Thứ năm, 27/09/2012 09:04
Ba "ông Tam Đa" của văn học (hay là chuyện "đọc, đi và suy ngẫm"
Cách đây hơn hai thế kỷ nhà bác học Lê Quí Đôn đã nói: "đọc - đi và đàm đạo là ba ông Tam Đa của văn học"...
Năng lực sáng tạo là một trong những phẩm chất tâm lý đặc biệt của con người. Nó không chỉ phụ thuộc vào thành tố sẵn có (thiên bẩm), mà còn phụ thuộc rất nhiều vào quá trình rèn luyện của cá nhân. Đối với những nhà văn nhà thơ (sau đây xin được gọi chung là người viết), năng lực sáng tạo là tổng hợp của những thuộc tính tâm lý như: óc quan sát, cảm xúc, tư duy, tưởng tượng, sự nhạy cảm về ngôn ngữ, sức tập trung chú ý, hành vi, trí nhớ… v.v… Đây chính là điều kiện tiên quyết để người viết cho ra đời những tác phẩm văn chương. Xét về mọi bình diện thì hoạt động sáng tác của người viết là sự tổng hợp giữa các hoạt động lý luận và thực tiễn, hoạt động ý thức và vô thức, hoạt động tư duy và hoạt động giao tiếp. tất cả những hoạt động này luôn tương tác, hô ứng, bổ sung, hỗ trợ, giúp nhau phát triển không ngừng. Cách đây hơn hai thế kỷ nhà bác học Lê Quí Đôn đã nói: "đọc - đi và đàm đạo là ba ông Tam Đa của văn học".
Chính vì vậy có thể khẳng định, nếu những yếu tố bẩm sinh của năng lực sáng tạo văn học như: cấu trúc não, cấu trúc giải phẫu sinh lý các giác quan... là điều kiện cần, thì các yếu tố "đọc, đi, quan sát, suy ngẫm" là điều kiện đủ để năng lực sáng tạo có thể thăng hoa thành tác phẩm văn chương.
Một người viết lười đọc, ngại đi, không chịu quan sát, không chịu suy ngẫm, dù thiên bẩm năng khiếu có hơn người thì năng lực sáng tạo văn chương trước sau gì cũng bị mài mòn và thui chột.
Con đường để các kinh nghiệm xã hội lịch sử đó chuyển thành kinh nghiệm của cá nhân người viết có thể thông qua nhiều con đường và một trong những phương pháp hiệu dụng nhất là: Hành động Đọc. Bởi vì "sách chính là con thuyền chở tri thức của nhân loại lênh đênh từ thế hệ này sang thế hệ khác, giúp cho con người có thể "ôn cố - tri tân, đàm thiên, thuyết địa, luận nhân" hơn thế nữa có thể tiên liệu cả tương lai.
Trong điều kiện bùng nổ các phương tiện truyền thông như hiện nay, có thể khẳng định rằng đọc sách vẫn là hình thức không thể thay thế được. Song đọc như thế nào để có hiệu quả lại là việc cần xem xét. Trước hết cần biết, nhận thức là một quá trình tâm lý tiệm tiến từ không đến có, từ đơn giản đến phức tạp, từ nhận thức cảm giác đến nhận thức tri giác. Do đó nên bắt đầu từ sách văn học, các loại sách công cụ như: văn hóa, khoa học (tự nhiên, xã hội), sách tư tưởng rồi đến sách triết học. Hãy thử tưởng tượng là với một lời khuyên chí lí như: "muốn cho trang viết sâu sắc hãy đọc các tác phẩm triết học". Về nguyên tắc điều này hoàn toàn đúng, bởi tư duy triết học là hình thức tư duy có tính trừu tượng và khái quát hoá rất cao, Đa số các nhà văn lớn của nhân loại, tác phẩm của họ đều chứa đựng các tư tưởng, triết học rất sâu sắc. Tuy nhiên, nếu chưa có một sự chuẩn bị đầy đủ về kiến thức công cụ mà người viết vội bập ngay vào những tác phẩm triết học như: "Phê phán lý tính thuần tuý" (Immanuel Kant) "Hữu thể và thời gian" (Martin Heidergger) hoặc: "Hữu thể và hư vô" (Jean Paul Sactre) thì cũng chẳng khác gì đi phá tường bê tông với hai bàn tay không vậy!
