Trọn đời một cõi “Xem đêm”
 |
Tập “Xem đêm” của Phùng Cung |
Giải Thành tựu trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội năm nay đã tìm được một chủ nhân vô cùng xứng đáng: tập “Xem đêm” của thi sĩ Phùng Cung.
“Cùng một lứa bên trời lận đận” với các tên tuổi của nhóm Nhân văn giai phẩm như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán... nhưng về sự nghiệp, từ trước tới nay chưa có một sự tôn vinh công bằng nào dành cho Phùng Cung.
Có đọc tập “Xem đêm”, người ta mới hiểu vì sao nhà văn Phùng Quán tình nguyện trở thành một kẻ đi đọc thơ rong và quyên tiền để giúp Phùng Cung và nhân sĩ Nguyễn Hữu Đang, người sống một đời trong nghèo khổ, chắt chiu lại xuất toàn bộ tiền dành dụm cho việc in và xuất bản tập thơ này.
“Xem đêm” là một tập thơ mang tầm thế kỷ, mỗi bài thơ là một bức họa tuyệt phẩm mà tác giả đã dùng ngôn từ để vẽ lên nó bằng tất cả tấm lòng yêu thương trân trọng dành cho nông thôn đồng bằng Bắc bộ.
Nhà thơ Hoàng Cầm nhận xét: “Mỗi bài thơ, có khi chỉ một câu đều như những luồng điện không giật chết người nhưng cứ thắt vào tim những luồng rung động thấm rất sâu”.
Còn nhà văn Phùng Quán thừa nhận: “Đọc thơ anh, tôi bỗng thấy thiên nhiên quanh tôi vụt giàu có lên bất ngờ và trở nên đẹp đẽ đến xao xuyến tận đáy lòng- những vẻ đẹp từ trước đến nay tôi vẫn nhìn mà không thấy”.
Cái vẻ đẹp của nông thôn Việt Nam mà nhiều người “đã nhìn mà không thấy” ấy hiển hiện trong thơ Phùng Cung nhỏ xinh như một món đồ ngoạn hảo mà người yêu đồ cổ ưa cầm để ngắm trong tay.
Mỗi bài thơ đầy chất thơ, chất họa và giục giã sự “cùng gợi mở” của người đọc như một công án thiền, nhưng nó không lánh đời, không kiêu kỳ mà ấm áp vô cùng bởi tình yêu thương cuộc sống, con người, cảnh vật: “Đầu mùa nắng- dứ/Hạt mồng tơi kênh đất nghé trời/Chuối con gái vội hong búp lụa/Cánh chuồn chuồn lia từng bóng râm con”(Nắng dứ) hay “Đê tiền triều gãy khúc/Đồng ngập trắng/Con lềnh đềnh cõng-vắng bơi suông/Thương em đứng giữa mùa-nước mắt” (Mùa nước mắt)... Những câu thơ của Phùng Cung khiến người đọc cảm nhận nỗi gai người và đau thắt ở trong tim.
Phùng Cung từng bị tù đày, sống một đời cơ hàn trong trầm luân khổ ải, vắt kiệt sức mình vì nỗi sinh nhai nên ông chỉ có một “Xem đêm”, nhưng có hề gì, chỉ cần một tập thơ đó, tên tuổi của ông đã có vị trí ở thi đàn Việt Nam, không phải một góc nhạt nhòa nào đó mà phải ở chỗ sáng rõ “mặt tiền”.
Cái nỗi nghèo đói trong thơ Phùng Cung khiến người ta đau đến quặn thắt nhưng không hề bi thương mà vẫn thấy cháy lên một tình yêu cuộc sống: “Rổ không hờ hững quang treo/Nắng thả chào mào- nghiêng nghé/ Chó vẽ bóng gầy sân bếp/Gió-khều tã vá múa may” (Gia cảnh).
