 |
Luật Thủ đô sẽ tạo cơ chế cho Hà Nội có đủ điều kiện thực hiện quy hoạch, đầu tư, xây dựng và phát triển bền vững. Ảnh: Bá Hoạt |
Hà Nội không chỉ là một đô thị cấp đặc biệt
Tất cả những lý do khiến Luật Thủ đô chưa được thông qua tại QH khóa
XII, đã được Ban soạn thảo nghiên cứu, sửa và sẽ giải trình kỹ trong
ngày 5-11 tới. Tinh thần chung của việc chỉnh lý dự thảo Luật là làm rõ
các quy định, chế tài cho Thủ đô với tư cách là trung tâm chính trị -
hành chính của cả nước - một đô thị đặc biệt. Đồng thời, có một ý mới
rất đáng ghi nhận là bổ sung những điều khoản liệt kê trách nhiệm của
Thủ đô đối với cả nước. Theo đó, chương I nêu: Xây dựng và phát triển
Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước; phát huy tiềm năng,
thế mạnh của Thủ đô góp phần phát triển KT-XH của vùng Thủ đô và cả
nước. Hà Nội chủ động phối hợp và hỗ trợ các tỉnh trong vùng Thủ đô và
địa phương khác trong cả nước thông qua việc mở rộng các hình thức liên
kết, hợp tác cùng phát triển.
Điểm nhấn tiếp nữa, Ban soạn thảo chủ trương không yêu cầu các cơ quan
TƯ hỗ trợ thêm nguồn lực mà chỉ muốn tạo cơ chế cho Hà Nội có đủ điều
kiện thuận lợi để thực hiện quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý và phát
triển bền vững. Một số nội dung điển hình góp phần làm tăng thêm cơ sở
điều hành, trách nhiệm cho chính quyền Hà Nội gồm: ưu tiên phát triển hệ
thống vận tải hành khách công cộng; cải tạo, phục hồi nhà cổ; có cơ chế
ưu đãi đối với các tổ chức cá nhân tham gia thực hiện chương trình khoa
học công nghệ trọng điểm của Thủ đô cao hơn mặt bằng chung của cả nước;
quản lý tình hình nhập cư vào khu vực nội thành; HĐND TP được quyết
định mức thu phí vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây
dựng ở nội thành cao hơn nhưng không quá 2 lần so với mức thu do Chính
phủ quy định. Bên cạnh đó, Luật cũng khẳng định rõ, đây là cơ quan cùng
với UBND TP phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, yếu kém xảy ra trong
công tác xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô. Đi kèm với dự thảo là
tờ trình dự án luật, báo cáo đánh giá tác động Luật Thủ đô sau khi đi
vào thực tiễn, bản thuyết minh chi tiết, báo cáo nghiên cứu pháp luật
thủ đô nước ngoài để đại biểu QH dễ đánh giá những điểm ưu việt mà Ban
soạn thảo đã chọn lọc.
 |
Luật Thủ đô sẽ tạo cho Hà Nội có bước phát triển mới. Ảnh: Viết Thành |
Rõ đặc thù
Để đánh giá về chất lượng Luật Thủ đô, Ủy ban Pháp luật của QH đã làm
phép so sánh. Cơ quan này cho rằng, so với các tỉnh, TP trực thuộc TƯ
khác thì Hà Nội cũng là một đô thị lớn và là đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Tuy nhiên, điều khác cơ bản, đó là Hà Nội là Thủ đô của cả nước, nơi
đặt trụ sở các cơ quan TƯ của Đảng và Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã
hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và là nơi diễn ra các
hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước. Về mặt quốc
phòng, an ninh, đây là địa bàn đặc biệt quan trọng không thể để xảy ra
bất kỳ biến cố bất thường nào. Vì vậy, Hà Nội cần phải được bảo đảm đầy
đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ, quốc phòng, an
ninh để làm tròn chức năng Thủ đô của cả nước. Trách nhiệm này không
những thuộc về chính quyền Hà Nội mà còn của TƯ. Do đó, Ủy ban Pháp luật
tán thành cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội để có
thể khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh nhằm phát triển Thủ đô xứng
đáng là bộ mặt của cả nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý nhấn mạnh, xây dựng Luật
Thủ đô là làm luật cho Thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt
Nam, chứ không phải là làm luật cho một tỉnh/TP trực thuộc TƯ. Do đó,
luật này sẽ điều chỉnh Hà Nội với tư cách là Thủ đô của cả nước, mọi
công dân Việt Nam đều phải chăm lo đến việc phát triển của Thủ đô.
