 |
Bìa tập truyện ngắn "Mùa đom đóm mở hội" của nhà thơ Bình Nguyên Trang. |
|
Nhìn
qua cái tên "Mùa đom đóm mở hội" (NXB Văn học, 2012), xem kỹ trang bìa
trình bày ngộ nghĩnh, thoạt tiên tôi tưởng đây là một tập truyện thiếu
nhi. Đọc hết tập sách, hóa ra không phải. Gấp lại tập truyện, nghĩ về
các nhân vật nữ được tác giả miêu tả, tôi hình dung cả một cánh rừng bị
cơn bão quật đổ tan tác, cây ngã đè lên nhau ngổn ngang. Bình Nguyên
Trang đã lần mò xem xét từng cây, nhặt nhạnh từng cành để tái hiện cơn
bão số phận ập vào cuộc đời của những nhân vật phụ nữ. Suốt tập truyện
ngắn, chẳng tìm thấy một niềm vui.
Như mạch nước từ trên dòng suối
đầu nguồn, bút pháp của Bình Nguyên Trang trong sáng, giản dị, giàu dự
cảm, đôi chỗ bộc lộ một chút triết lý. Bao trùm lên số phận các nhân vật
là tấm lòng đồng cảm, nỗi niềm thương cảm của tác giả.
Câu hỏi nhẹ nhàng đầu tiên mà
tác giả đặt ra trong hai truyện ngắn: "Đời còn có nhau" và "Mong đợi chủ
nhật" là hạnh phúc có thật không? Thế nào là hạnh phúc lứa đôi? Mây yêu
Tình ròng rã bao nhiêu năm, chẳng ai phản bội ai, nhưng cô cảm thấy
tình yêu nhàm chán, chai mòn. Còn Phương, cô đặt câu hỏi với người yêu:
"Anh có cho rằng em sẽ hạnh phúc khi bên anh không?". Hôn nhân chẳng còn
là cứu cánh của cuộc tình giữa Mây và Tình, cũng như giữa Phương và
Đức. Cả hai nhân vật Mây và Phương đều đang cầm hạnh phúc trong tay
nhưng ý nghĩ chối bỏ đã nẩy sinh trong lòng. Sự nghi ngại thể hiện trong
lời tự vấn của Phương: "Hay là người ta chỉ cảm thấy hạnh phúc trên
chính con đường tìm đến với hạnh phúc, chứ không phải khi đã tìm thấy
hạnh phúc?".
Nỗi bất hạnh của hai nhân vật này chỉ nằm ở chút cảm tính băn khoăn nhất thời, mức độ rất nhẹ nhàng.
Còn nỗi bất hạnh của các nhân
vật khác trong tập truyện ngắn này mang nhiều gương mặt, rất đa dạng:
bất hạnh do số phận đầy đọa, do tự mình hoang tưởng, do những ông chồng,
những người yêu, những người thân tàn nhẫn hoặc vô cảm gây ra.
Nhân vật Lê trong truyện "Mùa
đom đóm mở hội" có lẽ là người mang số phận bi thảm nhất trong số những
nhân vật phụ nữ của tác giả. Lê bị bố tát một cái hồi nhỏ dẫn đến điếc
đặc cả hai tai, do đó muộn đường chồng con. Không chịu phận bạc, dù
không có chồng cô vẫn quyết sinh một bé gái. Người mẹ chăm bẵm nuôi con,
tưởng rằng đã bén mùi hạnh phúc thì đột nhiên cháu bé bị tai nạn chết
trên sông nước. Ngôi nhà hoang của cô trở thành nơi tụ hội của đàn đom
đóm. Lòng thương cảm của người kể chuyện đến đây dềnh lên đến thắt ruột,
trong câu kết: "Riêng ngôi nhà sát bờ sông, dì Lê tôi để cho đom đóm về
mở hội, bởi dì tin rằng trong muôn vàn đốm sáng nhỏ nhoi ấy, có Gái
thân yêu của dì".
Nỗi bất hạnh của một số phụ nữ
lại do chính họ gây ra, nhân vật Hà sống buông tuồng "thay trai như thay
áo", cuối cùng phải vào bệnh viện Phụ sản (Nhà có ba mẹ con). Nữ sinh
viên Huệ không chịu học, chỉ dùng sắc đẹp để mồi chài đàn ông, rốt cuộc
dù được nhà, được tiền nhưng phải đánh đổi mạng sống của mình lúc sinh
nở (Huệ khôn ngoan của tôi).
Trong nỗi đau khổ của giới nữ,
Bình Nguyên Trang đã xác định nguyên nhân đa số trường hợp là do đàn
ông, là người trong gia đình hoặc người tình gây ra. Tác giả đã dành ra
sáu truyện ngắn để diễn tả đề tài này.
Trong tất cả những câu chuyện
ấy, tác giả đã dựng lên hình tượng những người đàn bà nhẫn nhục, sẵn
sàng hy sinh chịu đựng, luôn luôn chăm lo nuôi dạy con cái, dù phải vất
vả mưu sinh. Cảnh báo về quan niệm cuộc sống sai lệch như của Huệ, Bình
Nguyên Trang cũng rút ra một số kết luận: "Đôi khi người ta chết ngay
khi đang sống" hoặc "Và dường như trong đáy sâu của bất kỳ người phụ nữ
nào cũng đều suy nghĩ, đều cần một người đàn ông không bao giờ đụng đến
tiền bạc của mình".
Gấp lại tập truyện ngắn "Mùa
đom đóm mở hội" của Bình Nguyên Trang, bên cạnh sự vui mừng đón nhận
sáng tác mới của một tác giả nữ trong lực lượng CAND, tôi có mấy suy
nghĩ:
Một số truyện còn để lộ khoảng
cách giữa hiện thực cuộc sống được trình bày và sự sáng tạo nghệ thuật.
Có truyện, tác giả chưa chịu khó đào sâu, phân tích tâm lý nhân vật
("Đời còn có nhau", "Những giấc mơ bằng giấy"). Có truyện còn ở nguyên
dạng bút ký: "Nghĩ ngợi lan man trong quán cà phê".
Đáng chú ý là trong tập truyện
ngắn này, người dẫn chuyện đứng ở ngôi thứ nhất "tôi" với tỷ lệ 16/17
truyện. Mặt mạnh và mặt yếu của tác giả bộc lộ ở điểm này. Cái "tôi"
trong truyện, ngoài vai trò dẫn truyện khác với cái "tôi" trong bút ký
chân dung. Người kể chuyện có thể đứng ngoài số phận nhân vật, nhưng
không được lạm dụng vì như thế nhân vật "tôi" bị phân thân qua nhiều số
phận quá, làm giảm độ hấp dẫn, độ tin cậy với bạn đọc.
Dẫu sao, qua tập truyện ngắn
đầu tay này, tác giả trẻ đã thể hiện được lòng nhân ái, sự quan tâm sâu
sắc đến số phận của con người, trước hết là chị em phụ nữ. Đây là một
điều đáng quý

|