Tán thành với sự cần thiết ban hành dự luật, đại biểu Phạm Trọng Nhân -
Bình Dương đánh giá, Ban soạn thảo đã tâm huyết, lắng nghe các ý kiến
đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện dự án Luật. Tuy nhiên, một số
quy định vẫn còn mang bóng dáng “nghị quyết”, nên được cụ thể hóa nhiều
hơn nữa, làm rõ tính đặc thù của Thủ đô. Đặc biệt, về việc di dời các cơ
sở công nghiệp, bệnh viện, cần quy định rõ số lượng đơn vị phải di dời,
thời gian, thời hạn di dời.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh - Hải Phòng cũng ủng hộ việc giao cho Thủ đô Hà
Nội những cơ chế đặc thù như về dân cư, giao thông... Tuy nhiên, dự luật
nên làm rõ, nổi bật hơn các vấn đề này bởi đây đang đều là những vấn đề
gây bức xúc không chỉ với riêng Hà Nội, mà với cả nước.
Ông cũng tán thành với việc cho phép HĐND Thành phố Hà Nội được ban hành
các biện pháp để quản lý đất đai, nhưng luật cần cụ thể hóa luôn các
biện pháp của HĐND.
Nhận xét dự luật đã được chuẩn bị công phu, việc ban hành là cần thiết,
đại biểu Lê Nam - Thanh Hóa cho rằng, do thủ đô là trung tâm chính trị,
hành chính quốc gia nên Luật cần quy định trung tâm này phải được quản
lý, xây dựng như thế nào cho rõ ràng, riêng biệt, cụ thể.
Đại biểu Nam hoàn toàn đồng tình với việc cho Thủ đô những cơ chế đặc
thù bởi những yêu cầu riêng này là rất cần thiết cho Thủ đô.
“Những địa phương khác cũng cần những yêu cầu này nhưng vì không phải
Thủ đô, nên không thể được hưởng sự ưu tiên. Trong khi đó, những đặc thù
này không có trong các luật khác nên cần phải ban hành Luật Thủ đô”,
đại biểu Nam nói.
Là một đại biểu của Thủ đô Hà Nội, đại biểu Nguyễn Đức Chung đã truyền
tải tới Quốc hội tâm tư, nguyện vọng của cử tri Thủ đô là mong muốn Luật
Thủ đô được thông qua ngay tại kỳ họp này.
Ông cho biết, những quy định trong dự luật là rất cần thiết để đảm bảo
cho Thủ đô Hà Nội thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, xứng đáng với
vị trí là trung tâm hành chính chính trị của cả nước.
Ở lĩnh vực tham gia quản lý, đại biểu Chung ủng hộ việc thiết lập các
điều kiện để hạn chế nhập cư nội thành. Thống kê cho thấy, 33-35% tỷ lệ
tội phạm ở Hà Nội là người ngoại tỉnh, vì vậy, việc hạn chế nhập cư nội
thành chính là nhằm giúp Hà Nội thực hiện tốt quy hoạch chung của Chính
phủ, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô, giúp
Hà Nội an toàn hơn.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo – Vĩnh Phúc cho rằng, không
nên tập trung dân quá đông ở nội thành. Theo ông, Hà Nội cần di dời các
trường học, bệnh viện, các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành; giữ nguyên
các công viên, hồ nước hiện có, đồng thời xây dựng thêm để tạo hành lang
cây xanh cho Hà Nội.
Nhằm giảm tải bớt áp lực về giao thông nội đô, đại biểu Bảo ủng hộ
phương án xây dựng hệ thống cầu vượt và đường sắt trên cao, đồng thời,
phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng nội đô song song với lấy ý
kiến nhân dân về việc từng bước cấm xe gắn máy lưu thông trong nội đô
theo lộ trình từ 7-10 năm.
Theo đại biểu Thượng tọa Thích Thanh Quyết – Quảng Ninh, từ khi thành
lập nước đến nay, Thủ đô luôn là đầu não chính trị của cả nước, là trung
tâm lớn về văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật… của cả nước. Pháp lệnh
Thủ đô đến nay đã không còn phù hợp và một số điều không còn đủ tính
pháp lý so với các bộ luật khác mới được ban hành, do đó, việc nâng Pháp
lệnh lên thành Luật là cần thiết cho phù hợp với tình hình mới.
