Lỗ hổng văn hoá và sự ngộ nhận
Thực tình mà nói, ở nơi này nơi khác, công tác tuyển chọn, đào tạo biên tập viên còn bị xem nhẹ. Có những kiến thức sơ đẳng nhất mà biên tập viên cũng không phân biệt được rạch ròi cho nên mới để xảy ra những câu chuyện nghe như tiếu lâm trong làng văn nghệ.
Khi còn làm việc tại một công ty văn hóa giáo dục, tôi đã từng tham gia tổ chức bản thảo và biên tập một cuốn sách gồm những bài viết ghi lại hồi ức năm tháng công tác của các thầy cô giáo tại một trường trung học cơ sở. Trong đó có bài của một thầy giáo dạy toán, viết đầy tình cảm và giàu chất văn chương. Tôi vẫn còn nhớ một câu thầy giáo đó viết như sau: "Những đêm hè, dưới ánh trăng xanh, anh chị em giáo viên trẻ chúng tôi say sưa tham gia phong trào văn nghệ quần chúng".
Bản thảo gửi lên nhà xuất bản, sau khi nhận lại, tôi thấy biên tập viên gạch bỏ chữ "xanh" trong cụm "dưới ánh trăng xanh" mà thay vào đó là chữ "sáng". Tôi lấy bút gạch bỏ chỗ sửa của biên tập viên nhà xuất bản và đề nghị bộ phận kĩ thuật giữ nguyên. Tôi ghi lại bên lề trang bản thảo: "Đây là tác phẩm văn chương, không phải tác phẩm vật lí. Trăng xanh đã bao hàm cả trăng sáng. Trăng xanh mang tính nghệ thuật tạo ấn tượng hơn trăng sáng chỉ mang tính chất vật lí. Đề nghị biên tập viên nhà xuất bản giữ nguyên theo bản thảo". Cuối cùng, sách in ra, cụm "dưới ánh trăng xanh" được giữ nguyên theo yêu cầu của tôi.
Một lần, tôi được mời viết bài về cuốn sách chân dung một vị Bộ trưởng nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông vào cuối năm 2011. Sau khi bản thảo hoàn thành, đại diện gia đình vị Bộ trưởng đó mang toàn bộ bản thảo cuốn sách đã được Tổng biên tập nhà xuất bản kí duyệt nội dung để tôi xem. Khi kiểm tra, tôi thấy bút tích của biên tập viên sửa trong bài viết của tôi sai hoàn toàn. Tôi đề nghị gia đình có ý kiến lại với nhà xuất bản để xử lí trước khi sách in ra, tránh sai sót gây ảnh hưởng đến tác giả và quan trọng hơn là đến nội dung cuốn sách. Sai sót đó cụ thể như sau:
Thời thơ ấu, vị Bộ trưởng đó phải đi ở cho nhà giàu: nấu cơm, quét nhà, giặt giũ và đặc biệt tối nào cũng vậy, sau khi cơm nước dọn dẹp xong là cậu cầm quyển "Truyện Kiều" lên nhà đọc cho ông bà chủ hết tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Một hôm, ông chủ nhà rít xong hơi thuốc lào trên cái điếu bát liền cất tiếng hỏi: "Hôm trước đọc Kiều đến đoạn nào rồi?". Cậu khoanh tay trước ngực, lễ phép nói đã đọc đến đoạn Thúy Kiều gặp Từ Hải. Bà chủ nhà vừa têm miếng trầu vừa hắng giọng yêu cầu đọc lại đoạn đó. Cậu cất giọng đọc: "Lầu thâu gió mát trăng thanh/ Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi/ Râu hùm, hàm én, mày ngài/ Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao".
Trong bản thảo, tôi thấy bút tích của biên tập viên nhà xuất bản thay chữ "biên" bằng chữ "bên", mất một chữ "i" (i ngắn), "biên đình" đã thành "bên đình". Có lẽ biên tập viên không hiểu "biên đình" là gì, mà nghĩ đơn giản đó phải là "bên đình", tức là Từ Hải đi từ bên đình này sang bên đình kia để gặp Thúy Kiều chăng?
Học giả Đào Duy Anh trong công trình "Từ điển Truyện Kiều" (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1974, tr. 35) giải thích như sau: "Biên đình: Chỉ miền biên thùy, vốn nghĩa là triều đình cát cứ ở biên thùy.Vd: Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi".
Biên tập viên có thể không cần dùng đến "Từ điển Truyện Kiều" (hiện đã có các bản in tái bản tại Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin 2006 và Nhà xuất bản Giáo dục 2010) nhưng có thể cẩn trọng tra cứu các văn bản "Truyện Kiều" đủ tin cậy được các nhà xuất bản và các chuyên gia nghiên cứu "Truyện Kiều" như Đặng Thanh Lê, Nguyễn Thạch Giang… khảo đính và chú giải.
 |
Sách được xuất bản ngày một nhiều nhưng về sự cẩn trọng trong biên tập thì thua xa thời bao cấp. Ảnh: Quốc Anh. |
Viết đến đây, tôi chợt nhớ lại một câu chuyện đã từng được giới văn nghệ truyền tụng. Khi đọc đến mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài "Sáng tháng năm": "Ôi cái tên kính yêu Hồ Chí Minh/ Trong sáng lòng anh du kích/ Nửa đêm bôn tập diệt đồn", biên tập viên không hiểu nghĩa của từ "bôn tập" là gì, đã sửa thành: "Nửa đêm biên tập diệt đồn". Lẽ ra, nếu biên tập viên đó thêm một thao tác rất nhỏ là tra "Từ điển tiếng Việt" thì không đến nỗi "hạ sát" thơ theo kiểu "Nửa đêm biên tập diệt đồn" như thế.
