 |
Bạn trẻ xem các tư liệu lịch sử tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM ngày 2-9 -Ảnh: K.ANH |
“Lần đầu đặt chân đến TP mang tên Bác, tôi chỉ mong
được đến nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước” - bạn Lê Phạm Hoàng Nam quê
Nghệ An bày tỏ.
Nam vừa vào TP.HCM để nhập học Trường đại học Khoa học
tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM). “Được xem những tư liệu, hình ảnh về
cuộc đời, sự nghiệp của Bác, cảm xúc trong mình dâng trào. Chợt nghĩ ở
tuổi đôi mươi Bác đã làm được nhiều điều to lớn, còn mình chưa làm được
gì. Những lời dạy của Bác để lại sẽ là động lực giúp tôi vượt qua khó
khăn nơi đất khách, cố gắng học tập tốt hơn. Sống có ích cũng là cách
học và làm theo lời Bác dạy” - Nam tâm tình.
Cả gia đình chị Thu Hà (Hà Nội) đã chọn điểm đến trong
hành trình du lịch của mình là bến Nhà Rồng ngay ngày Quốc khánh 2-9.
Lần đầu tiên gia đình chị đến TP và điểm đến “mong muốn nhất” là cảng
Sài Gòn “để biết được nơi Bác đặt chân lên con tàu của Pháp ra đi tìm
đường cứu dân cứu nước” - chị nói. Còn cô con gái của chị là Nguyễn Thu
Trang đang học lớp 8 khoe: “Lần đầu cháu đến bến Nhà Rồng, nhiều cảm xúc
lắm! Cháu tin từ nay khi làm văn hay học lịch sử cháu sẽ làm bài tốt
hơn”.
Nhiều nhóm bạn trẻ cũng chọn nơi đây làm điểm tham
quan, theo bước chân cô thuyết minh viên qua từng phòng để nghe về những
năm tháng Bác sinh ra, lớn lên và hoạt động cách mạng... Có người bạn
quê Thái Bình vừa vào TP nên bạn Trần Thị Hạnh và Phạm Minh Hiền đã dẫn
bạn mình đến với bảo tàng. “Ở trường đại học tụi mình cũng có phong trào
học và làm theo lời Bác. Mình nghĩ hãy làm tốt từ những việc nhỏ nhất
cũng là điều Bác mong muốn vào thế hệ trẻ chúng mình” - Hiền chia sẻ.
Vào chung tốp của Hiền, Hạnh và Ngọc còn có nhóm bạn Hưng, Mạnh, Tùng...
đều là sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải (cơ sở 2) cũng đến
đây để nhớ về Bác trong ngày vui chung của cả nước.
Dòng cảm tưởng về Bác được các bạn trẻ đến bến Nhà Rồng
lưu lại tại sổ lưu niệm chất chứa nhiều tình cảm của người trẻ trong
ngày vui chung của dân tộc. Bạn Mai Phương, ĐH Sư phạm TP, viết: “Mỗi
con người đều có một lý tưởng sống, còn lý tưởng sống của Bác thật vĩ
đại vì nhân dân quên mình. Tôi chỉ mong một điều nhỏ là được giúp các em
học trò khuyết tật của mình được sống cuộc sống ấm no, hạnh phúc trọn
vẹn”.
Hay như chiến sĩ Triệu Văn Hòa sau khi tham quan bảo
tàng đã gửi niềm vui vào những nét chữ rằng mình rất tự hào khi là anh
bộ đội Cụ Hồ. Còn bạn Lê Xuân Hùng (Quảng Bình) nắn nót: “Hôm nay, sau
bao nhiêu mong ước, cháu đã được đến nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước.
Cháu là một người con của dân tộc Việt Nam, xin hứa từ nay cố gắng học
tập xứng danh cháu Bác Hồ”.
(Theo tuoitre.vn)