Ông Lê Khắc Niên - một nhà
nghiên cứu trẻ từng làm việc tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (TP.Đà
Lạt, Lâm Đồng) - khẳng định: “Trong khối mộc bản triều Nguyễn đang được
lưu trữ tại trung tâm, có một bản khắc nguyên văn bài thơ “Nam Quốc sơn
hà” - một bài thơ có vị trí đặc biệt trong nền văn học trung đại VN và
nhất là trong đời sống tinh thần và tâm linh người Việt”, bài thơ được
xem là tuyên ngôn độc lập đầu tiên của VN. Hiện ông Niên còn lưu giữ khá
nhiều ảnh tư liệu về tấm mộc bản có khắc bài thơ “Nam Quốc sơn hà” ấy.
Tư liệu quý
Theo ông Lê Khắc Niên, bản khắc bài thơ
“Nam Quốc sơn hà” thuộc khối mộc bản của bộ sách “Đại Việt sử ký toàn
thư” chỉ có một trang (một bản khắc) là trang thứ 9 của quyển 3 viết về
thời Lý Nhân Tông. Bản khắc bài thơ “Nam Quốc sơn hà” còn khá rõ ràng,
toàn văn bài thơ cho đến giờ vẫn còn sắc nét.
Khối mộc bản hiện được bảo quản tại
Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (nằm trên đường Yết Kiêu, TP.Đà Lạt) có
nội dung khá phong phú, ghi lại khá đầy đủ lịch sử thời nhà Nguyễn và cả
lịch sử của một số triều đại khác như Minh Mạng, Thiệu Trị... Trong đó,
“Đại Việt sử ký toàn thư” là bộ sách lịch sử được viết dưới thời hậu Lê
được khắc lại nguyên văn trong khối mộc bản này. Theo đó, trong 34.618
tấm mộc bản triều Nguyễn hiện được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc
gia IV, chỉ có một bản khắc bài thơ “Nam Quốc sơn hà”. Và, đây là bản
khắc gỗ duy nhất trong khối mộc bản hiện có ở VN.
Cần... hiểu lại “Nam Quốc sơn hà”
Ông Lê Khắc Niên lưu ý: “Cho dù bài thơ
được khắc ở thời hậu Lê hay thời Nguyễn thì cho đến lúc này, đây vẫn là
bản khắc gỗ cổ nhất của “Nam Quốc sơn hà”. Và, điều đáng quan tâm, theo
nguyên văn của bản khắc gỗ này thì xem ra từ trước đến nay nhiều người
đã dịch chưa thật sát nghĩa một số từ trong bài thơ, và vì vậy mà nghĩa
của bài thơ cũng bị hiểu chưa thật đúng”.
Trên tấm mộc bản triều Nguyễn khắc
nguyên văn bài thơ “Nam Quốc sơn hà” ở câu thứ hai có nguyên văn là
“Tiệt nhiên phân định tại thiên thư” chứ không phải “Tiệt nhiên định
phận tại thiên thư” như một số tác giả xưa nay đã chép lại, ghi lại
trong các sách giáo khoa, thư tịch... Ông Niên nói: “Trong chữ Hán, từ
“phân định” với ngữ cảnh “tại thiên thư” được hiểu là điều hiển nhiên
được phân chia ở “sách trời”; còn nếu là “định phận” thì lại có nghĩa
được thừa hưởng một ân huệ của “sách trời”. Như vậy, chỉ với hai từ
thôi, nhưng ý nghĩa của “định phận” đã giảm đi nhiều so với “phân
định”!”.
Rồi nữa, thêm kiểu dịch từ “đế” thành
“vua” hay dịch “đế” là... “đế” (ở câu thơ thứ nhất “Nam Quốc sơn hà Nam
đế cư”), như lâu nay thường thấy, cũng là chuyện đáng bàn. Ông Lê Khắc
Niên giải thích: “Hầu hết trong sách giáo khoa của ta hiện nay đều dịch
câu “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư” thành “Sông núi nước Nam vua Nam ở”. Chữ
“đế” ở đây mà dịch là “vua” thì không sát nghĩa. Bởi, trong lịch sử dân
tộc, các bậc nắm quyền điều khiển vận mệnh quốc gia thường xưng “hoàng
đế”, viết (nói) tắt là “đế”. Hoàng đế là ngôi cao nhất. Người ở ngôi
hoàng đế có quyền phong cho người khác làm “vua”. Trong khi, vua không
có quyền phong cho ai làm... hoàng đế. Bởi vậy, dịch “đế” thành “vua”
như lâu nay thì chưa thể hiện hết sự tự tôn và tự tin rất mạnh mẽ của
cha ông ta”.
Theo ông Lê Khắc Niên, qua tấm mộc bản
duy nhất còn được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV có khắc
nguyên văn “Nam Quốc sơn hà” thì bài thơ có thể dịch lại: “Sông núi nước
Nam, Nam đế ở/Rành rành phân định ở sách trời/Cớ sao lũ giặc dám xâm
phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.