Lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò
Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Phan Trung Lý nêu rõ mục đích của đề án
là: Để QH, HĐND thay mặt nhân dân giám sát những người giữ các chức vụ
do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm
vụ, quyền hạn được giao. Đồng thời, kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ
phiếu tín nhiệm được sử dụng làm cơ sở để Đảng, Nhà nước thực hiện công
tác quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng
người, đúng việc; kịp thời đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những người tín
nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ được giao mà không phải chờ đến
hết nhiệm kỳ...
Nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ “lấy” phiếu tín nhiệm với “bỏ” phiếu
tín nhiệm? Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng giải thích: “Giữa lấy phiếu và
bỏ phiếu có một không gian, quy trình khác nhau - là các bước đi đến kết
quả cuối cùng - là còn dùng ông này hay không dùng nữa. Lấy phiếu là để
thăm dò, bỏ phiếu là để đồng ý còn giữ hay thôi. Thăm dò là bước đầu để
sang bỏ phiếu, nhưng bỏ phiếu rồi còn phải làm một thủ tục nữa là bãi
nhiệm, miễn nhiệm. Hằng năm lấy phiếu để thăm dò, để ĐBQH và HĐND thể
hiện mức độ tín nhiệm của mình. Nhưng hằng năm chưa đủ không gian thời
gian để bỏ phiếu tín nhiệm. Nên thăm dò 2 lần mà không đủ tín nhiệm thì
đưa sang làm thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm... Mức độ thăm dò có 3 mức độ,
nhưng sang thủ tục bỏ phiếu thì chặt chẽ hơn (chỉ còn có 2 mức: Tín
nhiệm hay không tín nhiệm). Kết quả thăm dò là một trong những căn cứ để
bỏ phiếu, quy trình chặt chẽ hơn và hậu quả của nó nặng nề hơn. Đã
không tín nhiệm thì phải trình ra QH thủ tục thay thế, hoặc cộng thêm
những vấn đề khác nữa thì trình ra QH bãi miễn”.
Thu hẹp chức danh lấy phiếu tín nhiệm?
Báo cáo tóm tắt được trình bày tại phiên họp đặt ra phương án là đối
tượng được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm chỉ tập trung vào một số người giữ
chức vụ chủ chốt... Phương án này được nhiều ý kiến ủng hộ và đánh giá
là có ưu điểm: Đối tượng được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm chỉ tập trung
vào một số người giữ chức vụ chủ chốt, phù hợp với yêu cầu tổng quát của
Nghị quyết Trung ương 4 là tập trung vào các chức danh lãnh đạo, quản
lý các cấp. Nhiệm vụ, quyền hạn của những người này cũng đều được quy
định cụ thể trong Hiến pháp và luật nên ĐBQH, HĐND có cơ sở thuận lợi để
đánh giá, thể hiện tính khả thi, không dàn trải, tránh hình thức. Tuy
nhiên cũng có hạn chế là chưa bao quát hết, hay nói cách khác là thu hẹp
phạm vi lấy phiếu tín nhiệm những người giữ các chức vụ do QH, HĐND bầu
hoặc phê chuẩn.
Chủ nhiệm UB Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Đào
Trọng Thi cho rằng: Lấy phiếu tín nhiệm gắn với đánh giá cán bộ hằng
năm, nên phải làm với tất cả mọi người, chỉ có điều khác nhau là phải
phân cấp. Có nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm cần lấy phiếu tín nhiệm đối
với “toàn bộ” những người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn,
bởi có những ưu điểm là thể hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của QH,
HĐND, với tư cách là các cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa
phương, thay mặt cử tri xem xét, đánh giá mức độ tín nhiệm này với tất
cả các chức danh do mình bầu hoặc phê chuẩn.
Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai ủng hộ việc chỉ lấy
phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt. Song, bà Mai nói thêm:
Trong trường hợp cần thiết nếu QH yêu cầu phải thực hiện lấy phiếu tín
nhiệm hết các chức danh thì phải làm.
Cũng có ý kiến đề nghị lấy phiếu tín nhiệm bất thường đối với những
người để xảy ra những ảnh hưởng lớn, nghiêm trọng, không còn uy tín
trong dân.
Cần có văn hóa từ chức
Theo dự thảo đề án, việc xác định kết quả lấy phiếu tín nhiệm căn cứ vào
số phiếu được kiểm. Mức độ tín nhiệm thể hiện theo ba mức độ:
“Người được tín nhiệm cao”, “Người được tín nhiệm” và “Người được tín
nhiệm thấp”. Tuy nhiên, trong thảo luận, bà Trương Thị Mai và đa số ý
kiến khác đề nghị chỉ nên đặt ra hai mức độ là “tín nhiệm” và “không
tín nhiệm”. Bà Mai cho rằng đưa ra nhiều mức độ tín nhiệm rất dễ cảm
tính nếu tiêu chí áp dụng không tương ứng, và cộng với tâm lý duy tình
của người VN thì khó mà chuẩn xác trong đánh giá tín nhiệm. Chủ nhiệm UB
Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề khác: Nếu thấy không
đảm bảo được nhiệm vụ, không đủ tín nhiệm... thì nên có văn hóa từ
chức.
Về thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, Dự thảo đề án cũng đang có 2 phương
án. Phương án 1, quy định việc lấy phiếu tín nhiệm cần được tiến hành
định kỳ hằng năm theo đúng tinh thần của NQTW 4. Phương án 2, quy định
QH, HĐND các cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ
vào thời gian giữa và cuối nhiệm kỳ của QH và HĐND các cấp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Có thể không cần lấy tín nhiệm lần hai?
“Luật Tổ chức Quốc hội
cũng như Luật giám sát đã có quy định rõ. Nhưng lấy phiếu tín nhiệm thì
trong NQ trung ương 4 nói sau 2 lần liên tiếp mà số phiếu tín nhiệm thấp
thì cho thôi chứ không cần hết nhiệm kỳ. Nếu 2 lần lấy tín nhiệm thấp
thì có thể chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm theo Đề án. Tuy nhiên, qua 1
lần lấy phiếu tín nhiệm mà tín nhiệm thấp thì cũng chuyển sang UB TVQH
hoặc chủ thể nào đó của QH có thể đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm luôn chứ
không phải chờ 2 lần lấy phiếu tín nhiệm. Thứ nữa là bất cứ lúc nào nếu
có 1 trong 3 chủ thể (QH, UBTV QH, các uỷ ban và hội hội đồng dân tộc)
đề nghị thì cũng tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm”.
Đ.L.T (lược thuật)
|