Phùng Cung thương những người phụ nữ quanh ông, có thể là mẹ, là chị, là vợ, hay là một người tình lỡ. Nỗi thương ấy xoáy vào lòng người đọc như những vết đinh: “Em vất vả/Tối ngày tất tả/Lưng áo em/Ngoang vôi trắng xóa/Cái trắng này/Vắt tận trong xương” (Mồ hôi xương) hay “Giọt nhớ ướt đằm nỗi nhớ/Luống cải vườn xưa/Đã lỡ xanh...Tay vịn đêm/Đầy mùi xa vắng/Nghe xóm nói/Em đi lấy chồng xa nghèo lắm/Có một lần về/Nhắn hỏi thăm anh” (Lỡ xanh).
Thương chị, ông viết: “Chị đi lấy chồng/Cuối hè năm đói/Phù sa lặn lội/Má phấn úa dần/Nón vá mo cau/Dấu chân chim đầy mặt/Thời gian trộm cắp hết ngày xưa” (Nuối tiếc), mỗi dòng chữ đọc lên nghe như một tiếng thở dài.
Phùng Cung trải mười mấy năm tù đày vì án văn chương, Phùng Quán kể ra tù ông tránh xa “mùi bút mực”, phụ vợ đập đinh, bán bánh rán, những lúc rảnh tay ông ngồi buồn thiu, chấm ngón tay vào đáy chén trà cặn, viết một từ gì đó lên mặt bàn. Liệu có phải là “Quất mãi nước sôi /Trà đau nát bã/ Không đổi giọng Tân- Cương”?
Trầm luân khổ ải cùng bao nỗi đọa đày trần thế, nên Phùng Cung thương quá đất nước mình: “Đất nước ơi/Tôi mến người/Như khi nhìn em bé ngủ/Tôi thương người/Như thương mẹ ốm/Vì đâu/Người khoác manh áo đỏ/Thừa sai- cũn cỡn/Tủi nhục tháng ngày/Long đong chiều sớm/Ôi! Có bao giờ/Người đau đớn như thế này không” (Đất nước).
Đọc thơ Phùng Cung, tôi thêm phần kính yêu Tiếng Việt, bởi “phúc đức tại mẫu”, bởi Tiếng Việt phải là một người mẹ tảo tần thơm thảo thế nào mới sinh được trong lòng mình những thi sĩ như thế. Tiếng Việt sinh ra Phùng Cung, rồi Phùng Cung lại hiến đời mình cho Tiếng Việt bằng một tấc lòng lúc nào cũng mang nặng ơn nghĩa sinh thành.
Phải là người thế nào thì Phùng Cung mới viết được bài thơ mà lòng yêu kính cái Đẹp trải rộng như biển cả thế này chứ: “Sáng nay may mắn ra đường/Đi một quãng/Gặp toàn người Đẹp/Tôi sung sướng/Trào nước mắt/Muốn đưa lưng/Làm thảm trải lối đi” (May mắn). Một cõi lòng thiêng làm người đọc phải trào nước mắt theo ông.
Giải thưởng Thành tựu trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội 2012 trao vào sáng 10/10 vừa qua là giải thưởng đầu tiên Phùng Cung nhận được trong đời, nhưng với lòng yêu kính một tài thơ đã “tìm đất sạch dọn mình vào vĩnh viễn”, tôi ước ao đây sẽ không phải là giải thưởng duy nhất dành cho tập “Xem đêm”.
Yêu kính Phùng Cung vô cùng qua thơ ông, qua đời lận đận của ông, trong tôi vẫn hình dung ở một cõi xa xăm nào, ông dáng gầy vẫn còn nguyên đó. Vẫn còn: “Tôi đứng trong đêm/Ngửng đầu nhìn cao xa/Vọng hỏi/Có phải nước mắt con người/Đằm đằm giội xuống/Mà trên thiên cầu/Bao vì sao xao xuyến đổi ngôi”.
(Theo phunutoday.vn)