 |
Ảnh minh họa
|
Trước những băn khoăn của người dân về thông tin người điều khiển xe
không chính chủ sẽ bị phạt tiền, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cho biết:
Ngày 19/9/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Điểm c, Khoản 6, Điều 33 của Nghị định 34 (đã được
sửa đổi, bổ sung) quy định: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000
đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe
tương tự ô tô không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.
Điểm e, Khoản 3, Điều 33 quy định: Phạt tiền từ
800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy; các
loại xe tương tự mô tô không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy
định.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên khẳng định quy định này
áp dụng với hành vi mua đi, bán lại phương tiện mà người mua và người
bán không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu (còn gọi là sang tên đổi chủ)
phương tiện theo quy định (trong thời gian 30 ngày kể từ ngày mua xe-
PV).
Cánh sát giao thông chỉ phạt những trường hợp mua
bán xe không sang tên đổi chủ và người bị phạt chính là người chủ hiện
tại của chiếc xe.
Với trường hợp người trong cùng gia đình sử dụng
chung một chiếc xe (trong gia đình có một người đứng tên đăng ký xe),
người dân chỉ cần chứng minh và giải thích về địa chỉ của mình với địa
chỉ của chủ xe. Đối với trường hợp mượn xe của người khác thì cần giấy
chứng minh (có thể viết tay) là xe được cho mượn thì cảnh sát giao thông
cũng không xử phạt.
Tuy nhiên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cũng thừa
nhận chưa có quy định cụ thể để xác định chiếc xe mà một người đang sử
dụng là xe mượn hay là xe của chính họ nhưng không sang tên đổi chủ. Sắp
tới, Bộ Công an sẽ nghiên cứu và có giải pháp cho vấn đề này.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên khẳng định lực lượng
cảnh sát giao thông sẽ thực hiện nghiêm quy định xử phạt hành vi mua
bán phương tiện mà không sang tên đổi chủ. Hiện có rất nhiều người mua
bán xe nhưng không sang tên đổi chủ, gây thất thu thuế cho Nhà nước.
Hơn nữa, thực hiện nghiêm quy định này sẽ giúp cho
việc phạt nguội (xử phạt qua hình ảnh) có hiệu quản hơn, góp phần răn đe
người tham gia giao thông chấp hành nghiêm túc pháp luật. Khi xử phạt
nguội, nếu chủ phương tiện không chấp hành nộp phạt, cảnh sát giao thông
sẽ căn cứ vào biển số xe để tìm ra ngay ai là chủ xe. Nhưng hiện nay,
nhiều người dân chấp hành không nghiêm túc việc sang tên đổi chủ, dẫn
đến khó khăn cho lực lượng cảnh sát giao thông khi không thể xử phạt
người đã mua và hiện đang sử dụng xe.
Liên quan đến việc xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới, Điều 24 Nghị định 34 (đã được sửa đổi bổ sung theo Nghị định 71) quy định:
2. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
b) Người điều khiển xe mô
tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe
gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an
toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu có quy định phải kiểm định);
3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
b) Người điều khiển xe ô
tô, máy kéo không mang theo Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe, Giấy
chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu có quy
định phải kiểm định).
|
(Theo Chinhphu.vn)