Ý kiến ngắn: Khi chú thích làm khổ bạn đọc
Khi đọc cuốn "Người lính gác" (tập truyện và ký, NXB Văn học 2005) của nhà văn Ngọc Tự, trong các bài "Lớp quân sự đầu tiên" (tr. 5-17), "Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám" (tr. 18-30), qua nội dung tôi hiểu rằng đây chỉ là chuyện của người khác, được nhà văn Ngọc Tự ghi lại. Cụ thể như sau: Bài "Lớp quân sự đầu tiên" viết theo lời kể của nữ đồng chí Hồng, một trong những thành viên của lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ quân sự cách mạng đầu tiên tại Ninh Bình vào dịp Tết Nguyên đán năm 1941. Bài "Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám" viết theo lời kể của một nữ đồng chí người Tày quê ở thôn Na Đán, xã Hà Quảng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, một đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (sau đổi thành Việt Nam giải phóng quân) tham gia chiến đấu giải phóng Thái Nguyên trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Nhưng vì khi đưa vào in chung trong tập sách này, những người biên tập đã không ghi nguồn nên tôi (có lẽ cũng như những bạn đọc khác) băn khoăn muốn biết ai là chủ thể chính đang kể câu chuyện về cuộc đời mình cho nhà văn ghi lại.
Không có chú thích khiến bạn đọc phải mò mẫm. Nhưng có chú thích rồi mà bạn đọc vẫn khổ không kém. Bởi vì đó là chú thích sai.
Sách "Sông Hồng cuộn sóng" do Thành ủy - UBND Tp Hà Nội - Ban Tuyên giáo - Văn phòng Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long - Hà Nội chỉ đạo biên soạn (NXB Hà Nội, 2008) có bài về bà Hoàng Thị Minh Hồ (bà Trịnh Văn Bô) "Người góp hơn 5.000 cây vàng giúp nước" của tác giả Phạm Kim Thanh. Ở "Phần viết thêm cho lần xuất bản sách" tác giả đã viết như sau: "Năm 2001, kỷ niệm 55 năm ngày kháng chiến toàn quốc, tôi đã thực hiện bài viết này để tỏ lòng tri ân với bà, người có công với nước. Mùa thu năm 2006, bà đã về cõi Phật trong niềm thương tiếc của gia đình, bè bạn. Bà là một trong những tấm gương yêu nước tiêu biểu của phụ nữ Hà Nội. Ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã trở thành di tích lịch sử thiêng liêng và thành kính về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Cách mạng Tháng Tám" (tr. 81).
Cho đến năm 2012 này, tôi còn có vinh hạnh được hỏi chuyện bà Trịnh Văn Bô. Đã 99 tuổi nhưng bà vẫn rất minh mẫn. Thậm chí trước sự chứng kiến của hai vợ chồng anh Trịnh Kiến Quốc là con trai và con dâu thứ, bà còn dùng chiếc bàn tính gỗ có tuổi đời hơn 60 năm "biểu diễn" quy đổi từ tiền sang vàng (đơn vị tính bằng cây) một cách chính xác, chẳng thua kém gì so với phép tính trong điện thoại di động của tôi và của anh Trịnh Kiến Quốc.
Nếu như những sai sót trong chú thích ở các sách nêu trên do những người không chuyên viết và biên soạn thì cá nhân tôi (và bạn đọc) thể tất được. Nhưng ở đây lại là sách do các nhà nghiên cứu lịch sử chuyên nghiệp viết và biên soạn, cùng với một tổ chức chuyên môn thẩm định thì những sai sót đó quả là một điều đáng tiếc

(Theo vnca.cand.com.vn)