Để văn học về LLVT và chiến tranh cách mạng xứng tầm hiện thực
1. Để có những tác phẩm văn học lớn viết về người chiến sĩ thời đại Hồ
Chí Minh, có lẽ phải xuất phát từ việc đánh giá lại di sản văn học về
chiến tranh Cách mạng và người chiến sĩ giai đoạn 1945-1975 ở cả khía
cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Nhìn nhận thêm cả cái chưa được không phải
làm giảm giá trị hoặc tìm cách phủ nhận văn học về người chiến sĩ thời
kỳ này, nhưng nếu không có một nhận thức khách quan, khoa học thì khó có
thể nhẹ gót bước vào tương lai để tìm ra những hướng sáng tạo mới cho
một đề tài mà nhiều người cho rằng đã được khai thác cạn kiệt.
Dòng
chủ đạo của văn học Cách mạng thời kỳ 1945-1975 là viết về người chiến
sĩ và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nhân vật văn học ở thời kỳ
1945-1975 là công nông binh và đối tượng để văn học hướng tới cũng là
đại chúng công nông binh. Cho nên, nhiệm vụ của văn học được xác định
ngay từ đầu là phải phản ánh công cuộc kháng chiến và hoạt động chiến
đấu của người chiến sĩ; qua đó để tuyên truyền làm thay đổi nhận thức
cho người đọc. Chẳng hạn, Tô Hoài viết “Truyện Tây Bắc” (1954) là để cho
mọi người biết đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc đã đánh Pháp như thế
nào và góp phần gây dựng tình đoàn kết, cổ vũ mọi người chống giặc ngoại
xâm.
Nếu
chúng ta khu biệt văn học về người chiến sĩ và rộng ra là nền văn học
Cách mạng 1945-1975 để so sánh với các giai đoạn văn học trước thì nhận
ra văn học Cách mạng không phải là một thời kỳ quá đặc biệt. Trước hết,
quan niệm văn học là công cụ tuyên truyền thì từ khi Hoàng đế Lê Thánh
Tông trị vì (1460-1497) biến Nho giáo thành độc tôn đồng thời cũng biến
văn chương là công cụ để giáo hóa, để “tải đạo”. Đến thời kỳ của Nguyễn
Du và Hồ Xuân Hương (cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX) văn chương mới có
phần “vị nghệ thuật” hơn. Nhưng đến khi quân Pháp sang xâm chiếm nước
ta, văn chương lại phục vụ xã hội, văn chương kêu gọi lòng yêu nước,
chống giặc ngoại xâm lại mạnh lên làm chủ đạo.
Có thể
nói ngắn gọn, văn học về người chiến sĩ thời kỳ 1945-1975 chủ yếu tập
trung đến vấn đề nội dung được phản ánh, chứ không coi trọng lắm những
vấn đề hình thức nghệ thuật. Vì vậy, đánh giá văn học viết về người
chiến sĩ thời kỳ 1945-1975 phải đánh giá theo góc độ giá trị lịch sử và
hiệu quả phục vụ xã hội, chứ không nên đánh giá thông qua những cách tân
nghệ thuật. Như nhà thơ Tố Hữu (1920-2002) - lá cờ đầu của thơ ca Cách
mạng tự nhận xét về thơ mình: “Thơ tôi có tính biên niên sử, đọc nó nên
chú ý đến thời gian và bối cảnh lịch sử của nó” (Trích trong “Tố Hữu -
Thơ và đời”, NXB Văn học, 2003, trang 236).
Một
vấn đề khác cần nhìn thẳng vào sự thật đó là văn học viết về người chiến
sĩ thời kỳ 1945-1975 đôi khi rơi vào sơ lược, công thức giáo điều trong
xây dựng hình mẫu nhân vật người chiến sĩ. Điều này bắt nguồn từ việc
văn học thời kỳ 1945-1975 là nền văn học được/bị sử thi hóa. Văn học
thời kỳ này mang tính chất sử thi do phản ánh những vấn đề lớn, những
biến đổi lớn của xã hội. Nhân vật văn học nếu không phải là tập thể thì
cũng đa phần là cá nhân có năng lực lao động và chiến đấu hơn người bình
thường. Thực tế chứng minh, qua thử thách của thời gian, những tác phẩm
viết về người chiến sĩ ít đi theo khuôn mẫu xây dựng nhân vật quá điển
hình, bớt cứng nhắc mới trụ lại lâu trong trí nhớ độc giả.
