Nguy cơ thất bại Đề án ngoại ngữ quốc gia
Bút chấm đọc do Việt Nam sản xuất. Ảnh: Việt giải trí
Phương pháp mới trong dạy và học tiếng Anh được áp dụng thí điểm theo Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020. Nét đổi mới của đề án là giáo trình sẽ được số hóa (đi kèm theo cuốn sách là thiết bị nhận dạng và đánh giá ngữ âm). Thiết bị này là đề tài nghiên cứu của Viện Vật lý, được Bộ GDĐT thẩm định đạt chất lượng. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai thí điểm ở lớp 3 và lớp 4, đến lúc bắt đầu triển khai đại trà Nhà xuất bản Giáo dục lại không đồng ý in sách có phủ mã code theo chương trình thí điểm.
Theo Tiến sĩ Doãn Hà Thắng, Viện vật lý, Viện khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết: “Chúng tôi là nhà nghiên cứu, khi in chúng tôi yêu cầu ghi tên, nhưng Nhà xuất bản cho rằng như thế sai Luật xuất bản, tôi đi hỏi các nơi thì không sai, Nhà xuất bản lại cho mấy đơn vị Trung Quốc đưa bút chấm đọc vào làm hỗn loạn thị trường…”.
Giải thích về việc không in sách theo chương trình thí điểm, Nhà xuất bản Giáo dục cho rằng, trên thị trường còn có nhiều đơn vị khác đáp ứng được điều kiện cung ứng thiết bị này, vì vậy không thể chỉ phủ mã code theo đề tài của Viện Vật lý.
Ông Vũ Bá Khánh, TGĐ công ty CP Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội, Nhà xuất bản Giáo dục cho biết: “Quan điểm là phải xã hội hóa, chúng tôi đã tổ chức hội đồng nghiệm thu và chọn 5 đơn vị, đã cấp giấy chứng nhận và gửi xuống các Sở Giáo dục, có đơn vị, có sản phẩm chúng tôi tổ chức hội đồng nghiệm thu…”.
Tuy nhiên, theo Viện Vật lý, Hội đồng nghiệm thu của Nhà xuất bản Giáo dục không đủ thẩm quyền để nghiệm thu các thiết bị này, chức năng này thuộc Hội đồng thẩm định của Bộ GDĐT.
Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, Bộ GDĐT cũng cho biết: “Hiện nay có 5 đơn vị đăng ký, nếu đạt chuẩn thì sẽ đưa vào thị trường, các nhà sản xuất cứ đăng ký, còn Bộ chưa có một cuộc thẩm định chính thức nào để nói rằng chọn đơn vị nào”…
Kết quả là mặc dù chưa có sự thẩm định của Bộ, Nhà xuất bản Giáo dục đã in một số lượng lớn sách có phủ mã code của những đơn vị bên ngoài và tất nhiên, những cuốn sách này đã không thể sử dụng đồng bộ được thiết bị nhận dạng và đánh giá ngữ âm của Viện Vật lý.
Theo kế hoạch, năm 2011 toàn bộ sách giáo khoa tiếng Anh lớp 3 sẽ phải phủ mã code mở, nhưng vì chưa thống nhất trong quan điểm số hóa sách theo đơn vị nào, nên đã quá nửa năm 2012, học sinh vẫn chưa có giáo trình đạt chuẩn để học.
Đề án lớn này của ngành giáo dục đã được Thủ tướng phê duyệt với mức kinh phí hơn 9.000 tỷ đồng đang ở trong tình trạng: Thiết bị đã thẩm định đạt chuẩn thì không được số hóa, còn thiết bị chưa thẩm định thì lại tràn lan trên thị trường.
Đã 2 năm triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ quốc gia, nhưng cho đến nay, giáo trình tiếng Anh vẫn chưa được phủ mã code mở, điều này sẽ gây ra tình trạng mỗi sách được phủ một mã code khác nhau. Nếu như tình trạng các nhà sản xuất, nghiên cứu cung ứng thiết bị vẫn tiếp tục tranh cãi về quyền phủ mã code của mình, thì hậu quả là học sinh phải gánh chịu và đương nhiên Đề án ngoại ngữ Quốc gia sẽ khó có thể đạt được mục tiêu như đã đề ra.
(Theo vtv.vn)