Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 04/10/2012 08:48
Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2012: Bản lĩnh!
Bằng việc trao giải cho bản dịch gây tranh cãi trong năm là “Lolita” của dịch giả Dương Tường, Hội Nhà văn Hà Nội đã đạt một mùa giải có chính kiến!

 

Không hạng mục nào để trống

“Sum sê” là từ mà nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội kiêm Chủ tịch Hội đồng xét giải - đã dùng để nói về “vụ mùa” năm nay của giải thưởng hội - một giải thưởng mà những năm gần đây còn được cho là có sức cập nhật và thuyết phục hơn giải thưởng Hội Nhà văn VN. Phải chăng vẫn là quy luật thường thấy này: Kinh tế đi xuống thì... văn học hay đi lên?

“Thực ra thì cũng là gặp may thôi, phụ thuộc vào tình hình xuất bản. May cho giải năm nay của hội là các tác phẩm xứng đáng vào giải lại ra đúng vào khung thời gian xét giải nên thành ra mới được mùa như vậy. Cố nhiên, được may có tác phẩm hay, nhưng không dám nhìn nhận nó và trao giải cho nó thì văn học sẽ lại... không may” - ông Nguyên cho biết.

Khác mọi năm, hoặc khuyết thơ, hoặc khuyết phê bình, mùa giải năm nay vì thế đều tìm thấy chủ nhân cho cả 4 hạng mục: Văn (“SBC là săn bắt chuột”, tiểu thuyết - Hồ Anh Thái), thơ (“Buổi câu hờ hững” - Nguyễn Bình Phương), phê bình (“Dĩ vãng phía trước” - Ngô Thảo), dịch thuật (“Lolita” - Dương Tường). Ngoài ra còn có giải “Thành tựu” cho tập thơ “Xem đêm” của nhà thơ quá cố Phùng Cung - một người văn lặng lẽ của “Nhân văn giai phẩm”. Cùng với việc trị giá giải thưởng cũng chịu khó... tăng theo thời giá: 15 triệu đồng/giải (năm ngoái là 10 triệu), tổng trị giá giải thưởng của hội vì vậy tăng 2,5 lần so với mùa trước: 75 triệu đồng (năm ngoái là 30 triệu đồng/3 hạng mục).

Điều đáng nói là góp phần thúc đẩy chất lượng giải năm nay còn có sự cộng hưởng của những người làm sách. “Xem đêm” chẳng hạn, là một tác phẩm từng xuất bản lần đầu vào năm 1995, nhưng lần trở lại này đã được bổ sung đầy đủ hơn và đáng kể, còn thêm phần phụ lục rất có giá trị về mặt tư liệu. Đó là truyện ngắn “Con ngựa già của Chúa Trịnh” - tác phẩm từng khiến Phùng Cung gặp phải “họa văn” mà lâu nay nhiều người mới chỉ nghe nói chứ không rõ thực hư.

Cùng đó, là những hồi tưởng, ghi nhận của các bạn văn cùng thời và cũng từng gặp nạn giống ông như Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Phùng Quán... Hay với “Lolita” - bản dịch từng được ngợi khen, đồng thời bị “ném đá” cũng thuyết phục giải bằng bản in mới (được tái bản không lâu sau đó với mục đích sửa chữa)...

“Có thể bỏ qua tiểu tiết…”

Một danh sách vừa an toàn vừa mạo hiểm - đó là cảm giác thú vị trước mùa giải 2012 của Hội Nhà văn Hà Nội. An toàn, vì đây là sự ghi nhận không chỉ một tác phẩm, mà còn là cả một chặng đường dài của những người văn có tiếng là bền bỉ, kiên tâm, nhẫn nại nhất làng văn như: Dương Tường với những bản dịch khó nhằn nhất bất chấp tuổi tác; Hồ Anh Thái - với ý thức làm nghề chuyên nghiệp trong mỗi một lần trở lại; Nguyễn Bình Phương với nỗ lực cách tân thơ không ồn ào, nhưng không kém phần quyết liệt... Nhưng cũng là mạo hiểm, khi dám tôn vinh một tác phẩm dịch gây tranh cãi như “Lolita”.

Hay nhẹ hơn, ở hạng mục phê bình, là tác phẩm “Dĩ vãng phía trước” của nhà phê bình Ngô Thảo, khi mà cũng có dư luận ngờ rằng: Phải chăng đây là một giải thưởng có tính động viên với một người viết vừa mới đi qua một sự cố về sức khỏe? “Không hề! Nếu như không muốn nói nó còn xứng đáng được coi là điểm nhấn của giải năm nay” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khẳng định.

Có người còn gọi đây là những “nguyên liệu ròng”, rất có giá trị về mặt văn học sử. Khi mà trong đời sống văn học của ta lâu nay, mảng tư liệu - với tư cách là một thể loại văn học - ít nhiều còn bị xem nhẹ. Hơn nữa, đây lại còn được ghi lại bởi một người trong cuộc, hơn thế, là phát ngôn của một người có thẩm quyền, từng có một thời gian dài tham gia tích cực vào hai hội có tiếng “nhiều chuyện” nhất là Hội Nhà văn và Hội Sân khấu...”. Với những ai từng tiếp xúc với người văn Ngô Thảo và chứng kiến sự “hay chuyện” của ông, cũng hoàn toàn có thể hình dung ông phù hợp với thể loại này thế nào và lẽ ra, nên “kết duyên” với nó sớm hơn...

Một giải thưởng có tính phát hiện, dự báo, đã là mừng! Nhưng đáng kể hơn cả, ở mùa giải năm nay của Hội Nhà văn Hà Nội, chính là bản lĩnh của người trao giải, khi dám tôn vinh một tác phẩm vừa mới đi qua tâm bão. “Nói “dũng cảm” thì chưa hẳn, “liều mạng” thì càng sai, mà đúng hơn, chúng tôi điềm tĩnh. Đủ để nhận diện được đâu là những giá trị lao động đích thực, những thái độ làm nghề tâm huyết... và vì thế, trong một chừng mực nào đó, có thể bỏ qua một số lỗi sai thuộc về tiểu tiết” – ông Chủ tịch Hội đồng xét giải Phạm Xuân Nguyên giãi bày.


“Có lẽ từ xưa đến nay, ở nước ta chưa có một tập thơ nào về một vùng quê nghèo khổ lại súc tích, cô đọng mang tính truyền thống và hiện đại sâu sắc như tập “Xem đêm”... Mỗi bài thơ, có khi chỉ một câu đều như những luồng điện không giật chết người nhưng cứ thắt vào tim những luồng rung động thấm rất sâu” (cố nhà thơ Hoàng Cầm nhận xét về tập thơ vừa giành được giải thưởng “Thành tựu” của Hội Nhà văn Hà Nội).


(Theo laodong.com.vn)

 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)