 |
Nhà bác học Lê Quý Đôn từng nói: “Đi - đọc và đàm đạo là ba ông Tam Đa của văn học”. Trong ảnh: tượng Lê Quý Đôn. |
Một tác dụng vô cùng quan trọng khác của sự đọc, đó là sự tích luỹ ngôn ngữ. Khác với một số loại hình nghệ thuật khác như hội hoạ lấy màu sắc, đường nét, hình khối...; múa lấy động tác hình thể; âm nhạc lấy âm thanh, tiết tấu...làm công cụ biểu đạt, tác phẩm văn chương là tác phẩm ngôn ngữ, xét cho cùng sự thành bại của người viết văn, cũng nằm ở sự dụng ngôn. Logic của vấn đề nằm ở chỗ dù anh có nhạy cảm và linh hoạt trong sử dụng ngôn ngữ đến đâu thì điều kiện tiên quyết là anh phải có một tài nguyên ngôn ngữ đủ dùng. Muốn đạt được điều này, thì lại phải trở về với sự đọc. Quá trình đọc, trí nhớ không chủ định của họ sẽ tự động ghi nhớ, tự động tích luỹ ngôn ngữ. Đây là một cơ hội rất tốt để người viết làm giàu ngôn ngữ của mình.
Và hiển nhiên khi tài ngyên từ vựng đã đủ sự giàu có, thì lúc đó năng lực sáng tạo của nhà văn mới có thể thả sức tung hoành.
Về chuyện "đi". Mượn cách nói của Lê Quí Đôn thì trong trong ba ông Tam đa, không thể thiếu ông nào được. Đọc-đi-quan sát, suy nghẫm luôn luôn gắn với nhau. Có thể nói, nếu hành động đọc tích luỹ tài nguyên cho sáng tạo, thì hành động đi là sự kích hoạt cho sự sáng tạo đó. Có đi thì mới có hoạt động giao tiếp, có giao tiếp thì mới có trực quan sinh động tác động vào giác quan. Nhận thức cảm tính là tiền đề cho nhận thức lý tính. Mà nhận thức cảm tính thì bao gồm hai mức độ cảm giác và tri giác. Cảm giác là quá trình nhận thức phản ánh một cách riêng lẻ từng thuộc tính của sự vật, hiện tượng khi chúng trực tiếp tác động vào giác quan, còn tri giác là quá trình nhận thức phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính của sự vật hiện tượng khi chúng đang trực tiếp tác động vào các giác quan. Trong quá trình tri giác có sự tham gia của vốn sống, kinh nghiệm, tư duy, ngôn ngữ và nhiều chức năng tâm lý khác. Quá trình "đi" cũng chính là quá trình nhận thức cảm tính đối với sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan. Cũng bởi vậy nên cổ nhân không phải là không có lý khi nói rằng: "nếu trong đầu không chứa vạn cuốn sách, mắt chưa từng nhìn muôn vàn quang cảnh núi sông kỳ vĩ thì không nên cầm bút viết ra trước tác".
Nếu như hành động "đọc" trang bị cho người viết một phông văn hoá sáng, một tài nguyên kiến thức dồi dào thì hành động đi không những là sự bổ sung mà còn là nơi kiểm nghiệm hàn lâm các yếu tố đó trong thực tiễn đời sống xanh tươi. Quan trọng hơn nó có tác dụng kích hoạt cảm xúc, kích hoạt tưởng tượng của người viết. Một tâm hồn nhạy cảm, một trí tưởng tượng phong phú sẽ là tốt hơn rất nhiều nếu như tìm được cái cớ nào đó để tạo nên sự thăng hoa trong văn chương. Một tác phẩm lớn được nhà văn ấp ủ, thai nghén đã lâu song vẫn chưa thể khởi thảo, vì vẫn cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Nhưng chỉ qua một chuyến đi thực tế, có thể chỉ là một cuộc gặp gỡ thoáng qua với một bà bán hàng rong, một bác lái xe ôm, một chú bé đánh giày… mà nhà văn có thể tìm thấy nhân vật, tìm thấy cánh cửa, hoặc lối ra cho tác phẩm của mình. Những "Mùa lạc" của Nguyễn Khải, "Bão biển" của Chu Văn, "Cù Lao Chàm" của Nguyễn Mạnh Tuấn... đều được thoát thai trong các hoàn cảnh như vậy.
