Mai
Sơn, sinh năm 1956, là tác giả của bốn tập truyện ngắn, biên soạn, dịch
gần mười đầu sách triết, văn học, lý thuyết. Ông đang là trưởng ban Tu
thư của đại học Hoa Sen, TP.HCM.
|
Đồng hiện, kéo thời gian ký ức về hiện tại, nối kết
các tình huống chiến tranh, chia cắt về với những chuyện thời bình;
những cuộc đổ vỡ, sang chấn được triển khai trên mạch truyện nhiều đứt
gãy, phi lý... phải chăng truyện Đắm (85 trang) trong cuốn sách
này xuất phát từ một ý tưởng tiểu thuyết về tình yêu thời hậu chiến,
hơn thế, là một ý định cách tân về kỹ thuật viết?
Người ta đang háo hức chờ đợi những tác phẩm lớn, xứng
đáng với cuộc chiến tranh vĩ đại. Tôi biết mình không xứng đáng được kỳ
vọng nên chỉ viết về một khía cạnh nhỏ, một bi kịch nhỏ nhặt thời hậu
chiến. Một câu chuyện về sự đổ vỡ, mặc cảm, thất bại, bất lực, mất mát.
So với thời viết truyện ngắn Vật lạ ở trên đầu (tập truyện ngắn, NXB Trẻ, 1998) từng gây chú ý, có cảm giác từ giai đoạn viết Hư cấu
(tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà Văn, 2004) đến nay ông viết văn trong tâm
trạng buồn bã hơn. Nói vậy là vì cuốn sách mới của ông dù đậm đặc nhục
cảm song rất tiết chế, ít thấy sự hài hước...
Bằng sự tố cáo trực diện hay thông qua ẩn dụ một cuộc
sống không đáng sống, các nhà văn tưởng mình có một sức mạnh nào đó. Rồi
hả hê chăng? Thực ra chỉ có nỗi buồn. Đọc Hang ổ của Kafka,
các chuyên gia có thể tỉnh táo đào sâu những tầng lớp thẩm mỹ, nhưng
cũng có độc giả bình thường, không biết gì về kafkaesque (tính Kafka –
NV), vẫn tự nhiên ứa nước mắt. Nếu ít tài năng, văn học có lẽ chỉ nên lo
sửa sang nỗi buồn, mái nhà riêng của nó.
“Sau chiến tranh là tình dục” – tôi không nhớ đã đọc được ý đó của ai, ở đâu. Song hình như các nhân vật của ông trong Đắm & những truyện ngắn khác đang được đặt trong tâm thế đó?
Chiến tranh từ xưa đến nay đã nhào nặn và làm nát bét
cả khuôn mặt địa cầu và khuôn mặt nhân loại, nên sẽ rất bình thường khi
tâm thức và chân dung những người Việt Nam bị bóp méo sau những cuộc
chiến khốc liệt. Nếu mình là thiên tài duy mỹ (hay thiên tài vô cảm?)
như Vladimir Nabokov khi miệt mài làm thơ mặc cho bên ngoài cửa sổ nhà
ông đang diễn ra một cuộc giao tranh đẫm máu của cách mạng Nga (Azar
Nafisi, 2003, Reading Lolita in Tehran) thì đã khác.
Còn tình dục là cả một chiến trường. Lao vào nó hay tìm
cách phớt lờ nó đều đòi hỏi một sức mạnh tinh thần (và thể lực) to lớn.
Các nhân vật của tôi đơn giản đều là nạn nhân của hai thế lực này. Họ
đắm trong những tình huống của hậu quả chiến tranh và tình dục.
Vẫn gặp đâu đó những nhân vật mê đọc triết, thích
nói triết và thậm chí, làm tình, nói chuyện giường chiếu có ám ảnh triết
trong tập truyện này. Đâu là khoảng cách giữa sự chủ động hư cấu và
“hiện thực” mang màu sắc tự thuật?
Tôi dám chắc là hiện nay bất cứ ai đang sống ở Việt Nam
đều phải cố gắng triết lý hàng ngày (nói năng nôm na hay hành động lì
lợm) để tìm cách hư vô hoá bi kịch hiện thực. Đó là bất hạnh của những
kẻ bị đánh cắp chút hạnh phúc đơn sơ, giản dị (ngắm giọt sương ban mai,
chẳng hạn) như nhiều người mong đợi.
Văn xuôi là bất kỳ hiện thực nào được “nắn nót”, tức là
nỗ lực về thi pháp, từ cấp độ câu, đoạn đến cấp độ một cuốn sách. Nếu
ta thấy có sự “nắn nót” ở cấp độ cuốn sách (như tiểu thuyết Khi tôi nằm chết
của William Faulkner, chẳng hạn), thì ta không cần xét đến tính văn
chương của từng câu văn nữa, mà muốn tìm cũng chẳng có. Và ngược lại.
Vậy nên chưa chắc nét đẹp thi pháp nào – các đoạn văn hay hay “cấu trúc –
tư tưởng – câu chuyện” đẹp của cuốn sách – đáng ao ước hơn. Vấn đề là
nhà văn bị mê hoặc bởi cái gì để có thể theo đuổi đến dòng cuối cùng? Cả
cuốn sách hay từng đoạn văn? Ngoài ra, trong thời đại mà trí tưởng
tượng bị thách thức từng phút thì nếu nhà văn hư cấu không khéo (tức là
thiếu nắn nót) rất dễ bị cho là… bịa tạc.
(Theo sgtt.vn)