Hai điểm trước đây bị đại biểu QH chê, các nhà làm luật tỏ ra e ngại, đó
là siết nhập cư khu vực nội đô và nâng mức xử phạt vi phạm hành chính,
nay với phân tích kỹ càng, khoa học của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị
trong phiên họp thứ 12 của UBTVQH diễn ra vào tháng 10 vừa qua đã được
cả cơ quan thẩm tra và Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng và không ít đại
biểu QH trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thủ đô nhận xét bằng 3
chữ đầy tâm đắc "rõ đặc thù". Phát biểu của đồng chí Phạm Quang Nghị đã
cho thấy, quản lý dân cư là hết sức quan trọng để cho Thủ đô khang trang
hơn, trật tự hơn, giúp cho Hà Nội thực hiện chức năng của Thủ đô một
nước trong công tác đối ngoại và bảo đảm hoạt động cho các cơ quan Đảng,
Nhà nước, Chính phủ. Cần nhìn nhận, xu thế đô thị hóa là một xu thế gần
như toàn cầu và các nước cũng vậy, kể cả thủ đô của Ấn Độ hay Trung
Quốc thì việc dân cư của các nơi tràn về thủ đô đều là việc hiển nhiên.
Chỉ có câu chuyện phải lưu ý là làm sao khi dân cư nhập về phải theo quy
hoạch, theo kế hoạch và có trật tự.
Về mức xử phạt hành chính cao hơn các địa phương khác cũng chỉ là giải
pháp hành chính trong tổng thể nhiều giải pháp để giảm gánh nặng cho cơ
sở hạ tầng của Thủ đô. Từ đó, đáp ứng và phục vụ nhân dân và du khách
tới thủ đô tốt hơn, chứ không phải nhằm mục đích tăng thu cho ngân sách
TP.
Ở góc nhìn tương tự, Luật sư Đoàn Ngọc Nam - Đoàn Luật sư Hà Nội khẳng
định: "Quan điểm của tôi về Luật Thủ đô từ trước đến nay không thay đổi.
Hà Nội trước hết là một đô thị, rồi mới có những tính chất đặc biệt của
một thủ đô với chức năng đặc thù về địa vị pháp lý và địa vị chính trị.
Tại dự thảo mới nhất, điều dễ nhận thấy là đi kèm với các cơ chế chính
sách đặc thù có phần thuận lợi cho sự phát triển của Thủ đô, các cơ quan
của Hà Nội sẽ phải chịu trách nhiệm cao hơn và sẽ nhận được sự chỉ đạo
sát sao của Thủ tướng Chính phủ". "Luật đã bàn nhiều, đã chỉnh sửa những
điều chưa phù hợp, vì vậy không nên kéo dài quá, tôi và nhiều đồng
nghiệp đều mong Luật Thủ đô sẽ được QH phê chuẩn tại kỳ họp này"- ông
Đoàn Ngọc Nam nói.
* Bộ
trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son: Hà Nội là Thủ đô của cả
nước, Hà Nội gánh trên mình trách nhiệm chính trị rất lớn mà không địa
phương nào có thể thay thế được, vì vậy, Hà Nội phải được trao những
điều kiện để xứng đáng là Thủ đô của cả nước. Chúng ta đã có Pháp lệnh
Thủ đô và việc nâng cấp Pháp lệnh Thủ đô lên thành luật là điều đương
nhiên trong tiến trình xây dựng luật pháp.
* Luật sư Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn Luật sư Hà Nội: Hiện Hà Nội
đang chịu nhiều áp lực giữa tốc độ gia tăng dân số tự nhiên với hạ tầng
xã hội. Luật Thủ đô nếu được ban hành sẽ giải tỏa được vấn đề này. Tuy
nhiên, cũng cần kết hợp các biện pháp khác như đầu tư cho ngoại thành,
phát triển vùng Thủ đô.
Bách Sen - Nguyễn Hải
lược ghi |