Để việc cưới ngày càng văn minh
Thành ủy Hà Nội vừa dự thảo chỉ thị về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố mà một nội dung quan trọng là cán bộ, đảng viên đang công tác tại các cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội không tổ chức đám cưới ở khách sạn 5 sao hay những khu du lịch cao cấp, số lượng khách mời không quá 300 người…
Dự thảo này đã được đông đảo cán bộ, nhân dân đồng tình ủng hộ và càng
có ý nghĩa hơn trong thời điểm cả nước đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết
Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.

Một đám cưới giản dị ở ngoại thành Hà Nội.Ảnh: Đức Nghiêm
Ông Bùi Văn Bốn (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy): Cần chế tài chặt chẽ
Trong những năm qua, việc dự những đám cưới được tổ chức linh đình là
"nỗi khổ" của nhiều người, song vì nể nang mà không ai góp ý hay phê
bình thẳng thắn. Do đó, đưa quy định về số người tham dự một đám cưới là
điều nên làm, nhằm lành mạnh hóa việc tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, cũng
như một số quy định khác, để tránh rơi vào hình thức, thiếu tính khả
thi, thì quy định này cần có chế tài chặt chẽ, mỗi tổ chức, cá nhân phải
nêu cao tinh thần phê và tự phê; bên cạnh đó các cơ quan chức năng cần
đề cao hơn nữa sự giám sát của người dân.
Bà Nguyễn Thị Gấm (xã Trung Văn, huyện Từ Liêm): Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện
Việc hạn chế số mâm cỗ hay khách mời khi tổ chức đám cưới của các cán
bộ, đảng viên đang công tác trong khối các cơ quan, đơn vị của thành phố
Hà Nội là một trong những biện pháp để thực hành lối sống tiết kiệm,
không xa hoa, lãng phí… Với mức thu nhập và đồng lương của phần đông cán
bộ, công chức như hiện nay, thì việc tổ chức đám cưới linh đình sẽ gây
nhiều phản cảm, khiến dư luận thắc mắc. Theo tôi, việc hạn chế về quy mô
tổ chức đám cưới không phải để mọi người nhìn nhận sự trong sạch của
các cán bộ, đảng viên hay là tạo "vỏ bọc" cho những người này, mà đơn
giản là để tạo lập một nếp sống tiết kiệm, tránh sự phô trương. Muốn tạo
được nếp sống văn minh trong việc cưới cũng cần phải có những "chuẩn
mực" và tôi hy vọng quy định này sẽ được cán bộ, đảng viên gương mẫu, tự
giác thực hiện…
Ông Vũ Văn Thiêm (phường Quang Trung, quận Hà Đông):Nên là chỉ tiêu thi đua của cá nhân, đơn vị
Mọi người nên nhìn nhận lại, không nên đánh giá mức độ hoành tráng theo
tiêu chí khách nhiều hay cỗ to… Tôi cho rằng, việc hạn chế khách mời có
thể làm một số ít người khó chịu, nhưng về số đông chắc chắn nhiều người
sẽ hài lòng và ủng hộ. Song, tôi còn băn khoăn bởi quy định này có tính
bắt buộc cán bộ, đảng viên phải thực hiện hay chỉ mang tính động viên,
khích lệ? Để quy định này thực hiện được trên thực tế, thì tính kỷ luật
cũng phải thể hiện rõ và quy định này phải được đưa vào trong chỉ tiêu
thi đua của mỗi tập thể, đơn vị.
Ông Nguyễn Văn Tuyến (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức):Làm sao để quy định đi vào cuộc sống
Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới không phải
bây giờ mới được ban hành, song với những giới hạn rõ ràng thì dự thảo
chỉ thị đã chỉ ra rất cụ thể. Tuy nhiên, làm sao để quy định đó được
thực hiện nghiêm mới là điều đáng được quan tâm? Quyết định số
07/2012/QĐ-UBND ngày 27-4-2012 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy
định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội
trên địa bàn thành phố là một ví dụ khá điển hình khi quy định "không sử
dụng thuốc lá trong việc cưới, việc tang", nhưng việc này gần như không
được thực hiện trên thực tế. Để những quy định nêu trên đi vào cuộc
sống, thì mỗi cơ quan, đơn vị nên có sự ràng buộc trách nhiệm với người
liên quan, tránh việc quy định cụ thể, nhưng vi phạm lại bị buông lơi…
(Theo Hanoimoi.com.vn)
|