Đến thế kỷ XII, Trần Kinh, một người trong dòng họ,
hay đi làm ăn xa, khi đến miền đất Nam đồng bằng sông Hồng thấy có vùng
đất bồi màu mỡ ven biển, dọc triền sông Hồng, sông Đáy, sông Vĩnh Giang
thuận lợi cho việc canh tác, lại có thể kết hợp làm nghề chài lưới, ông
liền mộ người, khai phá đất hoang, dựng làng, lập ấp, cưới vợ và đưa gia
quyến thân thuộc đến sinh cơ lập nghiệp.
Vùng đất lõi mà Trần Kinh đưa thân tộc đến đầu tiên
chính là đất Khang Kiện (nay là Tráng Kiện, thuộc xã Lộc Vượng, TP Nam
Định), về sau là hương Tức Mạc và là trung tâm phủ Thiên Trường. Trần
Kinh có thể coi là vị Tổ đầu tiên của họ Trần đến Tức Mạc, gây dựng cơ
đồ cho con cháu sau này. Các đời tiếp theo của Trần Kinh là: Trần Hấp,
Trần Lý, Trần Thừa và Trần Cảnh - vị vua đầu tiên của triều Trần.
Sau khi nhà Trần thay nhà Lý cai quản đất nước, trung
tâm quyền lực quốc gia vẫn là Thăng Long. Tức Mạc đơn thuần chỉ là quê
cha, đất tổ.
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, mùa Thu tháng 8 năm Tân
Mão (1231), vua ngự đến hành cung Tức Mạc, làm lễ ở Tiên Miếu. Mùa Xuân
năm Kỷ Hợi (1239), vua Trần Thái Tông, lúc đó 22 tuổi hạ lệnh cho Phùng
Tá Chu làm Nhập nội Thái phó sửa "gia từ" ở đất Khang Kiện, đồng thời
xây dựng cung Tức Mạc kiểu cách như kinh đô Thăng Long.
Lúc này, nhà Trần thiết lập chế độ Thái Thượng hoàng.
Sau khi xây dựng hành cung Tức Mạc để các Thái Thượng hoàng về ở, các
vua, quan đương triều về chầu ngự, các vua Trần cũng nghĩ ngay tới vị
thế của quê hương Tức Mạc trong toàn cảnh xã hội Đại Việt lúc bấy giờ.
Vì vậy, mùa Xuân năm Nhâm Tuất (1262), Thượng hoàng Trần Thái Tông xuống
chiếu đổi hương Tức Mạc thành phủ Thiên Trường và cử một An Phủ sứ
trọng nhậm. Có thể nói, thời điển này, năm 1262, Thiên Trường chính thức
trở thành kinh đô thứ 2 của nước Đại Việt nhà Trần.
Hành cung Thiên Trường được xây dựng nhiều công trình
kiến trúc có quy mô lớn, với cung Trùng Quang (nơi các Thái Thượng
hoàng ở sau khi nhường ngôi cho con), cung Trùng Hoa (nơi vua ngự mỗi
khi về thăm); các cung Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ tứ xung quanh xây
dựng các phủ đệ dành cho các vương phi, quan lại, sắc dịch.
Theo Lịch Triều Hiến chương loại chí, mặc dù đã
nhường ngôi cho con và lui về Thiên Trường, nhưng các Thái Thượng hoàng
vẫn quan tâm đến chính sự, vẫn có đủ quyền hành, kể cả quyền phế truất
và lập vua. Thái Thượng hoàng ở Thiên Trường, vua và các quan phải về
chầu theo định kỳ.
|
 |
|
|
Tháp Phổ Minh. Ảnh: Nam Đinh Portal
|
|
Như vậy, dưới thời Trần, Thiên Trường trở thành
trung tâm chính trị, kinh tế, Phật giáo (nơi đặt nền móng cho tư tưởng
Thiền phái Trúc Lâm), văn hoá và giáo dục lớn thứ hai sau kinh thành
Thăng Long. Đồng thời, Thiên Trường còn là “phên dậu”, vừa là phòng
tuyến kiên cố vừa là hậu phương trọng yếu của Thăng Long trong cuộc
kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông.
Với việc nhà Trần lập Nhà học ở phủ Thiên Trường năm
1281, Thiên Trường xưa, Nam Định nay còn nổi tiếng là quê hương có
truyền thống hiếu học, khoa bảng. Trải qua 750 năm, đặc biệt là các thế
kỷ trước, nơi đây đã đóng góp 82 Trạng nguyên, Phó bảng, Tiến sĩ, hàng
ngàn Cử nhân, Tú tài cho danh sách khoa bảng của cả nước. Một trong
những người tiên biểu là thần đồng Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên khi tròn
13 tuổi.
