Hiện đã có 64% số người
dân đã có tham gia BHYT. Mục tiêu “chinh phục” thêm được 10 – 15% người
dân mua BHYT vào năm 2015 sẽ không dễ. Bởi đây chính là đối tượng mua
BHYT tự nguyện, họ là những người lao động tự do, nông dân, ngư dân...
Những người còn bận làm ăn và hầu như chỉ khi có bệnh họ mới bắt đầu
nghĩ đến tấm thẻ BHYT. Họ chỉ tự nguyện tham gia BHYT trong trường hợp
mắc bệnh mạn tính và những bệnh có chi phí điều trị cao. Người cận nghèo
rất ít tham gia BHYT dù đã có chính sách hỗ trợ tới 70%, thậm chí người
dân một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long được hỗ trợ lên tới 90% chi
phí. Lý giải tại sao loại hình BHYT được cho là có ưu việt, lại ít được
quan tâm, theo Vụ trưởng Vụ BHYT - bà Tống Thị Song Hương: Do quyền lợi
của BHYT chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và quan trọng vẫn là do
chất lượng khám - chữa bệnh còn thấp...
Ông Nguyễn Minh Thảo - Phó TGĐ BHXH Việt Nam - cũng nhận định: “Lý do
quan trọng nhất dẫn đến tình trạng người dân còn thờ ơ với BHYT chính là
do khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ cho người bệnh BHYT còn hạn
chế, quyền lợi của người tham gia BHYT chưa cao. Chẳng hạn, trên cả nước
hiện nay có đến 3.500 cơ sở y tế tư nhân, nhưng BHYT chỉ liên kết được
gần 300 cơ sở. Với các cơ sở y tế công lập, rất nhiều bệnh nhân BHYT vẫn
gặp khó khăn trong thụ hưởng quyền lợi, nhất là những bệnh nhân phải
cùng chi trả (5-20%), đặc biệt những đối tượng bị suy thận mạn tính,
những đối tượng bị tai nạn giao thông... Ngay cả việc trẻ dưới 6 tuổi
được miễn phí hoàn toàn nhưng ở nhiều nơi vẫn chưa làm thẻ cho các cháu,
vì thế các cháu vẫn phải tự chi trả.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng: BHYT cũng giống như
một loại hàng hóa. Muốn thu hút người dân không chỉ giá rẻ là đủ mà
chất lượng cũng phải đảm bảo. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện khiến
cho chất lượng khám - chữa bệnh không đảm bảo là điều bức xúc nhất hiện
nay của người dân.
Bộ Y tế đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để chất lượng khám - chữa bệnh
cho bệnh nhân BHYT, nâng cao tinh thần thái độ đạo đức nghề nghiệp của y
bác sĩ, phát triển y tế cơ sở, hạn chế chuyển vượt tuyến, đổi mới áp
dụng phương pháp thanh toán, chi trả phù hợp như chi trả trọn gói theo
ca bệnh, hoặc theo nhóm chẩn đoán; nghiên cứu xây dựng gói quyền lợi
BHYT phù hợp... Đây đều là những định hướng đúng đắn nhưng cần rất nhiều
thời gian và đổi mới của hệ thống y tế mới có thể làm được. Trong khi
đó, mục tiêu có thêm 10 – 15% người dân tham gia BHYT lại cận kề trong 2
– 3 năm tới đây. Vì thế, lộ trình thực hiện BHYT toàn dân sẽ là đích
không dễ đạt được cả đối với ngành y tế và BHXH.