Tin
đồn trên đảo này có nhà tù bí mật giam cầm một nguyên thủ quốc gia, một
nhà văn, một ca sĩ, một nhà bác học… đã khiến người ta tìm tới đây. Hệ
thống nhân vật đa dạng, những mảnh đời chắp nối, cố giấu đi quá khứ,
hành động hiện tại cũng khác người, những trang sách đầy xúc cảm cứ dẫn
người đọc qua sự kiện này tới sự kiện khác, khắc nghiệt mà thi vị.
Hòn
Đảo Xanh này xem ra mang nặng dấu ấn phồn thực, trong tiếng đại bác bắn
như đã thành mùa để các đại sứ khâm sai trình quốc thư, đánh thức những
đam mê trần tục người dân xứ nhiệt đới. Và, chính từ nghi lễ có vẻ
trang trọng ấy, có những đứa bé ra đời. Hệ thống ý nghĩa được mở rộng
dần. Trong tiếng gầm của đại bác ấy, nhân vật Anh xuất hiện với những ký
ức giàu sự trải nghiệm.
Các
chương được đan cài, có lúc kể cho một giáo sĩ, một người mang khát
vọng tưởng như rất viển vông, về những mối tình ngỡ công khai mãnh liệt
nhưng vẫn vụng trộm, về đức tin tôn giáo tưởng bền vững mà có vẻ bị đày
ải, rồi đột ngột tác giả dẫn người đọc về đất nước Việt Nam. Ký ức về
với người mẹ quê miền Trung, với gia phả họ tộc nhiều chi nhánh rườm rà,
suy tư về thời trẻ, về công việc của người trí thức sau thời gian du
học… tất thảy hòa quyện cho người đọc hình dung được nhân vật Anh.
Nhưng
rồi tất cả như chìm đi với những chuyện cuốn hút của xứ đảo dị biệt
này. Con người ở đây có tính cách lạ, ông chủ quán San Hô thường ngồi
đếm tiếng đại bác nhưng đang ngấm ngầm thực hiện một việc lớn, một giáo
sĩ không lên tiếng nói vì lời nguyền từ lâu, chỉ thể hiện bằng ngôn từ
qua viết mà lại viết bằng tay trái và hành thêm nghề đoán định số mệnh.
Cả
những nhân vật tưởng như được đặt tên chung chung, mang tính khái niệm,
đều có tính cách đa dạng, lúc thực dụng với những bản năng, lúc hoang
tưởng với những bí tích tôn giáo nguyên thủy, đang vùng vẫy thoi thóp
trong thời hiện đại nhiều phát minh khoa học.
Ở
Đảo Xanh, Hồ Anh Thái bàn nhiều về thời hiện đại, đó là đức tin tôn
giáo, thể chế chính trị, công nghệ truyền thông, truyền hình. Phải nói
rằng bằng mẫn cảm của nhà văn, sự lạnh lùng của cây bút phân tích, Hồ
Anh Thái đã có những trang đàm tiếu sắc nét về các thần tượng, nhân vật
của công chúng qua sự phù phép của truyền hình, tung hô mớ kiến thức
thập cẩm.
Điều
này đã làm đảo lộn quan niệm của đông đảo công chúng về giá trị thực
của xã hội con người hôm nay. Trong cuốn sách, dường như tác giả cũng
bày tỏ quan niệm rằng phương tiện thông tin nghe nhìn cản trở việc đem
đến khả năng tư duy thực sự cho con người.
Cũng trong chính Đảo Xanh, Hồ Anh Thái đã dành một số trang thể hiện quan niệm của anh về thiên chức người cầm bút.
Anh
cho rằng nhà văn viết trời viết đất gì chăng nữa thì thiên hạ vẫn thấy
anh ta viết về những người xung quanh mình. Cho nên, suy cho cùng, Đảo
Xanh vẫn là cách dựng chuyện mang tính truyền thống, với lời văn gần gũi
thân thiện, luôn gợi cho người đọc một sự liên tưởng xa rộng hơn. Nói
cho cùng, ký ức là điều không thể xóa nổi, cả thân phận con người nữa.
Đóng góp của Hồ Anh Thái, một nhà văn đang sống và làm việc ở nơi xa Tổ
quốc, cũng chính là như vậy.
(Theo nld.com.vn)