Đại diện UNESCO tại Việt Nam: Nghiên cứu di sản thành nhà Hồ rất ấn tượng
Vừa qua, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam cùng đoàn công tác có sự tham gia của GS - VS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS - TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam; PGS - TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học; đại diện Cục Di sản văn hóa đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa, nghe báo cáo việc triển khai thực hiện cam kết của tỉnh với UNESCO về công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ giai đoạn 2011-2015.
 |
Cổng phía Nam Thành nhà Hồ. Ảnh: Hoàng Lam. |
Đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ
với các nhà khoa học, các chuyên gia thực hiện việc nghiên cứu và đưa
một số hạng mục di tích tại khu vực vùng đệm vào vùng đề cử như: Con
đường Hoàng gia, đền thờ Trần Khát Chân, làng Đông Môn, Xuân Giai và Tây
Giai; xây dựng và thực hiện chương trình khảo cổ học chiến lược đối với
khu vực di sản; thực hiện điều tra tổng thể và làm thủ tục công nhận bổ
sung toàn bộ hệ thống La thành là Di sản cấp Quốc gia; tiếp tục bổ sung
và hoàn thiện chiến lược phòng ngừa và quản lý thảm họa; khuyến khích
sự tham gia của nhân dân địa phương vào việc quản lý và bảo vệ di sản
dưới nhiều hình thức; khai quật và làm xuất lộ con đường Hoàng gia tại
vị trí trước cửa Nam; khai quật khu vực công trường khai thác đá cổ An
Tôn…
Trong thời gian tới, ngành chức năng Thanh Hóa sẽ tập
trung vào các vấn đề: Nghiên cứu toàn diện La thành; tiếp tục khai quật
và làm rõ phần còn lại của di tích Đàn tế Nam Giao; tiếp tục khai quật
con đường Hoàng gia để định vị vị trí Chính điện Tây Đô; thám sát, khai
quật thăm dò kiến trúc tại các cửa thành để làm rõ phân khu các khu vực
trong
nội thành…
Tại buổi làm việc, các nhà khoa học có nhận xét rằng,
sau khi Thành nhà Hồ được công nhận là DSVHTG, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa
bắt tay ngay vào thực hiện các cam kết với UNESCO góp phần làm phong phú
và khẳng định thêm giá trị độc đáo, duy nhất của Thành nhà Hồ.
Các nhà khoa học đã đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần nhanh
chóng xây dựng và trình phê duyệt quy hoạch tổng thể khu di sản Thành
nhà Hồ để có kế hoạch, phương án khai quật, bảo tồn và quản lý phù hợp.
Trong đó đặc biệt lưu ý đến vấn đề khai quật tới đâu,
tiến hành bảo tồn tới đó. Bà Katherine Muller - Marin nói: Những kết
quả mà tỉnh Thanh Hóa đạt được về khảo cổ và nghiên cứu di sản Thành nhà
Hồ trong thời gian chưa đầy 2 năm sau ngày công nhận, thực sự rất ấn
tượng. Nó thể hiện sự nỗ lực và nghiêm túc trong việc thực hiện các cam
kết với UNESCO.
Cũng trong chương trình làm việc, đoàn công tác đã đi
kiểm tra thực địa công tác khảo cổ, bảo tồn tại di tích cồn Ngục và công
trường khai thác đá cổ tại núi An Tôn...
(Theo tienphong.vn)