Gỡ khó cho văn hóa đọc: Giá nước ta có tàu điện ngầm
Câu chuyện về văn hóa đọc thêm lần nữa lại được đặt lên “bàn nghị sự” của giới làm nghề*, nhân ý tưởng tổ chức một ngày hội đọc sách ở VN trên quy mô một lễ hội quốc gia.
“Giảm giá hết cỡ”, vẫn đầy người chê sách đắt.
Chỉ tại… xe máy!
Điều kỳ diệu gì sẽ xảy ra, khi VN có tàu điện ngầm? Văn hóa đọc sẽ hiện
diện khắp nơi, lượng người đọc tăng vọt? Nếu như đây quả thật là một
trong những nguyên nhân - mà trước nay ít người nhận thấy: “Môi trường
sống của người Việt hiện không hề khuyến khích đọc sách. Sự đi lại và
phương tiện giao thông đã không thuận lợi cho việc đọc sách. Trong khi
đó, ở các nước phát triển, đọc sách là một hoạt động phổ biến trong khi
di chuyển trên hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là trên tàu điện
ngầm” - ông Nguyễn Nhật Anh (Cty Nhã Nam) - nhận xét.
Tuy nhiên, khói bụi trên đường còn chưa tệ hại bằng “khói bụi” của môi
trường đọc trên Internet: “Câu view và xu hướng thương mại hóa, chạy
theo thị hiếu dễ dãi và nông cạn của nhiều tờ báo mạng và trang tin điện
tử hiện nay chính là môi trường độc hại nhất mà một người đọc sách khả
dĩ phải đối mặt. Môi trường ấy hằng ngày, hằng giờ làm xói mòn gu thẩm
mỹ của độc giả, nhất là bạn đọc trẻ, khiến hay thành dở, dở thành chuẩn
mực. Thị hiếu xuống cấp, mấu chốt từ đấy mà ra!” - nhà làm sách nói trên
“bốc bệnh”.
Và còn không dưới cả chục nguyên nhân “biết rồi, khổ lắm” như lâu nay chúng ta vẫn thường nghe nói...
Ngày hội sách - vì sao nên là ngày 21.4?
Không ít ngày hội sách đã được tổ chức và ít nhiều cũng đã tạo được
những đốm sáng, nhưng để trở thành một lễ hội có tính định kỳ ở cấp quốc
gia, được Chính phủ công nhận, thì chưa. Và vấn đề là nên chọn ngày
nào? Có ý kiến cho rằng nên chọn ngày 21.4, vì đó là một cột mốc lịch sử
đáng nhớ: Thời điểm ra đời tác phẩm “Đường Kách mệnh” (một trong 5 hiện
vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được công nhận là bảo vật quốc gia),
đồng thời cũng gần với Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23.4) từng được
UNESCO phát động và VN từng tham gia hưởng ứng, nên càng dễ kết nối
thành một “tuần lễ sách”. Cùng với “Ngày đọc sách”, là đề xuất xây dựng
Phố sách, không phải ở mức độ manh mún và tự phát như hiện nay, mà là
chuyên nghiệp và bài bản hơn...
Vấn đề là kịch bản nào cho ngày hội? Khi mà với người làm sách thì thiết
tưởng, có hội nào vui bằng việc bán được sách, nhất là sách... tồn kho.
Mà điều đó lại gần như chỉ xảy ra tại hội chợ sách được tổ chức thường
niên tại TPHCM - là nơi mà người ta chịu khó mua sách hơn hẳn ngoài Bắc -
“vốn chỉ đi xem là chính” (theo như quan sát của một nhà làm sách lâu
năm ở Hà Nội, có thâm niên dự hội chợ sách). Còn với người đọc sách, là
tìm được cái mình cần tìm giữa một biển sách mà vốn dĩ ngày thường đã
làm khó họ.
Và vì ngày hội dù sao cũng chỉ là một vài ngày và khó khăn không chỉ
riêng ta, nên hy vọng vực dậy văn hóa đọc ở ta thực sự là cả một câu
chuyện dài hơi, cần nhiều tâm huyết, nhẫn nại và cả những giải pháp
thông minh, đồng bộ, để việc đến với sách phải là tự thân, tự nguyện.
Với sách, đó mới là lẽ sống còn!
|
* Hội thảo khoa học “Văn hóa đọc và ngày đọc sách VN”
do Bộ Thông tin Truyền thông, Ban Tuyên giáo T.Ư và Hội Xuất bản VN
phối hợp tổ chức, diễn ra chiều qua (8.10) tại Thư viện Quốc gia (Hà
Nội).
“Đã đến lúc cần chấm dứt tình trạng, “gà nhà đá nhau”, cạnh
tranh không lành mạnh, để rồi tất cả chúng ta cùng thua trên một sân
nhà! Muốn thế, cần thành lập một hiệp hội mạnh gồm các NXB và Cty sách,
trong đó sẽ có một trung tâm bản quyền sách VN, đứng ra mua bản quyền
các đầu sách quốc tế rồi phân phối lại cho các NXB, cty sách VN. Điều
này sẽ tránh được tình trạng 2-3 Cty VN cùng tranh mua bản quyền một đầu
sách, tạo cơ hội để doanh nghiệp nước ngoài nâng giá và người thiệt
thòi là chính chúng ta. Việc giảm chi phí đầu vào không chỉ có lợi cho
các Cty kinh doanh sách, mà cả người đọc và nền văn hóa đọc” - thay vì
tâm đắc với ý tưởng “Ngày hội sách”, ông Nguyễn Cảnh Bình - GĐ Cty sách
Alpha - đưa ra kiến giải thiết thực hơn.
|
(Theo laodong.com.vn)
|