“Với những đặc thù riêng, Thủ đô cần có luật riêng vì Thủ đô là của cả nước", Thượng tọa nói.
Về quản lý dân cư, Thượng tọa cũng cho rằng, qua 5 năm thực hiện Luật cư
trú, dân số nội thành đã tăng lên rất nhanh, gây sức ép lớn về quản lý
đô thị, vì vậy, cần có chế tài hạn chế di cư tự do, ồ ạt, từ đó nâng cao
chất lượng người dân Thủ đô. Tuy nhiên, quy định về đối tượng được nhập
khẩu vào nội thành cần cụ thể và chặt chẽ hơn nữa, tránh tạo kẽ hở.
Nhấn mạnh tới chức năng đầu não chính trị của cả nước mà các thành phố
lớn khác như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng không có, đại biểu Trương Trọng
Nghĩa – TP. Hồ Chí Minh ủng hộ việc sớm ban hành Luật Thủ đô nhằm xác
định địa vị pháp lý của Thủ đô. Theo ông, vì Thủ đô là “đầu não” của cả
nước, nên cần được ưu tiên, nhưng Thủ đô đồng thời cũng là “đầu tàu”,
nên cũng phải có trách nhiệm tạo động lực phát triển cho cả nước.
Chung mối quan tâm về các quy định quản lý nhập khẩu, đại biểu Nghĩa cho
rằng, việc quy định điều kiện nhập cư vào nội đô theo huyết thống sẽ
tạo điều kiện dễ dàng hơn so với những người có nhu cầu nhập cư thực sự,
tiêu cực có thể tăng lên.
“Tôi đồng ý có rào cản kỹ thuật trong điều tiết, nhưng không nên dựa
nhiều vào huyết thống, có thể bằng quy định về chỗ ở cố định, đồng thời
đẩy mạnh việc phân khu chức năng để hạn chế nhập cư nội đô và theo đó,
những ai muốn ở nội đô thì không được ưu đãi so với ở các khu vệ tinh,
từ đó bớt sức ép với nhập cư nội đô”, đại biểu Nghĩa đề xuất.
Mở đầu phát biểu của mình bằng nhận xét: “Đây là dự luật khiến Quốc hội
vật vã nhất, phân tâm nhiều nhất. Ai cũng muốn Hà Nội có cơ chế để phát
triển tương xứng nên mong luật phải thật hoàn thiện”, đại biểu Dương
Trung Quốc – Đồng Nai cũng thừa nhận: “Đòi hỏi sự hoàn thiện của Luật,
cầu toàn là khó trong điều kiện xây dựng Luật ở nước ta khi mỗi bộ luật
có đời sống 5-7 năm là phải thay đổi, điều chỉnh, để có một bộ luật đầy
đủ cần thời gian lâu dài nữa”. Với quan điểm đó, ông ủng hộ thông qua
Luật trên cơ sở tiếp thu những đóng góp của đại biểu Quốc hội và các cơ
quan Chính phủ phải sớm xây dựng luật đô thị, trong đó chú trọng tới nội
dung về chính quyền đô thị, để đảm bảo nền tảng vững chắc cho Luật Thủ
đô.
Về quản lý dân cư, đại biểu Quốc nhất trí, bên cạnh các chế tài để đảm
bảo phát triển lõi nội đô, cần có những giải pháp, chính sách kích thích
sự cư trú ra những không gian rộng lớn còn lại của Hà Nội.
“Chúng ta chỉ có thể đấu tranh chống tiêu cực bằng cách xây dựng những
cái tích cực hơn. Nếu có những cơ sở hạ tầng, chính sách tốt thì không
phải ai cũng muốn cụm lại ở nội đô”, đại biểu Quốc nói.
Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu ủng hộ đó là chọn biểu tượng
của Thủ đô là Khuê Văn Các. Các ý kiến chung cho rằng, Khuê Văn Các được
xây dựng trong một quần thể kiến trúc lâu đời, tổng thể, thể hiện tầng
văn hóa rất cao của người Hà Nội và Việt Nam nên xứng đáng là biểu tượng
của Thủ đô.
Cũng liên quan đến nội dung văn hóa, các đại biểu đề xuất chú trọng tới
bảo tồn nền văn hóa Xứ Đoài ngoài văn hóa Thăng Long xưa, sớm có không
gian cho vườn bách thú, bách thảo, bảo tàng tự nhiên.