Văn học là hư cấu, là tưởng tượng. Năng lực tưởng tượng hư cấu của nhà văn càng lớn càng chứng tỏ được tài năng văn chương của nhà văn. Từ góc nhìn tâm lý học, có thể thấy đặc điểm của nhận thức tưởng tượng là "biểu tượng của biểu tượng", tức là từ hình ảnh thật, những biểu tượng sản phẩm của trực quan sinh động đến các biểu tượng được nhà văn giả lập, hư cấu. Tưởng tượng là một thuộc tính quan trọng của tâm lý, tuy nhiên nếu tưởng tượng không bắt nguồn từ cuộc sống sẽ rơi vào sự hoang tưởng. Bên cạnh đó thì ngay cả sự tích luỹ ngôn ngữ cũng được gắn chặt với quá trình giao tiếp, với trực quan sinh động của cuộc sống qua những chuyến đi. Các nhà ngữ học đã chỉ ra rằng, để ghi nhớ một từ mới vào trí nhớ thường xuyên (dài hạn) của con người thì nó cần phải trải qua đến năm ngữ cảnh.
Sự tiếp xúc tâm lý thông qua các cuộc đi sẽ giúp nhà văn có điều kiện khám phá vũ trụ tâm lý sâu thẳm của con người, qua đó những trang văn tinh tế, sâu sắc sẽ ra đời, những trang văn mà ngay cả các nhà tâm lý học nghiêm khắc nhất cũng bị thuyết phục, bởi nhà văn đã cảm nhận và tái hiện được ngay cả những rung động mơ hồ nhất trong tâm hồn nhân vật.
Về ông Tam Đa thứ ba: "suy ngẫm". Chắc mọi người đều đồng ý rằng, chăm đọc, chịu đi tuy quan trọng song cũng mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là sự quan sát suy ngẫm. Nếu chỉ đọc-đi mà không có chiêm nghiệm, quan sát, suy ngẫm, thì dù mắt có thấy muôn vàn cảnh núi, sông, tai có nghe muôn vàn âm thanh, bản thân có được tiếp xúc với muôn vàn tha nhân thì cũng không bao giờ thấy được sự kỳ vĩ của núi sông, sự kỳ diệu của thanh âm và cái thăm thẳm của phận người!
Đọc-đi-quan sát, ghi chép là những thao tác đầu vào để biến các tài liệu thô thành tư tưởng độc đáo mang dấu ấn chủ quan của người viết. Nhà văn phải có sự chiêm nghiệm, suy ngẫm thấu đáo, sâu sắc. Ở đây lại có một liên hệ ngược với các thao tác đầu vào: Sự chiêm ngẫm sâu sắc thấu đáo chính là quá trình tinh luyện quặng chữ trở thành những tư tưởng độc đáo sống mãi với thời gian.
Tóm lại, nhìn từ bình diện tâm lý học thì sự: đọc-đi-quan sát, suy ngẫm là một quá trình tâm lý tối cần thiết đối với việc thúc đẩy năng lực sáng tạo của nhà văn. Nhà văn hay văn nghệ sĩ nói chung là những người thuộc nhóm tâm yếu (nhạy cảm). Bẩm sinh họ đã được sinh ra với các thuộc tính tâm lý rất thích hợp với đặc thù của lao động nghệ thuật. Họ dễ rung cảm trước cái đẹp, họ cảm nhận vô cùng nhạy bén, những xao động dù là mơ hồ nhất trong nội tâm con người. Tuy nhiên, các nghiên cứu tâm lý học đã chỉ ra, nếu không được rèn luyện thường xuyên, và không có phương pháp, những khả năng thiên bẩm quí giá đó dần dần sẽ bị mài mòn và thui chột. Nói như J.W.Goethe thì "lý thuyết chỉ là màu xám còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi". Cuộc sống muôn màu luôn sum xuê tươi tốt, chỉ có điều để có thể thưởng lãm được muôn điều kỳ thú của nó, nhà văn hãy bước ra khỏi tháp ngà để luôn luôn đọc, luôn luôn đi, luôn luôn suy tư về cuộc sống đầy bí ẩn nhưng cũng vô cùng thú vị này. Có như vậy họ mới có thể cống hiến cho cuộc đời này những tác phẩm lấp lánh văn chương và tươi ròng nhựa sống

(Theo vnca.cand.com.vn)
|