hơn 4 triệu trẻ mầm non, 15 triệu học
sinh (HS) phổ thông các cấp, hơn 610.000 HS trung cấp chuyên nghiệp và
hơn 2 triệu sinh viên (SV) đại học, cao đẳng.
Năm học mới 2012-2013, nhiệm vụ tổng quát của ngành
giáo dục là tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và các
Nghị quyết Trung ương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu
quan của Đảng và Chính phủ chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để
Ban chấp hành Trung ương Đảng thảo luận và ra Nghị quyết về đổi mới căn
bản và toàn diện giáo dục đào tạo trong kỳ họp thứ VI vào quý 4 năm nay.

Cô và trò Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội trong lễ khai giảng năm học mới. (Ảnh: Nguyễn Hùng)
Năm học này cũng là năm học toàn ngành tổ chức quán triệt thực hiện Chiến lược
phát triển giáo dục 2011-2020. Đây cũng là năm học đầu tiên thực hiện
Luật Giáo dục Đại học mới được Quốc hội thông qua.Toàn ngành sẽ tiếp tục
đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc
vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng
tạo” và đẩy mạnh, phát huy những kết quả đã đạt được của phong trào thi
đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; chú trọng các
giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học; Tăng cường giáo dục đạo
đức, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, ý thức trách nhiệm công dân, rèn
luyện kỹ năng sống cho HS, SV.
Năm học mới cũng sẽ đẩy mạnh đổi mới quản lý giáo dục,
tăng cường phân công, phân cấp, tăng quyền tự chủ gắn với nâng cao trách
nhiệm trong quản lý giáo dục các cấp. Huy động các nguồn lực tăng cường
đầu tư và phát triển giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới,
hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt chính sách ưu
đãi, hỗ trợ đối với HS, SV giỏi, nghèo, khuyết tật, con em gia đình có
công với cách mạng, dân tộc thiểu số, giáo viên công tác ở những vùng
khó khăn.
Bên cạnh đó, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo
viên, cán bộ quản lý giáo dục, trong đó, chú trọng công tác giáo dục tư
tưởng, đạo đức và năng lực sư phạm cho đội ngũ thầy, cô giáo; Triển khai
thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện các trường sư phạm, đặc biệt là
các trường đại học sư phạm trọng điểm nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo đội
ngũ giáo viên chất lượng cao cho toàn ngành.
Trước thềm năm học mới, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo để
trao đổi những giải pháp nhắm chấn chỉnh những bức xúc của xã hội đối
với các vấn đề lạm thu, dạy thêm học thêm, quá tải… Thời gian tới, Bộ
GD-ĐT sẽ tăng cường thanh tra giám sát, ban hành các quy định chặt chẽ
để tiến tới xóa bỏ những bức xúc này.
Trong năm học này Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm mô
hình trường học mới Việt Nam (VNEN) tại 1447 trường trên tinh thần tự
nguyện. Các trường được lựa chọn thí điểm sẽ tập trung đổi mới hoạt động
sư phạm, chuyển đổi từ dạy học truyền thụ của giáo viên sang tổ chức
hoạt động tự học của HS; đổi mới kiểm tra, đánh giá HS, chú trọng tự
đánh giá vì sự tiến bộ trong quá trình học tập. Các trường tham gia thí
điểm là những trường thực hiện mô hình đổi mới đồng bộ phương pháp dạy
học và kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.Theo mô hình này, mỗi
trường và giáo viên phải căn cứ vào nội dung của sách giáo khoa (SGK)
hiện hành để viết lại SGK trong đó hướng dẫn luôn cách học. Với tài liệu
này, HS có thể tự học, tự vận dụng kiến thức vào trong đời sống thực
tế, gắn kết nhà trường với cộng đồng.
Cũng trong năm học này, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm
phương pháp “bàn tay nặn bột" đối với các trường tiểu học và cả THCS tại
cả 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Đây là phương pháp dạy hình thành
kiến thức cho HS bằng các thí nghiệm. HS chia nhóm để tự làm, tự trao
đổi, nghiên cứu, quan sát để tìm ra câu trả lời cho các vấn đề trong
cuộc sống. Người thầy chỉ đóng vai trò tư vấn, hướng dẫn...
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thì để làm được
những công việc to lớn này, toàn thể thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo
dục cùng đội ngũ HS, SV phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ Nghị quyết
của Đảng để tạo nên sự đồng thuận và quyết tâm phấn đấu cao, chủ động
sáng tạo trong hoạt động chuyên môn và chủ động đề xuất với cấp ủy,
chính quyền địa phương các chính sách và cơ chế phù hợp để phát triển
GD-ĐT
Nhân dịp năm học mới, vào ngày 31/8, Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang đã có thư gửi các cán bộ, giáo viên, các bậc phụ huynh
và HS, SV cả nước. Trong thư, Chủ tịch nước đã đánh giá cao nỗ lực của
ngành GD-ĐT, đặc biệt là các thầy cô giáo tâm huyết, có nhiều đóng góp
cho sự nghiệp trồng người và cố gắng của các em HS, SV vượt lên hoàn
cảnh khó khăn để học tập tốt.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: “Năm học 2012-2013 có ý
nghĩa quan trọng, là năm học đầu tiên triển khai thực hiện chiến lược
phát triển giáo dục 2011-2020. Ngành GD-ĐT cần tiếp tục đổi mới cơ chế
quản lý giáo dục; phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và
cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; xây
dựng môi trường giáo dục lành mạnh; kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với
gia đình và xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của toàn
xã hội chăm lo phát triển giáo dục, nhất là giáo dục ở vùng khó khăn,
vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện bình đẳng về cơ hội học tập và
các chính sách xã hội trong giáo dục; tập trung giải quyết một số vấn
đề bức xúc như dạy thêm học thêm không đúng quy định, hiện tượng lạm
thu, thiếu trung thực trong thi cử, bạo lực học đường, vi phạm đạo đức
nhà giáo...”.
Trong những ngày qua, hòa với không khí tưng bừng đón
chào năm học mới, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tham dự lễ
khai giảng ở một số địa phương. Phó chủ tích nước Nguyễn Thị Doan cùng
chung vui ngày đến trường của HS Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (tỉnh
Hòa Bình). Tại TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến tham dự lễ khai
giảng tại ngôi trường chuyên giàu truyền thống Lê Hồng Phong. Còn ở Hà
Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hòa mình vào lễ khai giảng nồng ấm
tại ngôi trường cổ nhất Hà Nội mang tên Danh sư Chu Văn An…
(Theo Dantri.com.vn)