Chiều, đêm nay: Bão số 7 tràn vào Nam Trung Bộ
Nắm bắt tình hình này, các tỉnh Nam Trung Bộ: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đang tích cực đối phó...
Bão và lũ cùng “tấn công”
Tối
qua 5.10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định,
muộn nhất tối và đêm nay 6.10, bão số 7 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng
biển và đất liền Việt Nam, trong đó tâm bão dự kiến sẽ là tỉnh Quảng
Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Dự báo sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão
mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.
 |
Ngư dân chuyển dụng cụ trên tàu về đất liền nhằm tránh thiệt hại khi bão vào đất liền. |
Trước
tình hình diễn biến phức tạp của bão số 7, chiều 5. 10, tại Hà Nội, Phó
Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp của
Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương để ứng phó với cơn bão này.
Phó
Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi sát
diễn biến của cơn bão, tuyệt đối không được phép chủ quan, lơ là. Cơn
bão số 7 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, khi đổ bộ vào nước ta
đúng thời điểm giữa mùa lũ tại miền Trung.
Vùng
nguy hiểm được xác định là khá rộng, từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa
và những tỉnh lân cận. Do đó, nếu không có sự chuẩn bị cẩn thận bão số 7
sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến các hồ chứa, đập nước, đặc biệt là khu vực
dân cư, nên cần được chú trọng bảo vệ một cách an toàn.
Phó
Thủ tướng cũng cho rằng, bão số 7 sẽ còn diễn biến phức tạp, mạnh lên
và di chuyển nhanh hơn, đồng thời gây mưa trên diện rộng. Chính vì vậy,
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố
và các bộ, ban ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ và có phương án kịp
thời khi có sự cố xảy ra, phù hợp với tình hình cụ thể. Rà soát, kiểm
tra khu vực dân cư sống tại vùng ven biển, vùng cửa sông, vùng trũng,
thấp, có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để chủ động có phương án sơ tán
dân, đảm bảo an toàn các công trình hồ đập, đê điều…
Theo
báo cáo của cơ quan thường trực Bộ đội Biên phòng, tính đến thời điểm
này đã có hơn 50.000 tàu thuyền với 250.000 ngư dân đã được yêu cầu và
kêu gọi vào bờ an toàn.
Chuẩn bị chống bão
Công tác phòng chống cơn bão số 7 đang được các địa phương khẩn trương triển khai. Tại Quảng Nam, theo ghi nhận của phóng viên NTNN, ở cảng An Hòa, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam, hàng trăm tàu thuyền đã được đưa về nơi trú bão.
Sau
khi neo tàu vào nơi tránh bão, ngư dân Võ Văn Việt, chủ tàu QNa-91496,
cho biết: “Theo dự báo, tối nay 6.10, bão sẽ đổ bộ vào đất liền và ảnh
hưởng từ Quảng Ngãi đến Phú Yên. Tuy nhiên, kinh nghiệm của tôi, bão thì
không lường trước được, nhất là cơn bão này cứ liên tục chuyển hướng,
nên tốt nhất phải phòng tránh trước. Hiện tàu của tôi đã được đưa vào
khu neo đậu an toàn. Tôi cũng thuê người đưa hết tài sản trên tàu, như
thúng chai, máy móc, dàn câu mực về cất hết trong nhà…”.
Theo
ông Nguyễn Minh Tuấn - Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam,
trong trường hợp dự báo bão có khả năng ảnh hưởng lớn đến Quảng Nam,
các địa phương sẽ triển khai thực hiện công tác sơ tán dân ngay trong
sáng 6.10, tổng số số dân dự kiến sơ tán khoảng 38.440 hộ, tương ứng
146.195 khẩu.
Tại vùng được dự báo bão số 7
đổ vào, tỉnh Quảng Ngãi đang ra sức phòng chống. Ông Lê Văn Mùi - Chủ
tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết: Sau khi nhận được dự báo Đức Phổ sẽ là
nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của cơn bão số 7 ở tỉnh Quảng Ngãi, lãnh
đạo huyện đã khẩn trương chia nhau đi kiểm tra tại các xã ven biển và
những vùng có nguy cơ sạt lở của địa phương. Đến giờ phút này, đã có hơn
225 hộ dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở thuộc các xã Phổ Thạnh, Phổ
Châu và Phổ Vinh được di dời đến các trường học kiên cố, nhà văn hóa của
thôn...
Tại các vùng ven biển khác của tỉnh
Quảng Ngãi, cùng với chèn chống nhà cửa, các chủ tàu đang khẩn trương
đưa phương tiện vào nơi neo trú và cột giằng an toàn. Ở các vùng bãi
ngang, như xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, số thuyền nhỏ được người dân khiêng
hẳn lên bờ để tránh bão...
Lũ các sông lên nhanh
Do
ảnh hưởng của bão số 7, từ hôm nay 6.10, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến
Khánh Hòa và khu vực bắc Tây Nguyên sẽ có một đợt mưa vừa, mưa to, có
nơi mưa rất to và dông; đợt mưa này có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Dự
báo, từ chiều tối nay 6.10, mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến
Khánh Hòa và khu vực bắc Tây Nguyên có khả năng lên nhanh. Trong đợt lũ
này, lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum có khả
năng lên mức báo động 2, có nơi trên báo động 3; các sông từ Quảng Bình
đến Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa lên mức 1-2,
Trong
khi đó, tại Phú Yên, Ban chỉ huy PCLB-TKCC Phú Yên cho biết các đơn vị
chức năng đang giữ liên lạc với 267 tàu cá (1.661 ngư dân) của tỉnh đang
hoạt động trên biển. Trong đó có 109 tàu cá (hơn 1.000 ngư dân) hoạt
động trên khu vực biển quần đảo Trường Sa. Hiện các hồ thủy lợi và thủy
điện lớn của tỉnh đã liên tục mở các cửa xả lũ.
Mực
nước các hồ thủy điện trên địa bàn như Sông Hinh, Krông HNăng đều đã
xấp xỉ mực nước thiết kế là 225m; riêng hồ thủy điện Sông Ba Hạ đã đạt
mực nước thiết kế là 105m, đang xả lũ với lưu lượng 500-900m3/s....
Tại
huyện Hoài Nhơn, và An Lão (Bình Định), ngành chức năng cũng đang tổ
chức kêu gọi tàu thuyền vào các nơi tránh trú bão an toàn. Đến nay, tại
khu neo đậu tàu thuyền Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), đã có 1.200 tàu cá của
ngư dân đã vào neo đậu tránh trú bão an toàn. Bên cạnh đó, chính quyền
huyện Hoài Nhơn, An Lão cũng đã tập trung vận động nhân dân địa phương
khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu vụ mùa theo phương châm “xanh nhà hơn
già đồng”.
Chính quyền cũng đang vận động
nhân dân chằng chống nhà cửa, cơ sở sản xuất, chuồng trại chăn nuôi đảm
bảo an toàn; tổ chức phát dọn cây xanh, gia cố các đoạn đê sông, những
vùng có nguy cơ bị sạt lở, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đối phó
với mưa bão...
Sỹ Lực - Trương Hồng - Công Xuân - Đào Đức Tuấn - Nguyễn Hân
(Theo danviet.vn)