38 bản phác thảo lưu lạc hơn 35 năm
|
Một trong số 38 bức phác họa, phác thảo. |
Một ngày đầu tháng 10/2012, ông Nguyễn Tiến Dân
(công tác tại Văn phòng miền Trung, Báo Cựu Chiến binh) cung cấp cho
chúng tôi một số thông tin và hình ảnh về 38 bức phác thảo lưu lạc hơn
35 năm sau trận đánh Long Tân (Bà Rịa - Vũng Tàu), với mong muốn qua Báo
GĐ&XH Cuối tuần tìm lại chủ nhân hoặc thân nhân để trao trả kỷ vật
và biết đâu sẽ giúp tìm được một số liệt sĩ của quân đội Việt Nam chưa
tìm ra mộ...
Ông Dân cho biết, đầu năm 2012, Trung tâm thông tin
về liệt sỹ Việt Nam (MARIN) nhận 38 bức vẽ phác thảo từ ông Derrill De
Heer, thành viên thuộc nhóm dự án tìm mộ Liệt sĩ Việt Nam thuộc Đại học
Tổng hợp New South Wales kết hợp với Học viện Quốc phòng Australia, đã
thực hiện dự án 6 năm nay.
Theo hồ sơ, trận chiến ngày 18/8/1966 tại Long Tân có
sự tham gia của lính Australia, phía Australia thu được một số tài liệu
của bộ đội Việt Nam. Tất cả những tài liệu này đều được gửi về Cục tình
báo của Hoa Kỳ, trong số này có 38 bức phác thảo.
Theo ghi nhận của phía Australia và cả phía Việt
Nam thì trận Long Tân là một trận đánh lớn. Phía Việt Nam có 2 lực lượng
tham gia: Một là, bộ đội chủ lực là Trung đoàn 275 (E 275, là một trong
ba trung đoàn của sư đoàn 5 -sư đoàn chủ lực của miền Đông Nam Bộ). Hai
là, bộ đội địa phương của Bà Rịa gồm 2 tiểu đoàn: tiểu đoàn 445 (D445)
và tiểu đoàn 440 (D440).
Cũng theo thông tin từ phía Australia, trong ngày
giao tranh đó có 397 bộ đội Việt Nam hy sinh. Và trong tài liệu của
MARIN tìm kiếm được thì riêng Trung đoàn 275 có 175 chiến sỹ Việt Nam hy
sinh (44 người miền Bắc, còn lại là người Nam Bộ).
Được biết, trước đây dự án này chủ yếu tập trung vào
việc tìm và xác định tọa độ chôn cất các chiến sĩ Việt Nam để cung cấp
thông tin cho phía Việt Nam. Tính đến thời điểm này, họ đã xác minh được
thông tin về hơn 4.000 liệt sĩ Việt Nam. Họ đã cung cấp cho Bộ quốc
phòng Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Trung tâm MARIN.
Năm 2011, một cựu chiến binh người Australia từng
tham chiến tại Việt Nam có liên hệ với nhóm của ông Derrill nhờ tìm thân
nhân hoặc chủ nhân của cuốn Sơ yếu lý lịch có tên là Phan Thanh Nhơn.
Và đầu tháng 3/2012, phía ông Derrill đã mời MARIN tham dự cuộc trao di
vật đầu tiên này cho mẹ của liệt sĩ Phan Thanh Nhơn là bà Nguyễn Thị
Hiếu hiện đang sinh sống tại Đồng Nai.
Sau sự việc trên cùng với việc tìm thông tin về nơi
chôn cất chiến sĩ Việt Nam, phía Australia đã phát động toàn nước
Australia tìm và trao trả di vật cho phía Việt Nam. Nhóm ông Derrill De
Heer đã tìm kiếm tài liệu và phát hiện ra 38 bản vẽ phác thảo này.
"Họ muốn thông qua MARIN cung cấp các thông tin này
cho giới truyền thông Việt Nam để có thể tìm chủ nhân hay thân nhân của
chủ nhân để trao trả lại kỷ vật", ông Dân cho biết. Được biết, trong
trường hợp không tìm được chủ nhân hay thân nhân, họ sẽ tặng lại cho một
viện bảo tàng của Việt Nam.
(Theo giadinh.net.vn)