Vùng đất Thiên Trường-Nam Định còn có rất nhiều di
tích lịch sử-văn hóa. Trong số này, Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ
thuật Đền Trần và chùa Phổ Minh (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) vừa
được Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc
biệt.
Đền Trần
Là nơi thờ các vua nhà
Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần tại đường Trần Thừa,
phường Lộc Vượng (Nam Định), đền được xây dựng trên nền Thái miếu cũ của
nhà Trần (vào thế kỷ thứ XV, đã bị quân Minh phá hủy).
Đền Trần gồm 3 công trình
kiến trúc chính, là đền Thiên Trường (đền Thượng khởi dựng từ đời Hậu
Lê) thờ 14 vị vua Trần, đền Cố Trạch (đền Hạ, khởi dựng từ đời Nguyễn)
thờ Trần Hưng Đạo và đền Trùng Hoa. Cả 3 đền đều có kiến trúc chung và
quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm: tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5
gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn
(thiêu hương) và 2 gian tả vu, hữu vu.
"Tháng Tám giỗ cha,
tháng Ba giỗ mẹ". Lễ hội đền Trần được tổ chức trong các ngày từ
ngày 15 đến ngày 20 tháng Tám Âm lịch hàng năm tại phường Lộc
Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.
Tháp Phổ Minh
Chùa Phổ Minh còn gọi
là chùa Tháp tọa lạc tại thôn Tức Mạc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam
Ðịnh, nằm cách khu di tích đền Trần khoảng 300m; là nơi lễ bái của các
quan lại, quý tộc cao cấp nhà Trần.
Ngôi chùa nguyên được xây
dựng từ thời Lý đã được nhà Trần mở rộng vào năm 1262. Kiến trúc chính
của chùa bao gồm 9 gian tiền đường, 3 gian thiêu hương, tòa thượng điện
cũng 3 gian nhưng rộng hơn, xếp theo hình chữ "công".
Trước cửa chùa có đỉnh
đồng nặng trên 7 tấn, có chuông lớn khắc chữ "Phổ Minh đỉnh tự". Chùa
vốn có một vạc lớn ở trước cửa (vạc Phổ Minh), là một trong bốn báu vật
“An Nam tứ đại khí”, nay không còn nữa. Trong chùa có tượng Trần Nhân
Tông nhập Niết Bàn, tượng Trúc Lâm Tam tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa,
Huyền Quang) và gần 60 tượng phật, thánh khác được sơn son thếp vàng.
Công trình có giá trị nhất
là tháp Phổ Minh. Tháp, được xây dựng ngay trước cửa nhà bái đường, là
một kiến trúc quy mô của thời Trần còn lại cho đến ngày nay. So với tháp
Bình Sơn ở Vĩnh Phúc, tháp Huệ Quang ở Yên Tử, Quảng Ninh thì tháp Phổ
Minh không những cao hơn mà còn tương đối nguyên vẹn.
Tháp được xây dựng vào năm
1305, đến nay đã khoảng 700 năm tuổi, có hình hoa sen với 13 tầng. Lúc
đầu tháp được xây bằng gạch đỏ, bắt mạch để trần không trát. Tầng dưới
cùng bằng đá là hình ảnh của một cỗ kiệu. Mười ba tầng trên xây gạch.
Cạnh ngoài của nhiều viên gạch có dòng chữ “Hưng Long thập tam niên”
(tức năm Hưng Long thứ 13 – 1305, triều vua Trần Anh Tông).
Chiều cao của tháp Phổ
Minh (căn cứ vào số đo của lần tu sửa tháng 6 năm 1987) là 19,51m; nặng
khoảng 700 tấn, nằm trên một tiết diện nhỏ 30m2 tại một vùng đồng chiêm
trũng nhưng vẫn đứng vững suốt 7 thế kỷ qua, đây cũng quả là một điều
đặc biệt.
Đỉnh tháp là một khối đá
tạo dáng hình bông sen bao gồm nhiều tầng cách khác nhau: đỉnh búp sen
thuôn mập, gồm 5 lớp cánh sen ngửa, chụm, trong đó lớp cuối cùng có viền
kép và có đường sống nổi ở giữa. Các lớp cánh sen dưới cùng úp xuống và
đều là dạng cánh có viền kép, dáng cánh sen hơi mập. Toàn bộ búp sen
được đặt trên một khối đất nung dáng thuôn phình hai tầng màu đỏ.
Ngọn tháp Phổ Minh 700 năm
tuổi vươn cao trên trời xanh cùng toàn bộ di tích nhà Trần ở Nam Định
là những di sản quý báu của dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân
Nam Định./.
|
(Theo baodientu.chinhphu.vn)