Trong căn nhà 177A1 Trần Văn Đang (phường 11, quận 3) tràn ngập sản phẩm
bằng đồng chạm khắc tinh xảo, ông Nguyễn Vinh Hiển (60 tuổi, quê gốc
làng Ngũ Xã - Hà Nội) đưa chúng tôi về với ký ức xưa. Năm 1955, lúc đó
ông mới tròn 3 tuổi đã theo bố mẹ và ông bà ngoại vào vùng đất Cống Bà
Xếp (nay gọi là khu Hòa Hưng, quận 3) để mưu sinh. Có 5 gia đình khác
trong làng Ngũ Xã cũng di cư trong đợt này. Ban đầu cả 6 gia đình không
có tiền mở xưởng đúc, nên được thương nhân Trung Quốc thuê đúc đồng tam
khí theo hình thức lấy công làm lời. Ông Hiển được gia đình truyền nghề
cũng chính từ những ngày gian khó đó.

60 tuổi, ông Nguyễn Vinh Hiển vẫn cặm cụi với nghề tổ.
Đến khoảng năm 1970, những sản phẩm thủ
công do những người gốc làng Ngũ Xã làm ra đã được khắp nơi biết đến,
dần dần hình thành nên làng nghề đúc đồng Hòa Hưng nức tiếng cả vùng đất
phía Nam. Làng nghề này không chỉ đúc đồng tam khí mà còn phát triển
thêm hình thức đúc đồng đỏ nguyên chất có giá trị cao hơn. Nhờ vậy, mỗi
lò đúc của một gia đình từ vài chục mét đã mở rộng lên vài trăm mét, từ
hai lò (lò nung và lò khuôn tạo hình) đã nhân rộng lên cả chục lò, nhân
công lên tới vài chục người, mỗi ngày nung cả vài trăm kilôgam đồng… Đây
cũng được xem là quãng thời gian thịnh hành nhất của làng nghề đúc đồng
Hòa Hưng xuất phát từ những nghệ nhân làng Ngũ Xã.
Giữ gìn tinh hoa nghề cổ
"Thợ làng nghề Hòa Hưng vẫn giữ những nét riêng của làng nghề tổ Ngũ Xã -
một trong bốn nghề tinh hoa bậc cao của Thăng Long ngày xưa. Đến tận
bây giờ chúng tôi vẫn tạo hình bằng khuôn đất sét và đúc thủ công. Mỗi
sản phẩm làm ra đều theo các khuôn mẫu riêng", ông Hiển nói.
Muốn trở thành một người thợ đúc đồng giỏi phải thành thục 5 quy trình
gồm: Kỹ thuật làm mẫu; tạo khuôn; pha chế đồng, nấu đồng và rót đồng;
sửa nguội; chạm khắc và đánh bóng… Khó nhất là kỹ thuật tạo hình, có khi
cả tháng trời không ăn không ngủ để nghĩ ra ý tưởng cho một sản phẩm.
Chưa hết, để làm ra một chiếc đỉnh đồng cao khoảng 50cm mất ít nhất một
tháng và công đoạn đúc đã chiếm nửa thời gian. Rót đồng vào khuôn cũng
phải hết sức kinh nghiệm mới thành công. Phải để đồng thoáng và trong
bằng cách gạt hết bã, sau đó mới rót vào khuôn. Rót phải đều tay, không
được ngắt quãng, nhưng phải biết lúc nào cần phải ngừng. Như vậy các sản
phẩm khi làm ra mới sáng một cách tự nhiên, càng lâu năm càng sáng
bóng.
Đối với loại đồng vàng tam khí, chỉ cần nung bằng than củi bình thường
với nhiệt độ trung bình khoảng 500 - 600 độ C. Tuy nhiên, đúc đồng đỏ
nguyên chất thì phải dùng than đá với nhiệt độ trên 800 độ C. Với các
sản phẩm chỉ cần vài chục kilôgam đồng trở xuống chỉ cần nung trong vòng
3-5 giờ đồng hồ, nếu vài trăm kilôgam đồng thì phải nung 8-12 giờ.
"Nhiều sản phẩm như đỉnh đồng hay tượng Phật, sau khi đã được chạm khắc
và đánh bóng còn phải đính các lõi bạc lên mỗi sản phẩm để tạo thẩm mỹ.
Làm sao khi mỗi bức tượng được làm ra phải có hồn, phải sống động thì
mới đạt đến độ tinh xảo - ông Hiển cho hay.
Khắc khoải lớp hậu thế
Làng nghề đúc đồng Hòa Hưng đến nay đã trải qua 57 năm. Thế nhưng, hiện
cả làng, từ hàng chục người làm nghê, nay chỉ còn hai người là ông Hiển
và vợ là bà Vũ Thị Mùi (55 tuổi) cặm cụi với nghề tổ giữa Sài thành sôi
động. Ba người con của ông dù được truyền nghề từ lúc trên 10 tuổi nhưng
giờ đều bỏ cuộc bởi ai cũng có một công việc cho thu nhập cao hơn. Chỉ
những lúc rảnh rỗi, ba người con mới về nhà giúp bố mẹ làm những sản
phẩm đồng truyền thống.
Ông Hiển tâm sự rằng, quy ước xưa của làng nghề là không truyền nghề cho
người ngoài. Tuy vậy, trước nguy cơ thất truyền ông đã tìm được vài
người trẻ để truyền nghề. Buồn thay, sau vài năm gắn bó, những người trẻ
đó đã bỏ nghề do không chịu được vất vả, hoặc không đủ kiên nhẫn để
học. "Chắc khoảng hai năm nữa tôi cũng phải nghỉ vì sợ không còn đủ sức
khỏe. Nhưng tôi sẽ viết cuốn gia phả của làng nghề đúc đồng Hòa Hưng,
nêu hết các kỹ thuật, bí quyết… để lớp hậu thế sau này nếu còn tâm huyết
sẽ tìm đến mà học, mà giữ gìn và phát triển nghề!" - ông Hiển đau đáu
nói.