Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 08/10/2012 08:37
Đọc sách: Một Nam bộ đặc sắc
Truyện dài Lớp lớp phù sa (NXB VH-VN TP.HCM, 2012) của Kiệt Tấn là tiếp nối xuất sắc của dòng văn học miệt vườn Nam bộ, nơi có một lịch sử dài, với các tên tuổi quan trọng, nhưng ít được đánh giá đúng tầm do nhiều hoàn cảnh chủ quan khác nhau.

Lớp lớp phù sa

Nói đến dòng văn học này, trước khi nhắc đến những tên nổi trội sau này như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lý Văn Sâm, Trần Kim Trắc…, hay cả Nguyễn Ngọc Tư gần đây, chúng ta phải nhìn về xa hơn nữa.

Truyền thống này có nguồn gốc từ văn học dân gian, nơi giao thoa sâu đậm của văn hóa Việt, Kh’mer, Hoa và nhiều luồng văn hóa khác, để qua đó làm nên những tên tuổi đặt nền móng như Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Đình Chiểu, Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, Trần Hữu Thường, Sương Nguyệt Anh, Sơn Vương, Hồ Biểu Chánh… Từ “cội rễ này, đến hôm nay, trong cộng đồng văn Việt, chắc chỉ còn Kiệt Tấn, Hồ Trường An và Nguyễn Ngọc Tư là vẫn trung thành đến đặc sắc trong giọng điệu Nam bộ của mình, phần lớn các tác giả khác, dù xuất thân hay sinh sống ở Nam bộ, đã bỏ qua vùng miền để dùng “văn phong quốc gia”.

Kiệt Tấn (1940, Bạc Liêu) là tác giả thành danh trước 1975, gần đây, vài tác phẩm của ông được tái bản như Em điên xõa tóc, Người em xóm học… nhưng với một ưu tư và phong cách khác. Theo một vài nhận định, văn nghiệp của Kiệt Tấn có ba nét nổi bật, mà trong đó dòng văn chương tính dục và văn chương miệt vườn quan trọng hơn.

Đọc Lớp lớp phù sa, với bối cảnh trải dài qua các vùng đất như Thới Lai, Cờ Đỏ, Bình Thủy… trong ba thập niên từ những năm đầu 1920 đến 1954, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về nếp nghĩ và ngôn ngữ đặc thù của nó. Nhiều câu chữ mà người Nam bộ ngày nay cũng thấy xa lạ, muốn hiểu sâu hơn thì phải tra từ điển.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Lục nhận xét: “Nhà văn miệt vườn để chỉ thị một lối văn đặc sản miền Nam, lối ngôn ngữ nói trở thành ngôn ngữ viết trong cách sử dụng từ, lối đối thoại. Cạnh đó là đào sâu những câu chuyện thuộc lịch sử miền đất khai hoang với sắc thái văn hóa, phong tục, tập tục, địa lý, lối suy nghĩ, lối làm ăn”.

Ngoài sức hút về văn phong để có thể đọc một mạch hơn 480 trang sách, Lớp lớp phù sa đã trở thành vốn quý về ngữ âm, những nghiên cứu sau này chắc chắn phải dựa vào đây một phần để biết về lời ăn tiếng nói của Nam bộ nửa đầu thế kỷ 20. Làm được điều này, vì trong tâm cảm của Kiệt Tấn còn “bảo tồn” được khá nhiều vốn cổ qua ca dao, dân ca, tục ngữ, hò vè, vọng cổ…

Cũng giống như các tiền bối của mình là Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam…, Kiệt Tấn đã kết hợp được nền tảng dân gian Nam bộ với tư duy văn chương hiện đại của phương Tây, của thành thị Sài Gòn, để làm nên một giọng điệu đa diện, điều mà Nguyễn Ngọc Tư sau này cũng làm khá thành công.

Chính vì vậy, Kiệt Tấn khác với Trang Thế Hy, Trần Thị NgH…, những nhà văn Nam bộ thành công, với lối viết hoàn toàn thuộc kỹ thuật hiện đại Tây phương, ít còn dấu vết miệt vườn. Nhìn ở góc độ này, Lớp lớp phù sa đúng là một đại diện đặc sắc của văn học Nam bộ hôm nay.



(Theo thethaovanhoa.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)