Những mùa heo may thương nhớ
Heo may đã về.
Phố phường Hà Nội sau một mùa nắng bất thường, “tiết tháng 7 mưa dầm
sùi sụt” chẳng đến, nhưng heo nay thì cứ về đúng nhịp, vẫn nguyên vẹn
cái tiền định của đất trời.
Tôi đứng trên căn gác nhà mình mà thả hồn theo làn gió heo may đầu
mùa thổi tới. Cái se se của đất trời chuyển vụ. Cái xào xạc của những
chiếc lá oằn mình qua mùa mưa bão. Cái háo hức của những bông hải đường
rung lên trước những ngọn gió heo may đầu tiên. Ngoài kia những chùm hoa
sữa cũng đã bắt đầu nhu nhú.
Kể cũng lạ về loài hoa hải đường. Đó là loài hoa đặc biệt mà tôi từng
được biết. Đặc biệt không phải ở màu đỏ tươi đến nao lòng, sặc sỡ mà
không chói lóa. Đặc biệt cũng không phải ở màu xanh ngăn ngắt của lá.
Đặc biệt cũng không phải màu vàng óng ánh của nhụy hoa. Cái đặc biệt
chính là thời gian mà bông hoa ngậm trong mình để có được những sắc màu
ấy.
Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn rằng, đến như loài hoa để có được những sắc màu
dâng hiến đẹp đẽ cũng phải trải qua nhiều nắng gió. Nụ hoa bắt đầu có từ
cuối xuân đầu hạ. Chưng cất từ những tia nắng gay gắt của một mùa hè
chói lóa. Chưng cất từ những gió mưa vần vũ, từ những cái lạnh tê lòng.
Phải chăng mọi cái “ăn xổi ở thì” sẽ nhanh tàn chóng héo?
Ký ức lại đưa tôi về với những tháng ngày xa xưa của tuổi học trò.
Tôi vẫn nhớ như in cái cây hải đường bên bờ ao nhà bạn.Ở nơi đó chúng
tôi đã cùng nhau học bài, cùng nhau đón ngọn giónồm nam mát rượingan
ngát hương lúa, ngào ngạt hương cau.Ngày ấy tôi thật vô tâm. Chỉ biết
đến mùa xuân để có được những cành hoa mướt xanh và sặc sỡ mà không hiểu
cái điều sâu xa về loài hoa mà bạn đã gửi gắm…
Cuộc đời mỗi con người đều có những ngọn gió heo may và đồng hành
cùng nó. Riêng với tôi nó còn là người bạn tri kỷ của tuổi thơ lam lũ.
Ai đã ở quê sẽ háo hức như thế nào khi đón ngọn heo may về.
Heo may cũng bắt đầu mùa cốm. Cốm quê tôi không có cái màu xanh mươn
mướt và dẻo thơm như cốm Vòng, nhưng đối với bọn trẻ chúng tôi đó là cả
một mùa háo hức và mong nhớ.
Thường đến mùa cốm, mẹ tôi bao giờ cũng làm cho bọn trẻ chúng tôi một
vài mẻ. Bố và các anh chị tôi ngày ấy đều công tác xa nhà, chỉ còn lại
mẹ và hai chị em tôi. Thích ăn là thế nhưng phải ngồi rang thìlúc nào
tôi cũng “nhường” cho chị. Rang và giã cốm là cả mộtnghệ thuật. Thường
thì mẹ tôi phải đảm đương tất cả các khâu, còn chúng tôi chỉ là người
trợ giúp.
Heo may cũng gắn liền với mùa cá. Tôi không phải là một tay “sát cá”
nhưng heo may về cũng là mùa để có những bữa tiệc cá rộn ràng. Bây giờ
thì đồng đất quê tôi không còn cá nữa, nhưng ngày trước cá nhiều vô kể.
Có lần đang ngồi trong nhà ăn cơm, một trận mưa rào lai láng, cá rô rạch
vào đến tận sân nhà.
Heo may là mùa cá nhảy, bạn đã biết đến điều đó chưa?
Chính cái tuổi trẻ chúng tôi háo hức đón heo may cũng vì lẽ đó. Chưa
có nhà “cá học” nào giải thích vì sao đến mùa này cá lại nhảy. Nhưng
những nhà “cá học” nông thôn chúng tôi cho rằng do chuyển thời tiết mà
cá di chuyển. Và trên đường di chuyển gặp chướng ngại vật cá sẽ sẵn sàng
nhảy qua, kể cả bờ. Lợi dụng điều đó chúng tôi đã “giăng bẫy” bắt cá.