Vẫn trong bài về vị Bộ trưởng nói trên, tôi viết đoàn học trò cũ đến chúc Tết nhà thầy đồ. Ba gian nhà nhỏ đơn sơ với cái cổng gỗ trông ra ao, hai cánh gỗ dán hai tờ giấy đỏ với nét bút cuồng phóng viết chữ thảo đề bài thơ và cũng là bài kệ vịnh cảnh mùa xuân của Mãn Giác thiền sư đời Lý "Cáo tật thị chúng" (Có bệnh bảo mọi người): "Xuân khứ bách hoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai/ Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tòng đầu thượng lai/ Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai".
Dịch thơ: "Xuân đi trăm hoa rụng/ Xuân đến trăm hoa cười/ Trước mắt việc đi mãi/ Trên đầu, già đến rồi/ Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai" (Thích Thanh Từ dịch).
Hai chữ "Dịch thơ" của tôi được biên tập viên sửa lại thành "Dịch nghĩa". Vì đã có chữ ký duyệt của Tổng biên tập nhà xuất bản nên tôi không gạch bỏ mà lấy bút đánh dấu lại để đề nghị biên tập viên giữ nguyên chữ trong bản thảo là dịch thơ.
Đây là bài kệ, là bản dịch thơ do Thượng tọa Thích Thanh Từ dịch. Biên tập viên không hiểu về thể loại "kệ" nên nghĩ rằng bản phiên âm là ngũ ngôn, văn bản dịch không có vần vè của thơ thì tất phải là dịch nghĩa, chứ không phải dịch thơ.
Tác giả Thảo Nguyên trong bài "Anh hùng Đặng Tính - Ông thợ cắt tóc trên đỉnh Trường Sơn" in trên tờ Đang Yêu, số 66, ra ngày 17/8/2012, viết: "Gia đình Đại tá Đặng Tính (nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân - MK) kể rằng, hôm 3/3 âm lịch, nhằm ngày "giết sâu bọ", mấy mẹ con đang làm bánh trôi bánh chay thì thấy cả Tư lệnh và Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân đến nhà…".
Ngày 3/3 âm lịch mà có làm bánh trôi bánh chay thì không thể gọi là ngày "giết sâu bọ". Ngày giết sâu bọ là ngày 5-5 âm lịch, còn gọi là Tết Đoan Ngọ hay Đoan Nguyên, vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục phòng bệnh theo quan niệm truyền thống. Phổ biến rộng rãi nhất là cả nhà cùng dậy từ sớm, ăn những thứ quả chua, rượu nếp… để diệt trừ sâu bọ và xua đuổi bệnh tật. Người xưa cho rằng, bộ phận tiêu hoá của con người thường có các loại sâu bọ gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mồng 5/5 âm lịch chúng mới ngoi lên, vì thế ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp để diệt sâu bọ. Bên cạnh đó còn có các tục như nhuộm móng chân, móng tay, tục khảo cây lấy quả, tục treo ngải cứu để trừ tà...
Còn ngày 3/3 âm lịch gọi là Tết Hàn Thực (nghĩa là đồ ăn lạnh). Điển cũ ghi lại: Tấn Văn Công những năm sống lưu vong có một mưu sĩ là Giới Tử Thôi đã lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Hoạn nạn qua đi, Tấn Văn Công lên ngôi, ban thưởng cho mọi người nhưng quên mất Giới Tử Thôi. Không một lời oán thán, Giới Tử Thôi đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Về sau Tấn Văn Công nhớ đến ơn cũ, cho người đến mời nhưng Giới Tử Thôi nhất định không ra. Vua hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra khỏi núi Điền Sơn để lĩnh thưởng. Cả hai mẹ con Giới Tử Thôi đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày (khoảng từ mồng 3 đến mồng 5-3 âm lịch hằng năm), dân chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm.
Người Việt Nam cũng ăn Tết Hàn Thực ngày 3-3 âm lịch, nhưng chỉ làm bánh trôi bánh chay thế cho đồ lạnh để cúng gia tiên, chứ không phải tưởng nhớ gì đến Giới Tử Thôi và vẫn nấu nướng bình thường chứ chẳng có kiêng khem gì.
Còn nhiều lỗi khác trong một số cuốn sách, trang báo… nhưng tôi chỉ dẫn ra đây một vài ví dụ để mong đội ngũ biên tập viên và những người làm công việc đọc mo-rát ở các cơ quan xuất bản, báo chí lưu ý hơn. Tốt nhất là xử lý hạn chế đến mức tối đa nhất các lỗi trước khi sản phẩm văn hóa đến tay bạn đọc. Tôi được biết, ở một số tờ báo còn có đội ngũ "tỉnh táo viên" nhằm kiểm tra xem phóng viên, cộng tác viên có cóp nhặt bài viết trên các trang báo bạn hay không. Nếu có thể, hãy bổ sung vào đội ngũ "tỉnh táo viên" một bộ phận làm thêm chức năng "nhặt sạn" các kiến thức về văn hóa giúp biên tập viên và đó cũng là giúp cho bạn đọc được hưởng thụ những sản phẩm văn hóa chất lượng cao hơn

(Theo vnca.cand.com.vn)