2. Từng
10 năm trong quân ngũ và trực tiếp tham gia chiến đấu trong cuộc kháng
chiến chống Mỹ, bản thân tôi hiểu được thắc mắc chính đáng của rất nhiều
người trong và ngoài văn giới rằng: Vì sao hiện thực hai cuộc kháng
chiến chống Pháp và chống Mỹ vĩ đại nhưng chưa có tác phẩm xứng tầm?
Cần
phải nhìn ngược lại hạn chế của văn học thời kỳ 1945-1975 như đã nêu
trên để lý giải phần nào câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ. Chính vì quan niệm máy
móc văn học phải phản ánh chân thực kiểu “soi gương” những hoạt động sản
xuất và chiến đấu của quân dân ta đã nảy sinh ra ý nghĩ khá ngây thơ
khi cho rằng: Hiện thực chiến tranh quá vĩ đại, nhà văn chỉ cần bê
nguyên xi hiện thực vào trong tác phẩm là sẽ có tác phẩm lớn! Đây là một
nhận thức quá sai lầm do không đếm xỉa đến những quy luật đặc thù của
văn học.
Nếu ai
đó từng đọc các tiểu thuyết nước ngoài viết về chiến tranh đều thấy các
nhà văn rất ít khi trực tiếp viết về những chất liệu cuộc chiến như: Sự
rèn luyện của người chiến sĩ, phương án tác chiến, kết quả trận đánh...
Những chất liệu này chỉ phù hợp với một tác phẩm phi hư cấu
(nonfiction) như một cuốn chiến sử, hồi ký... Văn học là hư cấu
(fiction) cho nên hầu hết các nhà văn đều sử dụng chiến tranh như cái
“khung” cho tác phẩm để họ đặt những vấn đề yếu tính của con người và
thời đại; chỉ khi đặt vào hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, những vấn đề
quan yếu của con người được phơi bày hết mức có thể. Một khi làm rõ thân
phận con người theo chiều sâu thì cũng là lúc cuộc chiến được soi chiếu
ở nhiều góc độ, giúp tác phẩm có tầm cao tư tưởng hơn hẳn loại tác phẩm
“cóp-pi” hiện thực.
Bên
cạnh thay đổi cái nhìn về chiến tranh và người chiến sĩ, văn học về đề
tài lực lượng vũ trang và chiến tranh Cách mạng muốn có tác phẩm lớn
không thể chối bỏ việc cần phải thay đổi những thủ pháp hình thức. Thời
đại đã biến chuyển, trình độ tiếp nhận của người đọc ngày một nâng cao,
nếu tiếp tục viết theo lối cũ chắc chắn không thể thu hút họ yêu thích
đề tài sử dụng chất liệu cũ. Vấn đề làm mới những cách thức diễn đạt
thành công phải xuất phát từ nhận thức tự thân của mỗi người sáng tạo.
Theo
quan sát của tôi, hiện nay, vẫn chưa có cây bút nào viết khác đi bởi cái
nhìn và cách viết của họ vẫn không tiến xa bao nhiêu so với các nhà văn
đàn anh trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Ngày hôm nay, khi đất
nước đã hòa bình, văn học viết về chiến tranh Cách mạng và người chiến
sĩ cần một cuộc “lột xác”; cốt lõi để quá trình đổi mới nằm ở việc các
cây bút cần có nhận thức về bản chất thẩm mỹ của văn học, chứ văn học
không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ phản ánh trung thành hiện thực. Hiện
nay, còn rất nhiều ngả đường thể nghiệm còn chưa được khai phá; cho nên,
không nên quá bi quan về vấn đề khó có tác phẩm văn học lớn về chiến
tranh Cách mạng và người chiến sĩ.
(Theo qdnd.vn)