Còn nhớ trước ngày tôi xa quê, xa mái trường, lại là mùa heo may tôi
“giăng bẫy” bắt được nhiều cá nhất.Khi đi thăm một vòng khu đồng đất quê
mình, chúng tôi đã xác định được khu ruộng có nhiều cá. Thế là chúng
tôi bắt đầu “cuộc chiến”, dùng xẻng, thuổng phá bờ, đào những cái
“khăm”. “Khăm” là tiếng quê gọi chứ thực ra là những cái hố dài chạy
suốt cả bờ ruộng. Hố không quá sâu, chỉ độ 40cm, miễn là khi cá xuống
không thể nhảy lên được. Hai bên thành hố chúng tôi để bờ cao hơn mặt
nước một tý. Khi cá di chuyển gặp bờ sẽ nhảy qua và rơi vào “khăm”. Đào
chưa xong mà trời đã tối nên chúng tôi cố gắng đào một chỗ sâu hơn để
nếu cá nhảy qua thì dồn vào đấy.
Sáng ra, nghĩ chưa có nhiều cá nhảy nên cũng đủng đỉnh, à ơi. Mặt
trời lên độ “hơn cây sào” chúng tôi mới ra kiểm tra “trận địa” vừa
giăng. Thật không tin vào mắt mình nữa. Cơ man nào là cá. Nhiều nhất là
cá quả và cá rô. Hôm đó tha hồ mà trổ tài làm các món ăn ngon…
Rồi khi heo may thổi mạnh, chúng tôi tiễn bạn bè cùng lớp ra trận.
Chia tay nhau mà có gì đâu, chỉ là những điệu hát lời ca vànhững cuốnsổ
tay ghi mấy dòng lưu bút. Chúng tôi nghĩ khó có ngày gặp lại nhau khi
ngoài kia tiếng súng đang chát chúa gần lắm.
Tuổi mười tám lần đầu xa mẹ
Trang sách gấp rồi phía lửa cháy mở ra
Cây bàng cháy khung trời cửa sổ
Bạn gửi gì khi ngắt lá trao ta...
Tiễn bạn đi chưa lâu, tôi cũng lên đường. Bẵng đi mấy năm chúng tôi
quên cả ngọn gió heo may quay quắt, những mẻ cốm ngát xanh cùng những
con cá quẫy bắn bùn tung tóe.
Tôi trở lại mái trường cũng đúng vào năm hòa bình đầu tiên và bắt đầu
có ngọn gió heo may thổi tới. Tôi là người may mắn hơn các bạnvì đi sau
lại được về trước. Có những người bạn của chúng tôi đã vĩnh viễn không
quay trở về.Gặp nhau để chia tay nhau mà nước mắt cứ giàn dụa...
Ngày tôi vào trường cũng là ngày cô bạn ngày xưa lại chuẩn bị ra
trường. Ước mơ của bạn được vào học Văn của trường Tổng hợp thế là không
thành. Thi đậu vào trường nhưng lại phân học Sử làm bạn buồn mất cả
tháng trời.
Chúng tôi chia tay nhau dưới những hàng nhãn của khu Mễ Trì. Tôi cũng
không nghĩ mình sẽ được về ngồi trong giảng đường này, được cùng bạn đi
dưới những hàng nhãn, hàng bằng lăng và hàng liễu đang xõa tóc trên
khắp lối mòn của trường đang xào xạc rung lên trước cơ man nào là gió.
Cuộc đời nhiều cái không thể lường hết. Chỉ mấy năm thôi nhưng mọi cái
tưởng như không thể giờ đã trở thành có thể.
Ngoài kia, tiếng tàu điện ầm ào đang chậm chậm vào ga và tiếng leng keng vui như tiếng cười con trẻ.
Những mùa heo may, ơi những mùa heo may, có kỷ niệm vui buồn, có chia
ly và đoàn tụ. Chẳng có ở đâu như mảnh đất này lại có cái mùa kỳ lạ đến
nhường ấy. Trời xanh và mây trắng cứ bồng bềnh như mơ. Gió chỉ đủ làm
rung nhẹ hàng cây, đủ để mặt hồ gợn sóng. Gió cũng chỉ đủ làm cho những
trái tim rộn ràng thổn thức, đủ để các bạn trẻ tựa vào nhau, nâng nhau
đi vào một mùa hạnh phúc.
Còn chúng tôi, gió cũng chỉ đủ làm lay nhẹ những mảnh hồn để nhớ về
những ngày xa xưa, để chắp nối lại thành cuộc đời mỗi con người.
Heo may bao giờ cũng đúng hẹn. Như Hồ Tây đúng hẹn chim Sâm Cầm cũng sẽ lại về.
(Theo Dantri.com.vn)