Tô Hoài tên thật là Nguyễn
Sen. Ông sinh năm 1920, trong một gia đình thợ thủ công tại thị trấn
Kim Bài (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Tuổi thơ của ông gắn liền với quê
ngoại là làng Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, HN). Ông đã sớm phải lao động vất
vả khi trưởng thành và làm qua nhiều nghề để kiếm sống: Dạy trẻ, bán
hàng, hiệu buôn... Thậm chí, ông từng có thời gian dài thất nghiệp
trước khi tham gia Hội Văn hóa cứu quốc (1943).
Tuổi thơ gắn bó với làng quê đã sớm bồi đắp trong con người Tô Hoài
những tình cảm đặc biệt với quê hương, nhất là với cảnh đồng quê, cây
cỏ... Và ông tìm tới văn chương để được giãi bày tình cảm đó. Đến với
văn chương, ông nhanh chóng được người đọc chú ý, nhất là với truyện “Dế
mèn phiêu lưu ký” (sáng tác năm 1941) - tác phẩm làm nên tên tuổi của
nhà văn. Cũng từ đây, ông bắt đầu gây được sự quan tâm đặc biệt ở tầng
lớp độc giả nhí. Nói về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, nhà văn chia sẻ:
“Tôi sống ở quê ngoại với ông bà và các cô, các cậu. Quê ngoại tôi nằm
bên sông Tô Lịch. Chúng tôi thường đi bắt dế về chọi, rồi nuôi dế... Con
dế mèn thấm vào hồn tôi từ tuổi ấu thơ...”.
Chú dế mèn ngày nào của ông đã đi qua nhiều nước trên thế giới. 37 nhà
xuất bản trên thế giới đã in “Dế mèn phiêu lưu ký”, nhiều nhất là bản
tiếng Nga, rồi tới 6 lần “Dế mèn phiêu lưu ký” được dịch ra tiếng Pháp. Ở
Đức, khi dịch tác phẩm này, họ còn cẩn thận đến mức in kèm theo một
cuốn sách khoa học về loài dế.
Cùng với “Dế mèn phiêu lưu ký”, Tô Hoài đã tạo dựng được một khối lượng
tác phẩm lớn mà đối tượng được ông hướng đến chính là thiếu nhi: “Hoa
râm bụt - hoa hồng bụt”, “Tấm Cám”... Theo bước chuyển của lịch sử,
những năm kháng chiến, Tô Hoài luôn bám sát với đời sống thực tế, kịp
thời phản ánh những biến cố lớn của dân tộc thông qua hàng loạt các tác
phẩm nổi tiếng: Tập “Truyện Tây Bắc”, “Ba người khác”... Trải qua nhiều
cương vị quan trọng: Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, Tổng Thư ký Hội Nhà
văn VN..., ông vẫn luôn đi nhiều và viết khỏe. Mỗi tác phẩm của ông lại
là một sự trải nghiệm mới, thú vị. Hơn nửa thế kỷ sáng tác, ông đã cho
ra đời khoảng 200 tác phẩm, trong đó có hơn một nửa là những sáng tác
viết cho thiếu nhi và mảnh đất, con người Hà Nội.
Với những đóng góp cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật, ông đã vinh dự
được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT (1996); Giải thưởng
Hội Văn nghệ Hà Nội; Giải thưởng Thăng Long; danh hiệu “Công dân ưu tú
Thủ đô 2011”. Ông đã được tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu
Hà Nội năm 2010...
Dù đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu
viết về Thăng Long - Hà Nội. Đồng thời có kế hoạch in lại các tác phẩm
kể chuyện về Thăng Long xưa. Nhà văn tâm sự: “Tôi vẫn viết, chỉ có điều
dạo này tự cảm thấy sức sáng tạo có kém đi. Cũng dễ hiểu thôi. Tôi phải
viết, là bởi có nhiều thôi thúc bên trong”.